Sum họp đêm 30

29/04/2005 23:25 GMT+7

Tôi không dè cuộc kháng chiến lại lâu dài đến như thế ! Và chắc nhiều đồng đội cũng như tôi. Có ai biết trước được mình phải xa gia đình bao lâu, phải tạm biệt người vợ mới cưới, tạm chia tay người yêu mới quen bao nhiêu năm ? Theo tiếng gọi non sông, người thanh niên ra đi, đi mãi, lao vào cuộc chiến chống quân xâm lược mà chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội trở về sum họp gia đình.

Quê tôi xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1944, tôi rời Trường Pétrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) về làng quê tham gia vào lực lượng Thanh niên tiền phong. Vào  tháng 3/1946, tôi cưới vợ lúc chưa đầy 18 tuổi.

Nhưng ác thay ! Cũng vào thời điểm ấy, giặc Pháp từ Sài Gòn tràn xuống Bà Rịa, càn vào làng Long Phước quê tôi. Máu đổ, người chết, nhà cháy... không ai làm ăn gì được nữa ! Bò, trâu, heo, gà, vịt... con gì chúng cũng bắt đi hoặc bắn chết. Món gì chúng cũng cướp đi hoặc đốt phá.

Đúng là "kẻ thù buộc ta ôm cây súng" !

Thật buồn đứt ruột khi phải từ giã vợ lên đường đi chiến đấu, nhất là người vợ trẻ vừa mới mang thai. Tôi nhớ mãi: đêm đó là một đêm không trăng. Để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông ngoại, ba, má và các em, hai đứa chúng tôi dắt nhau ra ngồi trên bậc thềm ngoài hàng ba. Mỗi lần ngồi sát vào nhau như vậy thì cảm thấy ấm lắm, một hơi ấm rất dễ chịu. Im lặng một lúc lâu, tôi mới nói nên lời: "Em à ! Tình thế này, anh phải vào chiến khu đi đánh giặc cùng với anh em thôi. Em thấy đó, dù có anh ở nhà, bọn giặc ngang nhiên đến bắt em, anh cũng không bảo vệ em được, càng thêm đau lòng. Sáng mai, em sắp xếp về với ba má dưới Phước Hải một thời gian rồi tìm cách lên Sài Gòn làm ăn kiếm sống, sinh đẻ... nuôi con... đợi anh". Những lời chót, tôi cố nói cho suôn nhưng không được, cứ đứt quãng từng hai tiếng một. Vợ tôi không nói lời nào. Tôi xoa nhẹ lên má nàng, bàn tay tôi ướt nước mắt.

Vợ tôi lên Sài Gòn lánh nạn, học đánh máy chữ, làm thư ký. Ngày 4/3/1947, con gái tôi ra đời. Vợ tôi gửi thư vào chiến khu cho biết ba má đặt tên cháu ngoại là Nhồng, tên một loài chim có thể nói được tiếng người.

Năm 1954, quân ta thắng trận Điện Biên Phủ, Pháp thua, chấp nhận rút quân về nước. Theo Hiệp định Genève, quân đội ta tập kết ra miền Bắc. Ngày chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam, có người quen đến đưa cho tôi một phong thư, một chiếc áo len và tấm ảnh con Nhồng lên bảy tuổi, trông rất dễ thương. Trên mảnh giấy nhỏ chỉ có mấy dòng: Gia đình mình bị giặc nghi ngờ, kiểm soát gắt lắm nên em không ra tiễn anh đi được. Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm đã qua. Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo len này gửi anh.

Những năm học tập xây dựng quân đội trên miền Bắc, tôi luôn giữ kỹ trong ba lô ba món quý giá ấy. Mấy dòng chữ trong thư được tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, tấm ảnh con gái thỉnh thoảng tôi lấy ra khoe cùng đồng đội, còn cái áo len thì khi ngủ được tôi ấp lên ngực để tìm lại hơi ấm năm xưa.

Thời gian trôi nhanh. Sau 7 năm học tập, rèn luyện, vào tháng 5/1961, tôi được thăng quân hàm đại úy và được chọn trở về Nam trong đoàn quân giải phóng. Đánh Mỹ 14 năm nữa tại địa bàn Sài Gòn và Củ Chi với nhiệm vụ tình báo, biệt động, đặc công. Nguy hiểm quá, ác liệt quá, nhiều lần bị thương nhưng may sao không chết.

Cho đến đêm nay, đêm toàn thắng, đêm 30/4/1975 lịch sử, trên cương vị trung tá Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động Sài Gòn, sau khi sắp xếp đơn vị chiếm giữ các vị trí then chốt trong thành phố; tôi xin phép Ban chỉ huy lữ đoàn rồi tự mình lái chiếc xe jeep Mỹ đi tìm gặp lại gia đình. Trên xe cùng với tôi còn có một tổ nữ chiến sĩ biệt động theo bảo vệ.

Lòng nôn nao, tôi đạp mạnh chân ga. Xe chạy băng băng qua cầu Thị Nghè, theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) qua khỏi nhà dưỡng lão Thị Nghè một đoạn, tôi cho xe rẽ trái vào ngõ hẻm. Khu cư xá nhân viên Việt Nam Thương Tín với những dãy nhà trệt hiện ra lờ mờ. Mọi nhà đều đã tắt đèn. Đã quá 11 giờ đêm rồi còn gì ! Thành phố lại vừa trải qua một ngày đầy biến động.

Lòng hồi hộp vô cùng, tôi lên tiếng gọi: "Nhồng ơi ! Nhồng !".

Tôi gọi như vậy nhiều lần. Cánh cửa một căn phố từ từ hé mở. Có hai người đàn ông cầm đèn pin bước ra. Một người hỏi:

- Thưa ông, ông tìm ai ạ ?

- Tôi tìm con Nhồng con tôi. À, mà hai thầy có biết hai mẹ con cùng đi làm ngân hàng...

- À... - người ấy ngắt lời tôi - vậy thì hai mẹ con bà Ảnh và cô Giang rồi. Ở căn số 9 đằng kia kìa. Còn mấy căn nữa. Mà ông phải gọi cô Giang người ta mới biết.

Tôi mỉm cười, nói lời cám ơn rồi cho xe tiếp tục qua mấy căn nữa.

- Nhồng ơi ! Nhồng !

Tôi tiếp tục gọi con bằng cái tên thân thương ấy.

Ngọn đèn bật sáng. Tiếng vặn ổ khóa lách cách. Cánh cửa mở ra vội vàng. Bóng người thương !

- Ở đây nè, anh về đó hả, nghe gọi tên Nhồng, em biết chỉ có anh.

Vợ tôi mừng quá, vừa nói líu ríu, vừa chạy ra. Tôi phóng xuống xe, ôm hôn vội lên trán, lên má... những cái hôn nồng cháy sau gần 30 năm xa cách.

Nhớ lại đêm tiễn biệt, những cái hôn tràn đầy nước mắt của đôi vợ chồng trẻ, những lời hứa hẹn, ước mơ hạnh phúc trong ngày gặp lại... Đêm nay, hạnh phúc đã đến thật sự trong vòng tay đây rồi mà cứ tưởng như một giấc mơ.

Ba nữ chiến sĩ của tôi có lẽ cũng xúc động không kém. Các cô lặng lẽ mang bồng bị, súng đạn theo vợ tôi đi vào nhà.

Vợ tôi nói: "Biết thế nào hôm nay anh cũng về mà. Em và con lên cầu xa lộ tìm anh từ hồi sáng. Thấy chiến sĩ trên xe tăng, người nào con Nhồng cũng nói: coi chừng ba đó !".

Tôi cười, âu yếm vuốt mái tóc người vợ hiền và nói: "Anh đi với cánh Bắc, còn em tìm ở cánh Đông thì làm sao mà gặp được !".

Con gái tôi, con Nhồng cũng đã thức. Thấy ba về, khỏe mạnh trong bộ đồ giải phóng quân, nó rất mừng. Kìa ! Nó lay, vực dậy một bé gái đang ngủ: "Huyền ! Huyền! Dậy mừng ông ngoại đi con !".

Tôi ngạc nhiên: "À, vậy là con đã có chồng, có con rồi đó hả ?".

Vợ tôi cười: "Thì nó còn bé bỏng gì nữa. Anh đi nay đã 28 năm thì con mình 28 tuổi rồi !".

Bé Huyền đã thức dậy, trông rất ngoan. Nó đưa ngón tay sờ lên cái ngôi sao đính trên mũ của ông ngoại bộ đội. Theo sự hướng dẫn của mẹ nó, nó ngoan ngoãn đứng dậy, vòng tay trước mặt tôi nói bập bẹ: "Con trình ông ngoại. Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại".

Tôi ôm đứa cháu gái vào lòng mà không cầm được nước mắt. Phải ! Từ cái đêm từ giã vợ lên đường, tôi đã trải qua hai cuộc kháng chiến. Khi đi vợ mới có mang mấy tháng, đêm nay toàn thắng trở về đã thành ông ngoại !

Ngoài Sài Gòn, súng vẫn còn nổ rải rác. Quân địch lớp rút chạy, lớp đầu hàng nhưng chắc gì chúng đã chịu thua. Đạo quân ngụy trên một triệu hai, lớp bị tiêu diệt, lớp tan rã tại chỗ, chắc gì chúng không tìm cơ hội phục thù.

Đứa cháu ngoại đã ngủ lại tự bao giờ. Tôi đặt nó xuống chiếu. Liệu lớp trẻ này lớn lên có được sống yên ổn trong hòa bình như tôi hằng mong ước không ?
Từ dưới bếp, vợ tôi nói vọng lên: "Xuống ăn cơm với các cháu đi anh, để tụi nó đói bụng".

Tôi như sực tỉnh: "Phải đó. Cả ngày hôm nay, anh và các cô ấy chưa ăn gì cả, chỉ vài bánh lương khô cầm hơi. Chiến thắng vui quá nên mọi người quên ăn. Từ lâu, anh thèm một buổi cơm gia đình quá ! Nào ! Em và con cùng ngồi vào cho vui !".
Chiếc đồng hồ treo tường chậm rãi điểm 12 tiếng. Sắp bước qua một ngày mới, một ngày của mùa xuân huy hoàng đang đến trên đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ này.

24/4/2005

Đại tá Nguyễn Văn Tào (Tư Cang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.