Còn nhớ những ngày đầu đến Cuba, có lần bà chủ nhà cầm một hộp sữa đưa tôi rồi nói: “Đố cháu có gì lạ?”. Đó chỉ là một hộp sữa đặc có đường với hàng chữ Tây Ban Nha Vacasa y như hộp sữa ông Thọ nhà mình.
Tôi săm soi một hồi rồi lắc đầu: “Không có gì lạ, VN cũng có sữa giống vầy”. Bà già cười lớn: “Thì sữa này từ VN chứ đâu”, rồi chỉ vào chữ “Thai Binh” nhỏ li ti ở góc hộp và nói thêm: “Cuba nhiều hàng VN lắm đấy”.
Cũng từ đó, khi đi chợ, siêu thị ở Cuba tôi hay tìm xem đó có phải là hàng VN không, và cũng bất ngờ khi thấy rất nhiều vật dụng gia đình có dòng chữ “Thai Binh”. Điều này làm tôi tò mò…
Từ mẹt bánh bò…
Là con thứ hai trong gia đình nghèo bảy anh chị em ở Long Xuyên (An Giang), ba là thợ sửa máy công nghiệp, mẹ bán phụ tùng bù loong, ốc vít ở chợ, học đến lớp 6 thấy nhà khó khăn quá cậu bé Tú quyết định xin ba mẹ đi... bán bánh bò, bánh tiêu để phụ giúp gia đình.
Bán chừng hơn một năm, Tú ở nhà phụ mẹ bán tạp hóa. Ông kể, hồi đó không có internet, phương tiện giải trí nghèo nàn lắm. Muốn xem phim phải chạy mười mấy cây số, mà chen đông nghẹt. Thế là ông gom góp mượn tiền được 5, 6 cây vàng mua đầu máy ti vi rồi kết hợp với phòng văn hóa thông tin đi những vùng sâu, vùng xa tổ chức chiếu phim bán vé lấy tiền.
Chiếu chưa đầy năm đã lấy lại vốn. Năm 1986, khi mới 17 tuổi, thấy bạn của ba làm bên công ty vật tư thiết bị của nhà nước có những kho hàng tiếp quản từ trước giải phóng đồ còn ngon quá, ông liên kết với hợp tác xã nhờ đứng tên để mua số hàng đó rồi về bán lại.
“Cú đó đem lại cho tôi bộn tiền để làm vốn lên Sài Gòn nhập máy nông ngư cơ Nhật về bán và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Bộ Thương mại cấp phép nhập khẩu trực tiếp”, ông Tú cho biết.
Trở thành ông chủ với cơ nghiệp khá vững vàng từ khi mới đôi mươi, những tưởng hoa hồng sẽ tiếp tục rải dưới chân, nhưng… Đời không ai biết được chữ ngờ, thị trường dần bão hòa, chính sách VN thay đổi cộng với việc do còn trẻ chưa có kinh nghiệm quản lý nên năm 1998 công ty của ông rơi vào tình thế rất khó khăn.
Đang rủng rỉnh tiền bạc, phút chốc lâm cảnh nợ nần khiến chàng thanh niên khá suy sụp. Lúc này có người bạn rủ đi Cuba chơi cho khuây khỏa, Tú gật đầu đồng ý mà không hề biết rằng chuyến đi đó là bước ngoặt của cuộc đời mình.
Đến “ông trùm” ở Cuba
Mục đích ban đầu là sang đây chơi, nhưng thấy tình hình như thế máu kinh doanh trong người lại sục sôi, ông Tú quyết định dời ngày về, ở lại thêm để tìm hiểu thị trường. Đến cuối năm đó, văn phòng đại diện Công ty Thái Bình được thành lập tại Cuba với tổng số thành viên là... hai người: ông Tú và một người bạn.
Những năm đầu lập nghiệp ở Cuba là khoảng thời gian “cân ý chí” đầy căng thẳng. Thời điểm đó, thân là lãnh đạo công ty, ông Tú và bạn vẫn trực tiếp lăn xả đi chào hàng, tìm đối tác. Nguồn sản phẩm của công ty cũng chính là mấy thùng dầu cao sao vàng, giày dép, nón, áo thun... mà hai ông khệ nệ vác theo mỗi lần sang Cuba.
Mấy tháng đầu chẳng ký được hợp đồng nào, chi phí văn phòng mỗi tháng lại ngốn 5.000 - 6.000 USD, tiền dự trữ cạn dần... Thời may, đến tháng thứ 6 công ty có đơn hàng đầu tiên mua dầu cù là sao vàng trị giá 15.000 USD. Số tiền lời có được lại lập tức được đắp vào phí vận hành văn phòng cho những tháng kế tiếp...
Sau bốn năm miệt mài trên đất khách, năm 2002, công ty ông Tú mới đặt được quan hệ với hai tập đoàn sở hữu chuỗi siêu thị lớn nhất của Cuba là TRD và CIMEX, mời được họ về VN tham quan và mua sản phẩm trực tiếp. Đợt hàng đầu tiên trị giá 1 triệu USD chủ yếu là quần áo, giày dép. Và cũng từ đó hằng năm họ đều về VN mua hàng. Các mặt hàng cũng ngày càng phong phú hơn.
“Muốn thành công ở Cuba phải kiên trì và biết chia sẻ. Cuba nghèo nhưng lòng tự trọng cao lắm. Khi họ đã tin tưởng và thấy mình đồng cảm được những khó khăn đó thì họ rất thủy chung và tăng sức mua lên”, ông Tú cho biết.
Hiện tại, dự án nhà máy tã lót tổng vốn đầu tư 9,3 triệu USD của ông Tú sẽ bắt đầu xây dựng trong quý 1/2017 và có sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2018. Ngoài ra, dự án nhà máy bột giặt (23 triệu USD) liên doanh với Cuba tại đặc khu kinh tế Mariel cũng đang trong giai đoạn cuối nộp nghiên cứu tiền khả thi. Với công suất 50.000 tấn/năm, nhà máy này có thể phục vụ cho thị trường Cuba và một số nước lân cận.
Doanh thu hơn 120 triệu USD/năm
Đại sứ VN tại Cuba Dương Minh cho biết hiện chỉ có ba công ty VN có trụ sở tại Cuba, đó là Thái Bình, Nhật Trang và Tân Việt. Trong đó, Thái Bình là công ty tư nhân VN lớn nhất tại đây, có đến 12 ngành hàng (khoảng 10.000 mặt hàng) tại các chợ, siêu thị trên 16 tỉnh Cuba.
“Công ty Thái Bình có mức tăng trưởng rất cao. Hai năm trước doanh thu chỉ khoảng 50 - 60 triệu USD/năm nhưng bây giờ doanh thu đã tăng gấp đôi”, ông nói.
|
Bình luận (0)