Cầm muỗng chơi, em bé bị đâm rách thực quản

16/01/2017 19:32 GMT+7

Cầm chiếc muỗng chơi, bé gái 16 tháng tuổi bị xốc muỗng, đâm rách toạc thực quản dài 7 cm.

Chiều nay (16.1), bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Bé N.N.P.D. (16 tháng, ngụ Phú Yên) được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng sốt cao, vùng cổ sưng to, tràn khí dưới da vùng cổ, chấn thương hầu họng.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy thực quản của bé bị tổn thương, nhiễm trùng rất nặng lan xuống lồng ngực. “Tình trạng của bệnh nhi khi nhập viện tiên lượng rất xấu”, bác sĩ Huy đánh giá.
Các bác sĩ đã mổ cạnh cổ một đường dài - hết nguyên chiều dài cổ của em bé - để xử lý vết thương. Sau khi mổ mở vết thương, các bác sĩ nhận thấy vùng họng và thực quản của bé bị rách toạc. Vết rách từ vùng hầu họng chạy dài xuống thực quản vùng ngực, dài đến 7 cm. Khu vực cổ đã hình thành ổ nhiễm trùng nặng, lan xuống lồng ngực.
Các bác sĩ đã “dọn sạch” ổ nhiễm trùng, dẫn lưu dịch mủ ra ngoài.
“Mười ngày tiếp theo bé đều phải được gây mê, mở rửa vết thương, thám sát nhiễm trùng và thay băng hằng ngày”, bác sĩ Huy cho biết. Sau khi ổ nhiễm trùng đã sạch, bé được khâu đóng lại vết rách thực quản.
Trong thời gian đó, bệnh nhi được nuôi ăn qua ruột non.
Sau 20 ngày nhập viện, đến nay bệnh nhi đã ổn định sức khỏe, vết thương đã lành, khô ráo, có thể uống nước bằng đường miệng.
“Một, hai ngày tới bé có thể ăn lại bằng đường miệng từ từ, với thức ăn lỏng. Bé có thể xuất viện về quê ăn tết”, thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, vui mừng nói.
Bác sĩ Huy nhận định, bé bị nhiễm trùng nặng, diễn tiến nhanh như vậy có lẽ là do sau khi bị tổn thương, bé vẫn được cho ăn uống bình thường, thức ăn và dịch tiêu hóa tiết ra làm loét, nhiễm trùng vùng bị tổn thương.
Chị Nguyễn Thị Thảo (mẹ của bé D.) cho biết: Bé được gửi cho người giữ trẻ trong xóm trông giúp. Theo lời người trông trẻ nói với gia đình thì khoảng 10 giờ sáng hôm 24.12.2016, cô cho bé cầm muỗng chơi. Trong khi chơi đùa, bé bị xốc cái muỗng vào cổ họng. Người giữ trẻ đã rút cái muỗng ra và thấy bé bị chảy máu. Tuy nhiên, cô không gọi báo cho người nhà mà vẫn tiếp tục cho bé uống sữa 2 lần, dù uống vào, bé ói ra. Đến 11 giờ, bé lại được cho ăn và đi ngủ. Khoảng 15 giờ chiều, thấy cổ bé sưng to và bé sốt cao, người giữ trẻ mới gọi cho gia đình đến đón.
Bé đã được người nhà đưa đến khám tại bệnh viện tỉnh rồi ngay lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
“Bệnh viện Nhi đồng 1 thường tiếp nhận bé bị xốc muỗng, đũa, cây/vật nhọn vào miệng. Phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ ngậm, cầm muỗng đũa, cây dài, vật nhọn chơi để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Huy khuyến cáo.

tin liên quan

Coi đá banh, bé gái bị đũa đâm xuyên thủng lưỡi
Bé gái bị đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm vào bên trong miệng. Bác sĩ gây mê đã cầm theo cả cây kéo cắt tỉa cành mai từ nhà chạy vô bệnh viện để cắt ngắn đôi đũa mới có thể gây mê mổ cho bé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.