Sống chung với hôi thối và ruồi, muỗi

02/03/2010 08:38 GMT+7

Những ai đi qua đoạn sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đều phải bịt mũi bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ dòng sông. Ngoài mùi hôi thối, người dân còn phải chịu đựng muỗi và côn trùng dày đặc...

Đoạn sông này từ lâu đã trở thành nơi xả rác thải của những hộ gia đình sống ven bờ sông. Ở ngay đầu cầu Hữu Hòa còn có một khu chợ của những người dân trong xã nên việc xả rác càng nhiều hơn.

Tiện tay, những người dân bán hàng trên bờ cứ vô tư đổ rác xuống con sông. Chính vì thế, dòng chảy của con sông gần như bị tắc nghẽn vì rác.

Dưới lòng sông là đủ các loại rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trông rất mất mỹ quan. Đây cũng là nguyên nhân gây ra thứ mùi kinh khủng mà những người dân ven sông và khách qua đường phải hứng chịu.

Vào thời điểm này, nước sông Nhuệ đang rất cạn, cộng với trời nắng nóng khiến cho mùi hôi thối bốc lên từ sông càng nồng nặc hơn.

Cô Vũ Thanh Hảo, xã Hữu Hòa, có nhà nằm sâu trong làng nhưng vẫn phải gánh chịu mùi hôi nồng nặc từ con sông phả vào nhà.

“Trời mát mẻ thì mùi còn đỡ chứ trời nóng thì thật kinh khủng. Tôi thường xuyên bị đau đầu vì mùi hôi thối này đấy”, cô Hảo phàn nàn.

Những hộ gia đình ở sâu trong làng thì vậy, còn những hộ nằm sát ven sông thì lại thấy... bình thường. “Ở mãi cũng thành quen, chứ khách đến thăm nhà chẳng ngồi chơi được lâu vì mùi hôi thối quá”, anh Hoàng Văn Sơn, một gia đình nằm ngay sát bờ sông cho biết.

Mặc dù sông đã ô nhiễm như vậy nhưng chính những người dân ở đây vẫn tiếp tục xả rác trực tiếp xuống sông hằng ngày. Điều này khiến con sông ngày càng ô nhiễm nặng hơn, tạo điều kiện cho các loại ruồi, muỗi và côn trùng phát triển.

Mùa khô năm nay, do nước sông Nhuệ khô cạn nên các loại rác thải dưới dòng sông càng có cơ hội lộ diện; ruồi muỗi, côn trùng càng có dịp sinh sôi, nảy nở. Vì thế những người dân ở địa bàn hai xã ven sông không chỉ phải chịu những mùi hôi thối mà còn phải sống chung với ruồi, muỗi và các loại côn trùng.

“Cứ chập tối là đầy muỗi bay vào nhà, những ngày mùa xuân ẩm thấp thế này thì càng nhiều hơn”, anh Nguyễn Anh Tiến, nhà ở ngay sát ven sông Nhuệ cho biết.

Gia đình chị Hoàng Thị Thanh Tuyến còn có trẻ nhỏ nên việc ô nhiễm môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chúng.

“Lần trước hai đứa cháu nhà tôi còn bị muỗi đốt rồi ngứa gãi nên loét hết người ra, uống thuốc mãi mới khỏi. Từ đấy, cứ tối đến là phải thả màn cho trẻ con chơi trong màn chứ cứ để chúng chơi ở ngoài thì người lúc nào cũng đầy vết muỗi đốt mẩn đỏ lên”, chị Tuyến kể.

Chị Tuyến cũng cho biết, do sinh sôi, nảy nở trong điều kiện dòng sông Nhuệ rất ô nhiễm nên các loại muỗi này đốt rất đau, và có thể gây sưng tấy lên trong nhiều ngày.

“Người lớn còn chẳng chịu được huống chi là trẻ con. Nhiều đứa bị muỗi đốt mà đau đến phát khóc lên, quấy lắm”, chị Tuyến vừa quạt cho đứa cháu nhỏ vừa nói.

Do nhiều muỗi, nên nhà nào cũng dự trữ trong nhà đủ các loại vợt muỗi, hương muỗi và các loại bẫy thử... Tuy nhiên, do lượng muỗi quá nhiều nên tất cả những biện pháp diệt muỗi chỉ phát huy tác dụng phần nào.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dù chính người dân là nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng họ cũng mong muốn các cơ quan chức năng tiến hành huy động, tổ chức người dân dọn vệ sinh dòng sông Nhuệ và có biện pháp diệt trừ muỗi để đảm bảo dịch bệnh không đe dọa cuộc sống của họ. Lý do là nếu tự bản thân người dân đứng ra tổ chức dọn dẹp vệ sinh dòng sông thì sẽ không hiệu quả.

Ngọc Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.