Trên đường đến Biển Chết (Israel) vào một ngày cuối tháng 10.2016, chúng tôi được các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu nhiều về Biển Chết, và cũng tận tình nhắc nhở các vấn đề về… sức khỏe. Nào là nước Biển Chết rất mặn nhưng có lợi cho da, nhất là những người có bệnh ngoài da. Tuy nhiên, không được tắm biển quá lâu, 45 phút là tối đa, vì không có lợi cho sức khỏe. Nào là phải mang kính bơi để tránh nước vào mắt. Nào là không được uống nước biển vì độ mặn của nó có thể gây hại cho bao tử… Không được bôi kem chống nắng vì nước biển quá mặn ở đây có thể có phản ứng với kem chống nắng, gây hại cho da… Không được đùa nghịch nước, vì có thể làm nước bắn vào mắt người khác. Trường hợp uống phải nước hay bị nước vào mắt thì phải chạy lên rửa lại bằng nước ngọt ngay, hoặc báo cho hướng dẫn viên biết…
Biển Chết nằm ở thung lũng Jordan, trên biên giới giữa Israel, Palestine và Jordan. Biển dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là hơn 400 m. Bề mặt Biển Chết nằm ở độ sâu hơn 400 m dưới mực nước biển. Tên là Biển Chết, nhưng thực ra đây không phải một vùng biển mà là một hồ nước mặn sâu nhất thế giới, với nồng độ muối lên tới 33,7%. Nước Biển Chết mặn hơn gấp 9,6 lần so với nước biển thường, với nồng độ muối NaCl và các khoáng chất khác rất cao. Do vậy, người ta nói nước Biển Chết có khả năng chữa bệnh, có ích cho sức khỏe con người.
|
Chúng tôi đã có một bữa cơm trưa ở nhà hàng tại Biển Chết. Tất nhiên thời gian ăn cơm trưa này không tính vào 40 phút ở Biển Chết (nếu tính vào thì có mà… chết!). Bữa cơm trưa diễn ra nhanh chóng, với đôi mắt lúc để trên bàn ăn, lúc phóng qua tường bằng kính để lao xuống biển, và đôi tai “luôn luôn lắng nghe” chờ đợi được lệnh… tắm biển. Và rồi sau khi dặn dò thêm về chỗ tập trung lên xe, hướng dẫn viên “tuyên bố”: 40 phút bắt đầu!
|
Tôi háo hức chạy xuống biển, đến chỗ nước gần ngang rốn rồi dừng lại, nhẹ nhàng ngã người ra sau, thấy mình nổi trên mặt nước… Cái cảm giác lâng lâng, đặc biệt là đối với một người không biết bơi như tôi, thật khó tả… Nằm phè trên biển, ngắm nhìn bầu trời xanh biếc, nhìn chung quanh mọi người cũng đang nổi trên mặt biển, tự dưng nước mắt tôi trào ra, rồi bất giác bật thành tiếng: Nổi rồi! Nổi rồi!
Tôi nằm yên tận hưởng cái cảm giác có một không hai này, và mong muốn khoảnh khắc này đừng trôi đi nữa. Nhưng không, tôi vội đứng lên, nước cứ đẩy chân tôi lên, không đứng được. Phải thật nhẹ nhàng chuyển mình, chuyển chân xuống rồi đứng lên. Đứng lên để làm gì, chỉ để lại ngã người xuống, để lại thấy mình nằm nổi trên mặt nước, để tận hưởng cái cảm giác có thể chẳng bao giờ có lại được này… Thêm một lần nữa đứng lên rồi ngã người ra sau…
“Đi thoa bùn”, anh bạn đồng hành kêu lớn. Chúng tôi cùng chạy vào gần bờ, nơi có lớp bùn đen mềm, lấy bùn thoa khắp người (trừ khuôn mặt), giờ thì mọi người ai cũng đen thùi, đứng phơi nắng. Nhớ lời anh hướng dẫn viên kể: “Nên phơi bùn khoảng 15 phút cho nó khô, xong lại xuống tắm nước biển cho sạch…”. Hic, nếu có đủ 15 phút để phơi khô bùn thì có mà mơ. Thoa xong chúng tôi liền chạy ra biển tắm ngay. Định tắm sạch bùn xong lại nằm trên biển lần nữa nhưng anh bạn đồng hành giục “Hết giờ rồi. Lên thôi”.
Thánh thật, xuống biển chúng tôi chẳng ai mang theo đồng hồ, vậy mà vẫn biết “hết giờ rồi”. Vội vàng tắm sơ, chúng tôi chạy lên bờ...
Hết vèo 45 phút, hối hả chia tay Biển Chết, chúng tôi lại lên xe để tiếp tục hành trình. Hãy còn rất nhiều điểm đến thú vị đang chờ mọi người. Ngoái lại nhìn Biển Chết - một trong những điểm du lịch lôi cuốn nhất thế giới - một trong rất ít điểm du lịch phải đến nếu không nó sẽ biến mất - một trong những điểm du lịch phải đến trước khi chết…, tôi thầm ước ao mình sẽ có cơ hội đến với Biển Chết lần nữa. Phải đến sớm, chứ không phải chờ tới tết… Công gô, bởi nếu không, biết đâu chừng Biển Chết sẽ biến mất. Các nhà khoa học lo lắng biển đang cạn dần, cạn dần… và họ đang tìm cách để cứu nó, để Biển Không Chết.
|
|
|
|
|
|
|
Ai cũng dễ dàng nổi được trên mặt biển
|
Thư giãn trong lều gần bãi biển
|
|
Bình luận (0)