Sơn La: "Cướp vợ", nước mắt còn rơi

14/07/2006 14:17 GMT+7

Kéo vợ" là một phong tục lâu đời của người dân tộc Mông. Vào mùa xuân, chàng trai Mông đi chợ, nếu bắt gặp một cô gái xinh đẹp vừa ý là quay về, rủ một số bạn trai tìm bắt cô gái theo mình. Nếu chàng và nàng đã có tình ý trước, cô gái sẽ để cho chàng đưa về nhà vài ngày. Sau đó, chàng đưa nàng quay về nhà bố mẹ đẻ để làm các nghi lễ cưới hỏi.

Nhưng cũng từ lâu, tục "kéo vợ" đã bị biến dạng thành hủ tục "cướp vợ". Bất chấp việc con trai của mình còn nhỏ tuổi, nhiều gia đình Mông vẫn đến nhà các cô gái trong bản "cướp" người con gái mình ưng ý mang về, vừa để có thêm lao động trong nhà, vừa làm vợ cho con mình. Nạn tảo hôn cũng từ đó mà thêm trầm trọng.

Tại Sơn La, nơi có 114.578 đồng bào Mông sinh sống, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tư pháp tỉnh, trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, tại 10 huyện miền núi của tỉnh, đã có hơn 500 trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân gia đình vì kết hôn chưa đủ tuổi. Nhiều hậu quả xấu đã xảy ra, xuất phát từ hủ tục này.

"Lấy chồng từ tuổi thập tam, đến năm tam thập đã toan về già"

Xã Hồng Ngãi, huyện Bắc Yên, quê hương của "Vợ chồng A Phủ" (tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài) có 80% dân số là đồng bào Mông. Bản thân Chủ tịch MTTQ xã – anh Giàng A Tù (người dân tộc Mông) cũng là một “người trong cuộc” của hủ tục tảo hôn. Anh Tù vốn là con trai lớn trong nhà. Dưới anh còn có 5 người em, nhưng lại đông con gái. Năm anh 14 tuổi, bố mẹ cùng nhiều người lớn trong họ đã dẫn anh đi “cướp vợ” về để nhà có thêm người làm. “Vợ” anh Tù hơn anh 1 tuổi. Hai năm sau, anh chị sinh con.

Chỉ trong vòng tám năm, vợ chồng anh đã có 5 con. Sống với nhau chẵn 10 năm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lao động vất vả, con cái nheo nhóc, vợ anh Tù đổ bệnh rồi chết. Năm 27 tuổi, anh Tù cưới vợ lần thứ 2. Người vợ này lại sinh cho anh thêm 2 con. Năm nay, anh mới 37 tuổi nhưng có đến 7 đứa con và đã lên chức ông ngoại, trong đó, tuổi của cháu ngoại anh chỉ kém cậu nó vài tháng!

Anh kể, con gái thứ của anh, cháu Giàng Thị Chả, năm 2002, đang học lớp 5 vì đi học muộn (13 tuổi) đã bị “nhà người ta” ở bảng Lũng Tan bắt về làm vợ. Năm nay, cháu 17 tuổi, đã là mẹ của 2 đứa con!

Tại bản Mới, vợ chồng Hạn Thị Dua và Mùa A Phình (người dân tộc Mông) cũng lấy nhau từ năm 14 tuổi. Năm nay, mới 35 tuổi, họ đã có 6 người con và đã lên chức ông bà nội. May mà con trai lớn của họ - Mùa A Lồng, đến 20 tuổi mới lấy vợ. Theo bạn bè, vợ chồng Lồng xuống thị xã để làm ăn, ông bà nội phải vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm cháu. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào 2 vụ ngô trong năm.

Anh Giành A Tủa, Phó chủ tịch HĐND xã Hồng Ngài cho biết, vào mùa “cướp vợ” vừa rồi (cũng là mùa cưới của đồng bào Mông, thường diễn ra vào dịp Tết âm lịch của người Kinh) xã Hồng Ngài đã có 10 cặp vợ chồng tổ chức đám cưới khi đang ở độ tuổi vị thành niên. Có cặp như Giàng A Khoa (12 tuổi) và Sùng Thị Dua (14 tuổi) lấy nhau rồi vẫn “chưa biết làm gì”. Anh Giàng A Tủa cho biết, tuần trước, anh vẫn còn thấy A Khoa đi chăn trâu với đám trẻ, đêm về lại ngủ với mẹ; còn Dua thì theo bố mẹ chồng đi làm nương…

Chị Tráng Thị Xuân (người dân tộc Mông), Bí thư Huyện ủy Bắc Yên, nữ tỉnh uỷ viên duy nhất của Sơn La cho biết, huyện Bắc Yên có 60% dân số là người Mông chiếm tới 57,8% số hộ nghèo, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại. Điển hình là các xã Hồng Ngài, Tả Sùa, Nàng Chếu, Sín Vàng và Thắng Trú.

Theo chị Xuân, hủ tục này còn bám rễ đến ngày nay là do bắt nguồn từ tập tục làm nương của đồng bào Mông. Với kiểu canh tác nhỏ, lẻ, chủ yếu là trồng trọt trên các triền núi cao, nên từ lâu người phụ nữ Mông đã trở thành lao động chính trong gia đình. Gia đình người Mông nào có đông người làm trong nhà có nghĩa là có nhiều của ăn của để.

Từ suy nghĩ đó, các gia đình đều muốn con trai mình lấy vợ sớm để có thêm người làm trong nhà, sớm sinh con đẻ cái để có thêm nhiều lao động. Ngoài ra, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” cũng còn rất rõ ở đây. Người Mông cho rằng, người vợ chỉ ngang hàng với các vật nuôi khác trong nhà, lấy vợ về là để phục vụ. Người chồng có thể lấy vợ sớm vì có quyền 5 thê, 7 thiếp.

Hiện nay, theo chị Xuân, tại một số xã của Bắc Yên, người Mông vẫn duy trì một số tập tục sinh hoạt như người vợ không bai giờ được ngồi cùng mâm với chồng. Nếu gia đình chồng có khách, người vợ phải phục vụ thâu đêm, suốt sáng cho đến khi tiễn khách ra về. Họ chỉ được ăn những  đồ còn sót lại của gia đình…


Tục "kéo vợ" của đồng bào dân tộc Mông.

Những bản làng không còn yên tĩnh

Vì làm vợ, làm mẹ sớm nên nhiều nữ thanh niên dân tộc Mông thường sinh nhiều con, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và cả con cái họ. Ngoài ra, do phải lam lũ làm ăn, gánh vác công việc nương rẫy, phục vụ việc nhà chồng nên họ không được đi học. Mù chữ khiến họ thiếu hiểu biết, không biết cách nuôi dạy con và cũng không biết cách giải thoát cho chính bản thân mình.

Vài năm gần đây, khi 201 xã của tỉnh miền núi Sơn La được thông đường, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông và 11 dân tộc khác trong tỉnh đã đổi thay. Tuy nhiên, khi kinh tế xã hội bước đầu được cải thiện mà trình độ hiểu biết của người dân vẫn còn lạc hậu, nên từ các hủ tục cũ phát sinh thêm nhiều tệ nạn mới.

Anh Giàng A Tủa kể, từ hủ tục “cướp vợ”, nhiều gia đình phía cô gái đã “đổi mới”. Nhất là những trường hợp khi về đến nhà chồng, những cô gái phải lao động vất vả, lại không được đối xử tử tế. Do vậy, nhiều gia đình đã đến tận nhà thông gia để “kéo” con gái mình về, gây ra mâu thuẫn giữa hai gia đình, hai dòng họ, gây mất trật tự thôn bản.

Mới đây, cuối tháng 4/2006, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án “cố ý giết người” từng gây xôn xao dư luận. Bị can là Cù Thị Ón (SN 1979). người dân tộc Mông, trú tại bản Nà Si, xã Mường Bú, huyện Mường La. Ón làm mẹ từ năm 16 tuổi, do cuộc sống cứ mãi khó khăn lại mê tín dị đoan, Ón đã tự giết hại con gái mình. May mà cháu bé vẫn còn sống. Tại cơ quan công an, Ón khai Ón nằm mê thấy có người nói phải giết con gái thứ 2 là Quàng Thị Kim (SN 1999) thì cuộc sống mới hết khổ.

Theo thống kê của TAND tỉnh Sơn La, trong 2 năm gần đây, số bị cáo bị đưa ra xét xử từng là nạn nhân của thủ tục tảo hôn rồi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vẫn chưa có chiều hướng giảm. Điển hình như vụ Giồng Như Tồng (SN 1976), ở xã Cò Mạ, huyện Thuận Châu buôn bán 27kg thuốc phiện. Tồng lấy vợ năm 15 tuổi, 16 tuổi có con. Bố của Tồng (SN 1959), tức là 17 tuổi đã làm cha, 33 tuổi đã làm ông nội. Lúc bị bắt Tồng đã có 4 con. Tồng khai nhận, đã có thâm niên hơn 10 năm buôn thuốc phiện. Do buôn ma tuý với số lượng lớn, đầu năm 2006, Tồng đã bị thi hành án tử hình.

Bị cáo Sồng A Lâu (SN 1987) quê xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu cũng phạm vào tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý vói số lượng lớn. Tại toà, Sồng A Lâu khai nhận, tháng 7/2003, Lâu được bố là Sồng A Thào (SN 1967) giao cho 8 bánh heroin và 1.770 viên hồng phiến để đưa cho khách. Trên đường vận chuyển, Lâu bị bắt.

Lúc vụ án được đưa ra xét xử (tháng 2/2004), vợ Lâu là Tráng Thị Xó (SN 1988) mang theo con nhỏ mới hai tháng tuổi để gặp bố. Vì còn tuổi vị thành niên, Lâu thoát được án tử hình, chỉ phải chịu mức án 12 năm tù...

Thức tỉnh bà con bằng cách nào?

Theo anh Giàng A Tủa, xã Hồng Ngài và một số xã vùng ven khác đã có “sáng kiến” áp dụng hình thức chế tài là phạt tiền đối với các cặp vợ chồng tảo hôn. Năm 2005, tại xã Chiềng Sạ, huyện Bắc Yên, ngoài phạt tiền, lãnh đạo huyện còn bãi miễn chức đại biểu HĐND xã đối với một cán bộ vì có con gái tảo hôn.

Cũng vì tảo hôn nên theo số liệu của Sở Tư pháp Sơn La, có đến 80% các cặp vợ chồng đồng bào miền núi không đăng ký kết hôn, con họ sinh ra cũng không đăng ký khai sinh.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh, theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, tỉnh đã có những đợt rà soát các trường hợp trên rồi về từng bản hướng dẫn bà con thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Theo bà Khiếu Thị Hạt - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Sơn La, để chị em phụ nữ dân tộc hiểu biết pháp luật, có kiến thức về đời sống xã hội và biết cách bảo vệ bản thân, từ đó xoá bỏ dần các hủ tục thì không có cách gì hiệu quả bằng việc xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên "miệng" đến khắp các thôn bản.

Khó khăn nhất của Tỉnh Hội Sơn La hiện nay là số cán bộ Hội còn mù chữ quá nhiều. Bà Hạt cho biết, nhiệm kỳ trước có đến 207 chị cán bộ cơ sở mù chữ. Bà Hạt mong mỏi, trong thời gian tới, tỉnh và cấp TƯ nên có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo tại chỗ cho chị em phụ nữ người dân tộc.

Có trình độ, có hiểu biết, chị em phụ nữ dân tộc sẽ biết bảo nhau điều hay, lẽ phải để tự cứu lấy bản thân và gia đình.

Theo Mai Tâm/ Báo Phụ nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.