Tắc kè giá bạc triệu

19/02/2011 13:40 GMT+7

(TNTS) Thời gian gần đây, ở một số vùng quê, giá tắc kè bỗng dưng tăng đột biến, ban đầu chỉ vài chục ngàn đồng nay lên đến hàng chục triệu đồng/con. Nhiều người rời bỏ công việc hằng ngày để vào rừng săn tắc kè khiến những con vật tội nghiệp dần biệt dạng trong rừng xanh...

Nghe thông tin ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang sốt… tắc kè nên chúng tôi về nơi đây để tìm hiểu. Được người quen mách nước là ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu) có rất nhiều "cao thủ" săn tắc kè; chúng tôi lân la dò hỏi và tình cờ được Phó trưởng thôn Hảo Danh giới thiệu gặp anh Trang - một tay chuyên săn tắc kè có tiếng trong thôn. Sau một hồi trò chuyện, anh Trang đồng ý sáng hôm sau cho chúng tôi cùng đi săn. 

Vắng bóng tắc kè

Đúng hẹn, 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại quán cà phê ngay tại đầu cầu Lò Vôi ở xã Xuân Thọ 2 và bắt đầu hành trình săn tắc kè. Đi cùng với chúng tôi còn có cao thủ Vương "thằn lằn", biệt danh do người dân nơi này đặt cho Vương vì anh này đi nhanh, leo trèo như... thằn lằn.

Thấy chẳng có ai mang theo dụng cụ gì, chúng tôi thắc mắc, anh Trang cho biết: "Tụi tui đã chuẩn bị đâu đó hết rồi, cứ thế mà lên đường thôi". Nhìn hành trang mà anh Trang và anh Vương mang theo chẳng có thứ gì, chỉ vài bọc nhỏ gói gọn trong áo, trong khi chúng tôi mang lỉnh kỉnh đủ thứ. "Đi rừng thì nên đơn giản, mọi vật dụng, thức ăn, nước uống đều nằm trong áo cả", anh Trang đưa ra lời khuyên. Anh Trang và anh Vương cột chặt hai tà áo bên ngoài và nó đã trở thành chiếc "ba lô" vô cùng tiện lợi.

Địa điểm đầu tiên trong hành trình đi săn là gộp Ông Tiêu. Anh Vương chỉ tay về đồi núi nằm phía tây xã Xuân Thọ 2 cao chót vót, đầy cây bụi rậm rạp. Để đến gộp Ông Tiêu, cả nhóm phải vượt qua nhiều triền dốc quanh co, len lỏi dưới các lùm cây. Đi suốt hơn 2 giờ liền, chúng tôi vào một cánh rừng đầy gai góc, dây leo chằng chịt. Càng lên đỉnh núi, cây gai càng dày và đường càng khó đi hơn. Đi được một lát, anh Vương bảo: "Gộp Ông Tiêu trước mặt đấy". Chúng tôi ngước nhìn lên, trước mặt là những gộp đá nằm chồng lên nhau có những kẽ hở rộng chừng bàn tay... Bằng kinh nghiệm, anh Vương nhảy phóc lên hòn đá, mặt áp vào khe hở giữa hai phiến đá, mắt đảo quanh khe, rồi truyền kinh nghiệm: "Tắc kè núi thường sống ở những gộp đá. Trưa nắng, chúng hay bò ra ngoài hóng mát. Mùa đông, tắc kè không kêu nên rất khó tìm ra dấu vết. Cách duy nhất là nhìn xung quanh dưới chân phiến đá, nếu thấy phân tắc kè thì biết chúng đang sống ở đó. Thường thì phân màu đen là con đực, màu trắng là con cái".


Một cao thủ tìm dấu vết tắc kè trên mỏm đá

Tắc kè còn có tên gọi là đại bích hổ, cáp giải, cáp giới. Tên khoa học là Gekko gekko L, họ tắc kè, dài hơn con thằn lằn, đầu, lưng, đuôi đều có vảy nhỏ nhiều sắc màu từ xanh lá mạ đến xanh rêu. Đuôi tắc kè được coi là bộ phận quý nhất. Nếu bị bắt, nó có thể rụng đuôi rồi mọc lại. Theo sách cổ thì tắc kè là vị thuốc quý tương đương với nhân sâm, thường được dùng trong những trường hợp bất lực ở đàn ông. Khi dùng phải dùng 1 đôi (một đực, một cái mới công hiệu). Ngoài ra, tắc kè còn là vị thuốc bổ phế, dùng để chữa các chứng ho lâu ngày không hết. Phương thuốc rượu tắc kè: Tắc kè (1 đực, 1 cái) 50g, đảng sâm 80g, huyết giác 10g, trần bì 10g, tiểu hồi 10g, đường cát 40g, rượu nếp 400 2 lít.

Quần quật khắp các phiến đá ở gộp Ông Tiêu nhưng chẳng có tí "tín hiệu" vui nào. Thấy tôi thở dài, anh Trang lại trấn an: "Có hôm tụi tui đi cả ngày mà chẳng tìm ra "chú" nào cả, nhưng đó là chuyện thường ngày. Hôm nay tìm không ra thì ngày mai đi tiếp". Anh Trang nói tiếp về kinh nghiệm khi săn tắc kè: "Ở những gộp đá nào có kiến vàng, kiến đỏ thì đừng vào đó làm gì, vì tắc kè rất sợ kiến nên chúng không bao giờ ở đó. Tắc kè thuộc loại hung dữ, không có độc nhưng một khi đã cắn thì không bao giờ nhả ra, có khi chúng cắn đứt da". 

Nhỏ cũng bắt...

Chúng tôi rảo khắp gộp Ông Tiêu, rồi sang gộp Bà Nghi mà chẳng gặp được con tắc kè nào. Trên đường sang rừng U Mái Dọ, anh Trang tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm đi săn: "Tui nghe tiếng tắc kè kêu có thể đoán được trọng lượng của nó. Những con tắc kè có trọng lượng từ 0,3 kg trở lên kêu từ 9-11 tiếng. Ban đầu, con tắc kè kêu "ặc ặc…, rồi kế đến là tiếng tắc kè, tắc kè… và sau đó kết thúc bằng tiếng è, è…". Con tắc kè lớn thì tiếng kêu "tắc kè" nhiều lần và dài hơn.

Nhờ vừa đi vừa trò chuyện, chúng tôi quên cả mệt, mặc dù liên tục vượt dốc. Đến đỉnh U Mái Dọ, cả nhóm dừng chân nghỉ. Lúc này, anh Trang vào các gộp đá để dò tìm dấu vết. Bỗng dưng, chúng tôi nghe tiếng hú của anh Trang, và nhìn thấy nét mặt anh Vương rất hớn hở. Anh Vương hô lớn: "Tìm thấy rồi!". Cả nhóm liền chạy đến nơi anh Trang phát ra tiếng hú. Lúc này, hai cao thủ mới lấy đồ nghề trong áo ra. Đồ nghề khá đơn giản: một sợi cước, bịch dây cao su, một cái cần ăng-ten bằng inox và túi cước.


Tắc kè dính cần câu

Trong khi chúng tôi sợ tắc kè chạy mất thì hai cao thủ vẫn bình thản ngồi trên phiến đá phẳng chỉnh trang dụng cụ. Tôi vừa mừng, vừa lo nên vội hỏi: "Mình không bắt để nó chạy mất sao?". Anh Trang giải thích: "Mình không đụng nó thì nó cứ nằm yên đó mà không bao giờ chạy. Mấy anh cứ bình tĩnh, nghỉ ngơi thư giãn cái đã".

Sau khi chuẩn bị xong dụng cụ, anh Trang đến gộp đá, vạch lớp cỏ dưới chân đá rồi nhặt lên những viên trắng, đen, nói: "Viên phân trắng là con cái, viên phân đen là con đực nhưng chúng cân nặng chưa đến 0,2 kg. Những nơi tắc kè ở thì trên tảng đá có những lối mòn do chúng thường đi ra ngoài ăn, trong khe không có màng nhện". Giải thích xong, anh Trang bảo anh Vương sang bên kia gộp đá để cùng "xung trận". Anh Trang áp mặt vào khe đá, nói lớn: "Có tới 4 con!". Rồi anh bắt đầu đưa cần vào. Các động tác tay chân liên tục thay đổi, lúc thì đưa cần lên, lúc thì cần dịch ra ngoài… Từng động tác của anh khiến chúng tôi hồi hộp theo dõi... Cũng phải mất hơn 15 phút, tôi mới nghe tiếng "ẹc, ẹc…", anh Trang kéo dần dần ra ngoài khe đá một con tắc kè đực choi (con đực mới trưởng thành - PV). "Con này chỉ kêu từ 3-6 tiếng", anh Trang nói. Ở đầu bên kia, anh Vương cũng đã tóm được một con cái. Bỏ chúng vào bao cước, hai cao thủ tiếp tục tóm những con còn lại… 


Anh Trang tóm gọn một con tắc kè đực choi

Chuyện không hiểu nổi!

Anh Trang làm nghề săn tắc kè gần 10 năm, giá một con tắc kè lâu nay chỉ vài chục ngàn đồng. "Những năm trước, nếu trúng đậm thì mỗi chuyến kiếm vài trăm ngàn đồng, đủ ngày công lao động. Nhưng nay, nhiều người đổ xô đi bắt nên tắc kè cũng khan hiếm. Nay có khi đi cả ngày mà chẳng được con nào, chuyện mất ngày công với tụi tui là bình thường", anh thổ lộ.

Vì tắc kè khan hiếm, một chuyến săn không bù được ngày công nên hai cao thủ đang chuyển sang chặt mía thuê ở các tỉnh lân cận. Nhưng bỗng dưng, giá tắc kè lên cơn sốt. Anh Trang bật mí: "Có người hỏi mua tắc kè trên 0,35 kg với giá 30 triệu đồng. Lúc đầu, giá 7 triệu, sau đó tăng lên 17 triệu… rồi lên tới 30 triệu". Cũng chính vì giá tắc kè "trên trời", anh Trang lại bỏ công việc chặt mía thuê để về nhà làm nghề săn tắc kè. "Tắc kè trên 0,35 kg thuộc dạng hàng hiếm. Có lẽ vì hiếm nên giá mới đắt vậy", anh Vương nhận định.

Theo lời của hai cao thủ này, người chuyên thu gom mặt hàng trên ở thị trấn La Hai, huyện Đông Xuân, Phú Yên. Người này đã gọi điện cho anh Trang đặt hàng, nếu có hàng trên 0,35 kg thì mua với giá 30 triệu đồng. "Lâu nay, người ta mua tắc kè ngâm rượu, giá đắt nhất cũng chưa tới 100 ngàn đồng, nay giá lại đội lên vài chục triệu thì không thể tưởng tượng nổi", anh Trang tâm tình.

Bài & ảnh: Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.