Tạo sân chơi cho trẻ từ vật dụng tái chế

03/06/2017 09:03 GMT+7

Các sân chơi ở khu dân cư tại nhiều địa phương trên cả nước được làm từ vật dụng tái chế, đã giúp trẻ nhỏ có được không gian vui chơi, góp phần kết nối cộng đồng.

Những ngày tháng 6, các em nhỏ ở tổ 3 (P.Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có cơ hội được chơi nhiều trò chơi vận động tại một sân chơi cộng đồng do 2 tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực y tế và cộng đồng phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện, vừa khánh thành và đi vào hoạt động.
“Các con không phải tìm chỗ chơi xa nữa, cứ đi bộ ra cạnh nhà là có sân chơi. Không gian này vận động tốt, giúp trẻ thoát ly ti vi, máy tính. Các con chơi với nhau, phụ huynh ở cách mấy nhà lâu nay không biết nhau giờ cũng ra đây chơi cùng, nhỏ to chuyện này chuyện khác”, chị Anh Thư, người mẹ có 2 con nhỏ, đang sinh sống ở tổ 3, nói.
Trong khi đó, một thành viên nhí của tổ dân phố, em Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 4) chia sẻ: “Bố con bảo ở ngoài sân này có các trò chơi mới. Con thích chơi xích đu. Con cũng vui vì được làm quen với các bạn”.
Sân chơi ở tổ 3 (P.Chương Dương) là 1 trong số 50 sân chơi đã được KTS Kim Đức, người từng nhận giải thưởng sáng tạo của Hội đồng Anh cho ý tưởng xây dựng sân chơi này, hiện làm việc cho 1 trong 2 tổ chức nêu trên và các cộng sự đã xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nội...
Bắt đầu từ 3 năm trước và ban đầu chỉ là hoạt động tự nguyện của một nhóm nhỏ, gần đây KTS Kim Đức đã thành lập một doanh nghiệp xã hội để đi tiếp chặng đường xây sân chơi cho trẻ.
Theo KTS Kim Đức, tốt nhất là để cho trẻ được chơi thoải mái, không bị nhốt trong không gian của người lớn. “Ngoài vận động, các em gặp các bạn bè khác, tăng khả năng giao tiếp. Không gian này hay hơn nhiều so với việc các em chỉ ở trong nhà chơi iPad và xem ti vi. Các thiết bị sân chơi rất gần gũi với thiên nhiên giúp các bé cảm nhận được về cỏ cây. Thậm chí, các em được ngã, nghịch bẩn, sờ đất cát. Trong thành phố người ta rất sợ bẩn, nhưng việc tiếp xúc với thiên nhiên rất là quan trọng”, Kim Đức chia sẻ.
Góp sức nhân rộng mô hình
Chính vì thế, trong các dự án sân chơi mà Kim Đức cùng cộng sự đã thực hiện luôn trú trọng đến các thiết kế có tính địa phương, sử dụng vật liệu tại chỗ. Như thế, có thể tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Người dân cũng được khuyến khích tham gia các công việc làm sân chơi, từ việc tìm vật liệu và kết thành các trò chơi, đến quản lý sân chơi.
KTS Phạm Huy Ánh, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá rất cao ý tưởng sân chơi này. Theo ông, việc đẩy mạnh sân chơi tự chế bằng vật liệu thiên nhiên hoặc tái chế sẽ giúp các sân không bị nhàm chán vì quá giống nhau.
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm lại đánh giá cao sân chơi này ở chỗ có thể chủ động truyền tải các thông điệp văn hóa lịch sử. Chẳng hạn, sân chơi ở P.Chương Dương có các hình vẽ về thuỷ chiến, tới đây sân chơi ở Mai Động sẽ nhấn mạnh về nghề làm đậu Mơ nổi tiếng của vùng này.
“Tuy nhiên, muốn có sự lan tỏa nhanh cũng cần sự tham gia của chính quyền. Chi phí cho 1 sân chơi hiện khoảng 65 triệu đồng. Ở Q.Hoàn Kiếm, chúng tôi có sự quan tâm của chính quyền. Nhưng lâu dài cũng cần sự quan tâm của nhiều đơn vị hơn nữa. Hiện, chỉ ở P.Chương Dương cũng cần khoảng 10 sân chơi tương tự nữa”, KTS Kim Đức nói.
Về sự cộng hưởng từ chính quyền, KTS Phạm Huy Ánh cho rằng: “Chúng tôi rất sợ gặp phải tình trạng dễ làm khó bỏ, không gắn bó tạo điều kiện với nhóm làm sân chơi. Chính quyền không nên trông chờ nhà tài trợ mang sân chơi đến mà phải chủ động góp sức nhân mô hình sân này lên khi đã hiểu cách làm”, ông Ánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.