Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng

25/12/2018 18:03 GMT+7

Việt Nam đang trong giai đoạn Cơ cấu dân số “vàng”, nếu không khai thác thì cơ hội “vàng” sẽ mất (vào khoảng năm 2040).

Do đó, cùng với thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, thích ứng dân số già, duy trì mức thay thế... cần khẩn trương tận dụng cơ hội này để phát triển đất nước.

Cơ cấu dân số “vàng”

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), cơ cấu dân số “vàng” là tình trạng số người trong độ tuổi từ 15 - 64 (độ tuổi có khả năng lao động) nhiều gấp 2 lần tổng số người dưới 15 tuổi (phụ thuộc trẻ) và số người từ 65 tuổi trở lên (phụ thuộc già). Nói khác đi, một dân số có cơ cấu vàng, khi tỉ lệ những người trong độ tuổi (15 - 64) chiếm 66% trở lên.
Nếu năm 1979, tỷ lệ những người trong độ tuổi (15 - 64) ở nước ta chỉ có 53% thì đến năm 2007 đã đạt 66% (bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”) và hiện nay, tỷ lệ này rất cao, tới xấp xỉ 70%. Khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động là những người trẻ, dưới 34 tuổi, thuận lợi cho tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Đây là dư lợi rất lớn của cơ cấu dân số “vàng” về số lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu dân số “vàng” mới chỉ là tỷ lệ và số lượng “dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn, mới mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã trực tiếp có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết.
_Ngọc Thắng
Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số “vàng” còn phải đảm bảo: những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc. Nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng lao động thì cũng không tác động tích cực cho phát triển; những người “có khả năng làm việc” phải có việc làm. Hiển nhiên, những người “có khả năng làm việc” song thất nghiệp hoặc có việc làm không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển.
“Cùng với đó, “những người có việc làm” phải làm việc với năng suất, thu nhập cao. Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước cũng không tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân cũng khó cải thiện”, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHH gia đình nhìn nhận.

Nâng cao chất lượng dân số

Ông Tú chia sẻ, nhờ những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng dân số của nước ta không ngừng được nâng lên. Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) - một trong những chỉ báo về chất lượng dân số của nước ta đã tăng từ 0,486 (năm 1992) lên 0,683 vào năm 2016. Tuy nhiên, so với thế giới, thứ hạng vẫn còn thấp. Nếu năm 1992, HDI của VN xếp thứ 120 trong 174 nước so sánh thì năm 2015 vẫn xếp thứ 115 trong số 188 nước so sánh! Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào tốp 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Điều này cho thấy những thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số”.
Quản lý hiệu quả việc kinh phí đầu tư cho công tác dân số
Lĩnh vực dân số ít hấp dẫn đối với đầu tư tư nhân. Do vậy, kinh phí đầu tư cho công tác dân số chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo và người sử dụng phương tiện, dịch vụ chi trả.
Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) về chính sách DS-KHHGĐ Chính phủ đã đầu tư cho công tác này bình quân 0,6 USD/người/năm. Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/T.Ư, với mục tiêu, nội dung công tác dân số đã được mở rộng rất nhiều, quy mô dân số đã đạt đến gần 100 triệu người nhưng kinh phí đầu tư từ ngân sách T.Ư lại thu hẹp chỉ còn 40% so với mức đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn giai đoạn 2011-2015, trong khi thực tế đầu tư cho công tác dân số là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Chỉ tính riêng việc tránh được 11,5 triệu ca sinh so với dự kiến kế hoạch vào năm 2015 đã góp vào thu nhập bình quân của mỗi người dân VN tăng thêm 10,9%.
Nguồn : Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.