Bệnh viện vệ tinh bị vô hiệu

30/08/2016 10:00 GMT+7

Chấn thương chỉnh hình là một trong những chuyên khoa quá tải trầm trọng nên Bộ Y tế đưa vào đề án giảm tải. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai tại TP.HCM, mô hình “vệ tinh” vẫn không phát huy hiệu quả.

“Làm vậy là giết bệnh viện”
Ngày 4.7.2012, khoa vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (BVCTCH) đưa vào hoạt động tại BV An Bình với 100 giường. Mục tiêu của khoa vệ tinh là nhằm giảm tải cho BV và đào tạo, huấn luyện những bác sĩ (BS), điều dưỡng BV An Bình thành BS chuyên khoa có tay nghề cao.
Thế nhưng TS-BS Bùi Mạnh Côn, Giám đốc BV An Bình, cho biết mấy năm qua, chưa có kỹ thuật nào của BVCTCH được chuyển giao cho BV An Bình. Cũng chưa có BS, điều dưỡng nào của BV An Bình được học nghề! Lý do là BVCTCH nói BV An Bình không có phòng mổ đủ chuẩn để mổ.
Trong khi BV có 6 phòng mổ được Sở Y tế thẩm định, mổ được các loại bệnh. Mặt khác, Khoa CTCH của BV An Bình có 6 BS, có từ 30 đến 35 bệnh nhân nội trú, khoảng 100 bệnh nhân khám mỗi ngày. BS làm được các kỹ thuật: đóng đinh, kết hợp xương, nắn xương…
“Chúng tôi đã mời lãnh đạo BVCTCH đến và nói “các anh không chuyển giao gì, làm vậy là giết BV An Bình. Vệ tinh gì mà các anh mổ bệnh nhân ở BV các anh xong rồi chuyển qua đây”. Cơ sở vật chất, điện nước của mình nhưng BS và điều dưỡng là của BVCTCH đưa qua, hoàn toàn độc lập với BV An Bình. Về tài chính, hằng tháng BVCTCH thanh toán một số kinh phí cho BV An Bình”, BS Côn cho biết.

tin liên quan

Quyết liệt xây dựng bệnh viện vệ tinh để giảm tải
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tăng cường đề án bệnh viện (BV) vệ tinh - giảm quá tải BV khu vực miền Bắc, do Bộ Y tế tổ chức hôm qua 24.7 ở Hà Nội.
BV đa khoa Sài Gòn (BV Sài Gòn) cũng được UBND TP và Sở Y tế triển khai khoa vệ tinh cho BVCTCH từ năm 2014. Theo dự tính, sẽ có hai khoa vệ tinh là khoa chấn thương 100 giường và khoa cột sống 50 giường, để giảm tải cho BVCTCH.
Đầu tư cho hai khoa vệ tinh này, BV Sài Gòn chuẩn bị đến 14 BS chuyên, có BS sắp là tiến sĩ, chuyên khoa II và sau đại học. Hiện kế hoạch 150 giường đã chuẩn bị xong, nhưng hoạt động mới được 50% công suất. “Lúc đầu có 2 BS BVCTCH đến khám, trung bình 40 - 50 ca một ngày. Nhưng bệnh CTCH chủ yếu là phẫu thuật, nên khám xong muốn phẫu thuật bệnh nhân phải đi qua BV khác và bệnh nhân cứ thế ngày giảm dần. Bây giờ có khi BS BVCTCH nhờ BS BV Sài Gòn khám luôn, trung bình mỗi ngày trên dưới 10 ca, có khi lên 30 ca. 14 BS phục vụ cho chừng đó bệnh nhân thì rất lãng phí”, BS Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV Sài Gòn nói.
Muốn “ôm” hết bệnh nhân?
Giải thích về việc BV ngày càng quá tải dù có nhiều vệ tinh, BS Phan Quang Trí, Giám đốc BVCTCH, cho rằng: “Khám chữa bệnh là quyền của bệnh nhân, nếu họ không muốn điều trị tại BV vệ tinh thì không ép được”.
Cũng theo BS Trí, khoa vệ tinh tại BV An Bình không đáp ứng được (không có phòng mổ riêng cho CTCH) nên không mổ được, “mà mổ ở BVCTCH ổn định rồi chuyển bệnh nhân đến khoa vệ tinh BV An Bình nằm điều trị. Ngoài ra, điều lấn cấn là BVCTCH qua mổ chuyển giao thì tính toán như thế nào về mặt tài chính vì CHCT là BV hạng 1, còn An Bình là BV hạng 2”, BS Trí nói.
BS Trí thừa nhận hiện nay tại TP.HCM không có vệ tinh nào thực chất của BVCTCH dù triển khai từ lâu và có các đề án “hoành tráng”. BV Q.Tân Phú sau một thời gian cũng thôi làm vệ tinh vì theo BS Trí, BV này quá xa, kẹt xe, bệnh nhân không chịu qua đó mổ. Hơn nữa, đây là mô hình BV quận quản lý nên cơ chế khác nhau.

tin liên quan

Ứng hơn 5.300 tỉ đồng xây 5 bệnh viện ở TP.HCM
Thủ tướng vừa đồng ý ứng 5.310 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để thực hiện 5 dự án thuộc đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến T.Ư và tuyến cuối đặt tại TP.HCM” trong kế hoạch năm 2016.
Điều đáng nói, mặc dù BVCTCH có nhiều cơ sở vệ tinh, nhưng, hiện trong BV này lại cho treo bảng thông báo với nội dung: “Kính thưa quý bà con, để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, Ban giám đốc thông báo BVCTCH TP.HCM chỉ có một cơ sở duy nhất tại số 929 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5, không có chi nhánh và cơ sở khác”. Giải thích cho việc treo bảng này, BS Trí nói do “có một BV tư nhân mạo nhận là cơ sở của BVCTCH”. Tuy nhiên, với việc treo bảng kiểu này, nhiều người cho rằng “BVCTCH muốn ôm hết bệnh nhân, không muốn thực hiện vệ tinh để giảm tải theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Ghi bảng như thế thì làm sao thuyết phục bệnh nhân đến các cơ sở vệ tinh”.
Qua mấy năm triển khai, bệnh nhân đến BVCTCH vẫn gia tăng. Cụ thể, năm 2013, bệnh nhân nội trú hơn 36.800 lượt, đến năm 2015 tăng lên đến gần 37.200 lượt. Số bệnh nhân ngoại trú cũng tăng, năm 2013 là 40.888 lượt, tăng lần lượt là 45.000 lượt vào năm 2014 và gần 51.000 lượt năm 2015.
TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2016, cho thấy số lượt khám bệnh tăng 6,3% so với cùng kỳ, điều trị nội trú tăng 4,7%. Trong các BV quá tải của TP, ngoài BV Từ Dũ và BV Hùng Vương có số lượt điều trị nội trú giảm nhẹ so với cùng kỳ; các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Ung bướu, CTCH, Nhân dân Gia định, Nhân dân 115 đều tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nguyên nhân do số lượt bệnh nhân của các tỉnh khu vực phía nam vẫn chiếm trên 50% tại các BV này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các BV vệ tinh của các tỉnh đang trong giai đoạn bổ sung nhân sự và đầu tư trang thiết bị theo yêu cầu của đề án nên gặp khó khăn trong việc cử người đi học cũng như triển khai các kỹ thuật sau khi tiếp nhận chuyển giao chuyên môn; nguồn nhân lực còn thiếu, chưa đủ để tiếp nhận đào tạo chuyển giao kỹ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.