Mới đây, vụ Nguyễn Trần Hoàng P. (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) lái xe Mercedes tông chết GrabBike và khiến nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường của hãng Vietnam Airlines bị thương nặng nhưng rời khỏi hiện trường gây bức xúc.
Hai ngày sau khi xảy ra tai nạn, P. mới được mẹ dẫn đến trình diện tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Phú Nhuận. Ngay sau đó, P. đã bị tạm giữ để điều tra.
Ranh giới mong manh
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho biết, điểm b, khoản 1, điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định trách nhiệm của những người có liên quan đến tai nạn giao thông phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến. Nhưng những trường hợp như phải đi cấp cứu, đưa người đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng thì không bắt buộc ở lại hiện trường, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất.
|
“Tuy nhiên, luật lại không ghi là bao lâu, nhiều người đã lợi dụng điều này, cho rằng hoảng loạn tâm lý, sợ bị người nhà nạn nhân đánh nên đã rời khỏi hiện trường. Nhưng nếu có cồn hay ma túy trong máu thì khi đến trình báo mức độ đã nhẹ hơn”, vị CSGT nói.
Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc điều hành Công ty Luật sư Riêng cũng cho hay, ranh giới giữa việc rời khỏi hiện trường và việc bỏ trốn vẫn đang còn là lỗ hổng của luật.
LS Phát phân tích, về mặt tình cảm, có thể chấp nhận được việc người gây tai nạn rời khỏi hiện trường để đảm bảo không bị người khác tấn công nhưng về mặt luật pháp thì không đảm bảo. Chỉ có thể xem xét chấp nhận nếu như di chuyển từ hiện trường đến công an trình báo ngay lập tức thì mới được chấp nhận.
|
Chính những điều này đã tạo ra một thông lệ cho một số người gây tai nạn, hành vi vi phạm có thể tự do lẩn trốn trong một thời gian để nhằm xóa dấu vết hoặc không để lại tàn tích của việc trước đó họ đã có những vi phạm (ví dụ như sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe hoặc sử dụng ma túy...).
Để hợp pháp hóa việc rời khỏi hiện trường, những người gây tai nạn chỉ có cách tự thú hoặc đầu thú. Và họ phải chứng minh được thời gian di chuyển liên tục từ hiện trường đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất. Nếu thời gian di chuyển không phù hợp, thì không được chấp nhận.
“Do đó, trường hợp lái xe Mercedes mãi 2 ngày sau mới đến cơ quan công an để trình báo là không thể chấp nhận đây là rời khỏi hiện trường mà là bỏ trốn. Hơn nữa, có thể người này đã sử dụng ma túy nên việc tới trình diện công an trễ không nằm ngoài khả năng để xóa dấu vết đã sử dụng chất kích thích”, LS Phát nêu ý kiến.
|
Có thể bị phạt đến 12 năm tù
Theo khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
- Không có GPLX theo quy định.
- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.
|
“Việc có cả 2 tình tiết định khung thì án tuyên có thể sẽ cao hơn thông thường, nhưng vẫn nằm trong khung này”, LS Phát nói.
Bên cạnh đó, nếu công an xác định được lái xe Mercedes đã cố tình làm giả giấy phép lái xe để thuê và lái xe, thì P. còn có thể bị khởi tố về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt là từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Như vậy, tổng khung hình phạt cao nhất mà lái xe Mercedes có thể bị phạt tù là 12 năm.
Bình luận (0)