Nỗi lo sốt xuất huyết mùa nắng nóng

09/04/2016 10:00 GMT+7

Mặc dù đang vào mùa khô hạn khốc liệt nhưng tình trạng bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn tăng cao và đã có ca tử vong.

Mặc dù đang vào mùa khô hạn khốc liệt nhưng tình trạng bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn tăng cao và đã có ca tử vong.

Bệnh nhân SXH đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Cao Lãnh - Ảnh: An LạcBệnh nhân SXH đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Cao Lãnh - Ảnh: An Lạc
Dịch bệnh khắp nơi
Theo các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 230 trường hợp bị bệnh SXH, tăng gần 3 lần so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một trường hợp ở H.Vũng Liêm đã tử vong. Hiện bình quân mỗi tuần trên địa bàn Vĩnh Long có thêm khoảng 20 người bị SXH, tập trung nhiều nhất ở H.Bình Tân và TP.Vĩnh Long.
Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay có trên 400 trường hợp mắc SXH (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015). Hầu hết các huyện như Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự… đều có người mắc SXH, trong đó có trường hợp cả gia đình phải nhập viện điều trị. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp cho biết từ đầu năm đến nay, số người bệnh SXH nhập viện tăng 5,5 lần so cùng kỳ năm 2015. Có ngày bệnh nhân nhập viện đông không đủ giường phải tạm nằm điều trị tại hành lang Khoa Nhiễm của bệnh viện.
Ở Bệnh viện đa khoa H.Cao Lãnh tình hình cũng tương tự. 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 bệnh nhân mới. Có trường hợp bệnh nhân bị nặng như sốc, tái sốc, biến chứng xuất huyết nhiều, xuất huyết có tổn thương gan, thận phải chuyển viện. Ngoài trẻ em, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người lớn mắc SXH. Chị Trần Thị Lệ (ngụ xã Mỹ Xương, H.Cao Lãnh) cho biết: “Lâu nay cứ tưởng mùa mưa xuống, nước lũ về thì bọn trẻ mới bị SXH. Vì thế, mà tôi không chú ý giăng mùng cho con trẻ ngủ trưa. Chắc có lẽ không cẩn trọng nên bọn trẻ bị muỗi đốt và dẫn đến bệnh SXH”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn có 230 ca bị bệnh SXH, tăng 129% so cùng kỳ 2015. Hiện SXH xuất hiện ở khắp các vùng nông thôn của tỉnh, trong đó số người bị bệnh dưới 15 tuổi chiếm 73%. Bác sĩ Ong Minh Luân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết: “Chưa đầy 3 tháng mà ở huyện có tới 36 người bị SXH, tăng gấp 4 lần so cùng kỳ. Trước tình hình trên, huyện nhanh chóng xử lý 17 ổ dịch ở các xã nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh”.
Chủ động phòng chống
Theo ngành y tế của các địa phương, hiện hạn hán và xâm nhập mặn đang vào giai đoạn khốc liệt tại ĐBSCL, dẫn đến một số nơi thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước dễ phát sinh bệnh như: ghẻ, ngứa, bệnh ngoài da, SXH... Ông Nguyễn Văn Phát, Phó chủ tịch UBND xã Bình Giang (H.Hòn Đất, Kiên Giang), cho biết: “Hạn, mặn gây thiệt hại cho lúa cứ tăng từng ngày làm chính quyền vất vả ứng phó lại thêm mối lo môi trường ô nhiễm, muỗi phát sinh sẽ gây ra dịch bệnh cho trẻ em và người lớn. Do đó phải tăng cường ý thức phòng bệnh, khuyến cáo bà con tiêu diệt muỗi, khi ngủ phải giăng mùng...”.
TS-BS Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, lo lắng: “Dịch bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng thông thường mùa khô sẽ giảm hơn mùa mưa. Tuy nhiên hiện đang là mùa khô nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc SXH năm nay cao trong mùa khô nhưng nguyên nhân chính là đến chu kỳ dịch. Theo đó, năm 2014, bệnh giảm mạnh, năm 2015 số mắc cao hơn và năm 2016 bệnh đang tăng - dự báo sẽ cao hơn 2015. Do đó, việc phòng chống SXH đang là vấn đề cấp bách”.
TS-BS Ấn cho rằng SXH là do muỗi truyền, muốn phòng bệnh SXH phải diệt muỗi, lăng quăng, tránh muỗi đốt bằng nhiều biện pháp. Trước mắt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp theo dõi chặt số ca bệnh, khuyến cáo người dân phát hoang bụi rậm, đổ bỏ các vật dụng chứa nước, tiến hành diệt muỗi, lăng quăng, xử lý từng ổ dịch để tránh lây lan...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.