Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ca đổi chéo thận ghép

07/02/2017 17:38 GMT+7

'Sau cuộc ghép thận này, hai gia đình trở thành người nhà. Chị Huề mang trong người quả thận của ba tôi. Còn tôi được ghép thận của mẹ chị Huề. Chúng tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, các bác sĩ đã một lần nữa cho chúng tôi nguồn sống', chị Lê Thị Ánh Hồng tâm sự.

Thận của ba chị Hồng hiến cho chị được ghép cho chị Huề. Trong khi thận của mẹ chị Huề (hiến cho chị Huề) lại được ghép cho chị Hồng. Ca đổi chéo thận ghép được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
'Sau cuộc ghép thận này, hai gia đình trở thành người nhà. Chị Huề mang trong người quả thận của ba tôi. Còn tôi được ghép thận của mẹ chị Huề. Chúng tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, các bác sĩ đã một lần nữa cho chúng tôi nguồn sống', chị Lê Thị Ánh Hồng tâm sự.
Ba dượng, mẹ ruột cho thận con
Con bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Ba dượng của chị Lê Thị Ánh Hồng (32 tuổi, ngụ Kiên Giang) và mẹ chị Vũ Thị Huề (33 tuổi, ngụ Đắk Nông) đều tình nguyện hiến thận của mình để ghép cho con.
Chị Hồng tâm sự về hoàn cảnh của mình: “Từ lúc tôi sinh ra, tôi chỉ biết mỗi ba. Ba rất yêu thương tôi. Đến khi trưởng thành, mẹ mới cho tôi biết ba là ba dượng. Nhưng với tôi, từ trước đến giờ, ba không phải ba dượng mà là ba ruột của tôi. Ông rất thương yêu, lo cho tôi, đến nỗi hai đứa em tôi phải ganh tị. Lúc tôi bị bệnh, em tôi nói để em cho thận chị nhưng ba “giành” cho tôi thận.
Ba con tôi đã lên khám, làm các xét nghiệm ở trên này. Khi kết quả cho thấy, thận của ba tôi không ghép được cho tôi. Ba con tôi đã ôm nhau khóc. Lúc đó, tôi cũng suy sụp lắm”.
Chị Hồng không thể nhận thận ghép của ba vì không phù hợp.
Nhưng sau đó, chị được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy gọi báo, có một trường hợp thận phù hợp với chị. Đó là mẹ ruột của chị Vũ Thị Huề.
Bác sĩ Sâm và hai bệnh nhân (chị Hồng - áo trắng, chị Huề - áo đỏ) mừng rỡ khi gặp lại nhau sau gần 1 tháng ghép thận Nguyên Mi
Chị Huề cũng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, đang phải chạy thận. Mỗi đợt khám, chạy thận, chị phải từ Đắk Nông xuống TP.HCM ở 2-3 ngày. Mẹ chị là người sẵn sàng cho thận con. Tuy nhiên, chị và mẹ lại không hòa hợp về kháng thể. Vì thế, không thể ghép thận của mẹ cho chị Huề được.
Người không thể nhận thận của ba, người không thể nhận thận của mẹ. Trong khi đó, thận của ba chị Hồng lại phù hợp với chị Huề và ngược lại.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện một cuộc hoán đổi thận để ghép cho bệnh nhân.
Đổi chéo thận ghép
Hôm nay (7.2), Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết: Các bác sĩ đã làm việc với hai gia đình để đổi chéo thận ghép. Thận của ba dượng chị Hồng được ghép cho chị Huề và ngược lại, chị Hồng nhận thận ghép từ mẹ chị Huề.
Theo bác sĩ Sâm, đổi chéo người hiến thận đã được thực hiện đầu tiên trên thế giới vào 1991. Các trường hợp đổi chéo thận ghép do: người hiến và người nhận không cùng nhóm máu; phản ứng chéo giữa người hiến và người nhận dương tính hoặc người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người hiến, quá mẫn cảm.
Bác sĩ hỏi thăm cuộc sống, sức khỏe của chị Hồng và chị Huề Nguyên Mi
Tuy nhiên, đây là cặp trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được đổi chéo thận ghép khi các bác sĩ nhận thấy thận của ba dượng chị Hồng (người hiến cho chị Hồng) phù hợp với chị Huề và ngược lại thận của mẹ chị Huề (người hiến cho chị Huề) phù hợp với chị Hồng. Được sự đồng thuận của hai bên gia đình, trường hợp này đã được trình lên Hội đồng khoa học của Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá và thông qua, các bác sĩ mới tiến hành.
Để thực hiện việc lấy và ghép thận, 4 ca phẫu thuật đã được tiến hành. Hai cuộc mổ lấy thận qua nội soi được tiến hành song song bởi hai ê kíp bác sĩ, bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc lúc 11 giờ ngày 11.1.
Sau đó, hai cuộc mổ ghép cũng được tiến hành song song bởi hai ê kíp và kết thúc lúc 14 giờ cùng ngày.
“Hai thận ghép đều hoạt động ngay sau khi tháo clamp mạch máu. Chức năng hai thận trở về bình thường sau ghép hai ngày. Bệnh nhân được rút thông niệu đao sau khi mổ năm ngày. Bảy ngày sau mổ, cả hai bệnh nhân đều ổn định sức khỏe và xuất viện”, bác sĩ Sâm cho biết.
Phẫu thuật lấy thận của người hiến Bệnh viện cung cấp
Gặp nhau gần một tháng sau ca phẫu thuật, cả hai bệnh nhân đều khỏe khoắn, vui vẻ và có cuộc sống, sinh hoạt bình thường như trước khi bị bệnh. “Đến hôm nay, sức khỏe của tôi đã khá hơn nhiều. Có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Tôi thấy khỏe hơn hẳn so với trước khi ghép thận”, chị Huề nói.
Trong khi đó, chị Hồng cho biết: “Tôi khỏe. Ba tôi cũng khỏe”.
Bác sĩ Sâm cho biết, hiện tại, riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 100 bệnh nhân đang chờ được ghép thận. Cho đến nay, nguồn thận ghép cho bệnh nhân tại bệnh viện là thận hiến từ người trong gia đình hoặc từ người hiến chết não. Tuy nhiên, nguồn hiến vô cùng ít. Việc ghép thận hoán đổi chéo có thể thêm một cơ hội cho người cần ghép thận.

tin liên quan

Chuyện chưa kể về người bác sĩ 18 năm đi xin tạng hiến
Khi một cánh cửa này đóng lại thì không chỉ 1 mà có đến 6 cánh cửa khác được mở ra. Chị là người thuyết khách đã xin và trao những chiếc 'chìa khóa' mở cửa cho những người bệnh được cứu sống từ nguồn tạng hiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.