Thực ra tôi được biết có nhiều cuộc hôn nhân Hàn - Việt rất hạnh phúc, các ông chồng Hàn có cùng quê... vợ cuối tuần hay tổ chức cho các bà vợ Việt gặp nhau, vừa tổ chức nấu nướng vui chơi, vừa trao đổi với nhau kinh nghiệm về... hôn nhân quốc tế. Hoặc những cô dâu Việt khi được phát tài liệu tư vấn ngược đãi thì họ nhoẻn miệng cười xin phép được trả lại, vì cuộc sống hôn nhân của họ không có những khái niệm ngược đãi, đánh đập, mâu thuẫn như nói trên.
Ngẫm chuyện lấy chồng Hàn cũng là chuyện "bến đục, bến trong". Những cô gái gọi đến đường dây ấm có chung hoàn cảnh: Vừa đến Hàn Quốc là bị chồng cô lập, không cho giao du với người Việt Nam. Lý do mấy ông chồng Hàn đưa ra là: "Gặp người Việt Nam không thấy học cái tốt, chỉ thấy học cái xấu". "Cái xấu" được mấy ông kể ra với đường dây ấm là những bà vợ khi gặp nhau là về nhà hay so đo, phân bì chồng người này giàu, chồng người kia nghèo, chồng người đẹp trai, chồng mình không đẹp trai... Hơn nữa mấy ông sợ khi vợ bất mãn thì dễ bị người khác tác động, rủ rê trốn đi.
Cái khổ thứ hai của các cô dâu Việt là bị lệ thuộc tiền bạc. Các cô gái khi lấy chồng Hàn Quốc hay có ước mơ sẽ được đi làm, sẽ gửi tiền về trợ giúp gia đình. Nhưng các tư vấn viên ở đường dây ấm nói rằng tâm lý người đàn ông Hàn là khi lấy vợ là muốn vợ phải thực hiện nghĩa vụ làm dâu, phải phục tùng, bởi vì trong xã hội Hàn Quốc hiện nay nghĩa vụ làm dâu vẫn còn rất nặng nề. Không những không được đi làm, các cô dâu Việt cũng
|
Hơn nữa, hơn 80% cô dâu Việt tại Hàn phải sống chung với cha mẹ chồng, nên có một mâu thuẫn rất phổ biến giữa mẹ chồng với nàng dâu. Đàn ông Hàn kiếm được tiền hay mang về cho mẹ, khi cãi nhau thì cũng đứng về phía gia đình, điều đó khiến các cô dâu Việt (hầu hết là những cô gái trẻ độ tuổi 19, 20...) không khỏi cảm thấy tủi thân vì "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Một cô gái gọi đến tâm sự rằng cô mang thai nên quần áo cũ chật hết rồi, nhưng mua đồ mới thì mẹ chồng không cho, nên phải nhờ đường dây ấm nói giúp. Hay một cô dâu khác ở một hòn đảo nào đó ở Busan gọi đến đường dây ấm tâm sự rằng cô phải gọi lén cha mẹ chồng vì cha mẹ chồng không cho, sợ tốn tiền điện thoại. Một hôm, một bà mẹ chồng tới ngay văn phòng tư vấn la ầm lên: "Trời ơi, sao con tôi ở dơ thế. Nó chẳng lau dọn nhà cửa gì cả!". Nhưng cô gái thì phân trần: "Mẹ chồng em khó lắm chị ạ! Lau chùi thế nào cũng không vừa ý, giận là hay tỏ thái độ kiểu đá thúng đụng nia". Thế là cô con dâu phẫn uất, chẳng làm gì cả. Khổ, do tập quán rất khác nhau, người Hàn vốn lúc nào cũng sạch như lau như ly khiến những phụ nữ tư vấn viên cũng phải lắc đầu, cô dâu trẻ kia chưa có kinh nghiệm làm sao thích ứng được. Lại có ông chồng gọi đến: "Tôi chịu hết nổi rồi. Bây giờ vợ tôi nó chửi cả cha tôi, mẹ tôi...". Lại khổ, tiếng Hàn vốn phức tạp, cách nói với người già khác với cách nói của người trẻ, ngôi thứ rõ ràng. Phức tạp thế nào thì xin dẫn ra rằng cô giáo dạy tiếng Hàn của tôi là người Hàn Quốc, biết thêm tiếng Anh, tiếng Đức, nhưng khi nói đến chuyện phân chia ngôi thứ trong tiếng Hàn thì cô cũng... loạn cả trí. Người Hàn đã vậy, một cô dâu trẻ người Việt làm gì đủ kinh nghiệm, đành chịu lỗi trước gia đình chồng thừa câu nệ câu chữ nhưng lại... không đủ hiểu để cảm thông.
Chuyện bất đồng ngôn ngữ cũng là mâu thuẫn lớn cho những cô dâu Việt trên đất Hàn. Một người vợ đang có con nhỏ, người chồng lại hay lớn tiếng, hút thuốc nên người vợ hay "mời" ông chồng ra khỏi phòng vì sợ ảnh hưởng con nhỏ. Thế mà ông chồng không hiểu, gọi điện đến trung tâm tư vấn vì nghĩ vợ mình không "yêu" mình nữa. Một ông chồng khác gọi đến trung tâm đầy tâm sự: "Vợ tôi sống nội tâm lắm chị ạ! Tôi muốn được nghe nhưng cũng chẳng thấy vợ tôi nói gì cả!". Trong khi người vợ như muốn nổ tung: "Chị ơi, em cũng muốn hét lên đây này. Nhưng em có nói được bằng tiếng Hàn đâu!".
Tôi được chứng kiến cuộc tư vấn một cô gái mới sang Hàn Quốc được hai tháng thì bị bệnh bướu cổ, chồng cô đòi ly dị, trong khi cô gái dở dang kia thì không muốn rời Hàn Quốc. Cuộc tư vấn thứ hai dài hơn cả tiếng đồng hồ khiến tư vấn viên như choáng đầu, sưng cổ họng với một ông chồng Hàn mà theo lời chị là: "Ngang không chịu được!". Người vợ bức bối vì chồng không cho đi học tiếng Hàn, ông chồng trả lời là sợ... đi học chỉ học tính xấu. Tư vấn viên giải thích là có người tốt người xấu, ông phải tin vợ ông, ông này "bật" lại: "Lỡ học tính xấu thì trung tâm có đền vợ cho tôi không?". Người vợ nói cần có tiền tiêu vặt, người chồng nói đợi có con mới cho tiền lo lắng này nọ, chứ bây giờ cho tiền sợ vợ... trốn mất. Vợ uất vì chồng hay mời họ hàng đến dùng cơm khiến cô phải nấu nướng mệt nhọc, chồng thì không giúp gì được. Chồng thì trả lời có giúp. Cả tiếng đồng hồ trao đổi cuối cùng người vợ đành bất lực: "Chị ơi, chồng em nó bị tai nạn giao thông nên đầu nó có vấn đề chị ạ!"...
Trinh - một cô gái 24 tuổi ở Cần Thơ sang Hàn Quốc đã được bảy tháng mà tôi đã gặp kể lại rằng hai tháng đầu cô khóc suốt, đòi trở về Việt Nam. Chồng cô kinh tế khá giả, đã cho cô 1.000 USD gửi về gia đình. Cô được gọi điện thoại thoải mái, mỗi tháng được cấp 2 card điện thoại, mỗi tuần được đưa đi sắm quần áo một lần, muốn mua gì cũng được. Tháng 8 này hai vợ chồng cô sẽ du lịch sang Mỹ. Nhưng mọi lúc cô đều không được phép ra đường một mình, đi đâu cũng phải có chồng kèm theo. Cô cũng không được cấp tiền tiêu vặt cá nhân, muốn gì cô cũng phải... xin. Cô hỏi chồng cô tại sao không lấy vợ Hàn Quốc mà lấy vợ Việt Nam. Chồng cô trả lời ông ta dư sức lấy vợ Hàn Quốc, nhưng vợ Hàn Quốc không làm dâu, lại hay se sua, đua đòi... ông không thích. |
Chuyện làm dâu xứ Hàn thiên hình vạn trạng, nhưng tựu trung lại là những mâu thuẫn như vậy.
Khi viết bài này tôi tự hỏi những cô gái Việt Nam hằng ngày vẫn chờ đợi làm thủ tục kết hôn ở Lãnh sự quán Hàn Quốc có biết rằng cuộc hôn nhân sắp tới của mình sẽ ra sao ? Vì vậy, những kinh nghiệm từ những câu chuyện trên, cũng như số điện thoại đường dây ấm Seoul 1577 - 1366 là rất cần thiết cho họ. Các cô gái Việt Nam muốn làm dâu xứ Hàn ngay bây giờ cần có sự lựa chọn kỹ càng hơn. Người Hàn Quốc đã từng đau khổ bởi chính sách đồng hóa bởi người nước ngoài trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai thì nay cũng cần nhớ lại và nên chung sống san sẻ yêu thương với nhau thì ắt hẳn những cuộc hôn nhân quốc tế trên đất nước Hàn Quốc sẽ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn.
Quang Thi (từ Seoul)
Bình luận (0)