Theo PGS - TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), biến đổi khí hậu được biểu hiện qua số lượng và cường độ các trận thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét và các hiện tượng thời tiết cực đoan có chiều hướng gia tăng và biến động thất thường.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.
Biến đổi khí hậu có thể là những hiện tượng thời tiết cực đoan trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe như các hiện tượng nắng nóng, lũ lụt, hạn hán và bão; nhưng cũng có thể tác động gián tiếp lên sức khỏe con người như việc phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây qua nguồn nước, thực phẩm; làm tăng ô nhiễm không khí.
Gia tăng ung thư do nắng nóng và tia cực tím
Các chuyên gia cảnh báo, nắng nóng là một trong những nguyên nhân thường gặp ảnh hưởng đến sức khỏe do thời tiết. Trong đó, một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong; số ngày nắng nóng bất thường đang ngày một tăng lên. Lớp vỏ ô zôn là nơi hấp thụ nhiều tia cực tím có hại từ ánh nắng mặt trời nhất nhưng lượng hấp thụ này đang giảm đi do hiệu ứng khí nhà kính đang ngày càng làm mỏng đi lớp vỏ ô zôn. Điều này làm tăng nguy cơ các bệnh về da, trong đó có ung thư da. Trẻ em tiếp xúc với tia cực tím có nguy cơ ung thư da rất cao. Tại Việt Nam ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ trung bình 2,9 - 4,5 ca/100.000 dân.
Lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn
Theo các chuyên gia, mực nước biển tăng lên đặt những người dân sinh sống tại những khu vực gần bờ biển trong tình trạng nguy hiểm. Mưa lớn trên diện rộng tăng lên do biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ lũ lụt. Đây là yếu tố gia tăng các bệnh liên quan đến nguồn nước do lũ lụt kéo theo các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất, chất diệt khuẩn, diệt côn trùng và các kim loại nặng xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt.
Đáng lo ngại, hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên hơn, phá hủy mùa màng, làm giảm số lượng và chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ hỏa hoạn. Trong nhiều thập kỷ qua tần suất và quy mô của các vụ hỏa hoạn đang ngày một tăng lên, gia tăng nguy cơ tăng gây ra các bệnh về mắt và bệnh đường hô hấp.
Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại biến đổi khí hậu cũng gây ra hậu quả xấu về tinh thần làm tăng tình trạng trầm cảm, lo lắng, tự sát và tự hại.
Ô nhiễm không khí và bệnh dị ứng
Nhiệt độ tăng cao tăng hàm lượng khí ô zôn ở mặt đất gây hại cho sức khỏe con người. Nếu hít phải khí ôzôn, các tế bào biểu mô lót của đường hô hấp bị tổn thương, gây viêm, làm giảm chức năng phổi khiến cho bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… nặng lên, giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật.
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi
Các chuyên gia về y tế dự phòng lo ngại thiên tai khiến môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hoá và các bệnh lây lan theo nguồn nước, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa là các yếu tố thuận lợi cho một số loại muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…) phát triển, khiến cho các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh lan truyền qua muỗi sẽ bùng phát rộng.
Để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bên cạnh các nỗ lực bảo vệ môi trường, ngành y tế cần tập trung vào một số hành động như: Triển khai đánh giá các môi nguy cơ tới sức khoẻdo tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu; nghiên cứu cơ bản về mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và sức khoẻ; Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vấn đề sức khoẻ liên quan tới các kịch bản BĐKH; Có chiến lược, chính sách nhằm giảm nhẹ nguy cơ do biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)