Thăm 'xưởng đóng tàu mô hình' siêu đẹp ở Hải Phòng

Lê Tân
Lê Tân
20/08/2018 11:11 GMT+7

Anh Lê Quốc Tuấn, một kỹ sư tin học 43 tuổi (ở xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) đang đóng những con tàu mô hình giống y như thật, có thể chạy dưới nước.

Năm 2008, trong chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Quốc Tuấn gặp một nhóm người đang chơi tàu thủy điều khiển từ xa ở một con sông thuộc quận 7. “Tôi ngẩn người ngắm mấy con tàu như thật chạy dưới nước rồi nghĩ họ chơi được mình cũng chơi được, nên khi về thì thử làm xem sao”.
[VIDEO] Mô hình tàu quân sự chạy băng băng dưới nước của nghệ nhân Hải Phòng
Sau đó, anh Tuấn bắt đầu lên mạng tìm hiểu cách thức làm tàu thế nào, điều khiển ra sao và quyết định sẽ tự làm để chơi chứ không mua. “Quyết tâm có rồi nhưng động vào đâu cũng thấy vướng. Nhất là bản vẽ thiết kế của những con tàu mình thích thì không thể xin ở đâu ra được. Thế là tôi quyết định học trên mạng, học bạn bè và dần dần cũng vẽ được”, anh Tuấn kể lại những ngày đầu hành nghề... đóng tàu.
tau-mo-hinh
Chiếc tàu đầu tiên anh Lê Quốc Tuấn chế tạo có thể chạy băng băng trên mặt hồ Ảnh: Nhân vật cung cấp
Con tàu mô hình mà anh Tuấn làm được đầu tiên là một tàu hàng rời, lắp một động cơ điện 12 vôn mua ở chợ Sắt, chạy bằng bình điện xe máy. “Lần đầu tiên nên có nhiều khó khăn lắm. Làm bằng vật liệu gì, lắp máy nào, sơn ra sao, rất rất nhiều cái cần xử lý. Mọi chi tiết thì đều phải dùng cưa tay để cắt. Nhưng lúc làm xong, chạy thử thành công thì sướng lắm”, anh Tuấn cười.
Sau con tàu đầu tiên, anh Tuấn làm con tàu thứ hai, phỏng theo Strong Bow, một con tàu chạy bằng hơi nước từng được đóng từ năm 1927. “Đến con này thì tôi đã khá thuần thục cách vẽ thiết kế, xử lý vật liệu, keo dán nên làm nhanh và đẹp hơn nhiều”, anh Tuấn cho biết.
tau-mo-hinh
Chiếc tàu mô hình được làm y như thật Ảnh: Lê Tân
Theo anh Tuấn, dăm năm trước, việc làm tàu mô hình của anh gặp rất nhiều khó khăn vì những chi tiết nhỏ trên tàu như lan can, bánh lái, vô lăng phải làm bằng tay. Có con cần đến hàng trăm chi tiết, nên anh thường mất từ 2 đến 3 tháng mới làm xong.
Đến khi anh Tuấn biết đến công nghệ in 3D thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh đã mày mò tự chế một máy in 3D và chỉ việc vẽ trên máy tính rồi in ra các chi tiết.
“Từ bản vẽ, tôi dùng composite, fomex kết hợp với sợi thủy tinh để làm thân tàu và các chi tiết lớn. Sau khoảng 1 tháng thì xong một con”, anh Tuấn nói và cho biết đang làm việc ở một công ty xi măng nên chỉ tranh thủ "đóng" tàu vào buổi tối và 2 ngày cuối tuần.
tau-mo-hinh
"Xưởng đóng tàu" trên sân thượng, nơi anh Lê Quốc Tuấn làm ra những con tàu y như thật Ảnh: Lê Tân
Kể về nghề chơi của mình, anh Tuấn thú thật: “Lúc đầu là để chơi nhưng khi mang đi khoe hàng thì nhiều anh em khen là quá giống thật nên đặt làm và trở thành nghề tay trái, nay thì làm không hết việc”.
Theo đó, mỗi con tàu dài khoảng 1,2 m, nặng khoảng 15 kg của anh có giá khoảng 15 triệu đồng. Bán được tàu nên anh có thể đầu tư thêm thiết bị cho một “xưởng đóng tàu” rộng gần 20 m2 với đầy đủ trang thiết bị trên tầng thượng của ngôi nhà 3 tầng của mình.
tau-mo-hinh
Mô hình tàu ngầm Kilo anh Lê Quốc Tuấn làm cho khách hàng ở Phú Thọ Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong gần 100 chiếc tàu mà mình đã làm, anh Tuấn nhớ nhất về mô hình tầu ngầm Kilo (làm năm 2014) và một con tàu khai thác hải sản bằng lưới vây (đóng năm 2016).
“Tàu ngầm Kilo là mô hình khó nhất, người khách ở Phú Thọ yêu cầu tôi làm theo nguyên lý lặn tĩnh, tàu sẽ lặn khi đứng yên. Thế là tôi phải thiết kế 1 bộ hút, đẩy nước theo kiểu pit tông để giúp tàu lặn được. Đây cũng là chiếc duy nhất có thể tháo lắp ra lắp vào để bảo trì”, anh Tuấn kể và cho biết giá thành của con tàu này lên đến 18 triệu.
 tau-mo-hinh
Tàu mô phỏng cách thả lưới vây đóng cho trường dạy nghề Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mô hình tàu thả lưới vây thì anh Tuấn được một trường dạy nghề thủy sản ở Hải Phòng đặt làm. Tàu này không chạy dưới nước mà đi trên một đường ray hình tròn và mô phỏng cách thả lưới vây để đánh bắt cá. "Lưới nặng khiến tàu bị mất cân bằng nên tôi phải xin tư vấn của bố vợ, ông ấy là một kỹ sư cơ khí, kết quả là đơn vị đặt hàng đã rất hài lòng”, anh Tuấn kể lại.

Từ khi làm mô hình tàu, anh Tuấn đã tự trau dồi để có những kiến thức như một người thợ cơ khí, thợ điện, thợ hàn, thợ tiện và chuyên gia động lực học.

tau-mo-hinh
1 trong 10 con tàu anh Lê Quốc Tuấn đang làm cho khách hàng ở Vũng Tàu Ảnh Lê Tân
Khi chúng tôi đến xưởng, anh Tuấn đang thực hiện lô hàng 10 chiếc tàu, do một người ở Vũng Tàu đặt đóng làm quà tặng và đã xuất được 2 chiếc, 3 chiếc tiếp theo đang được đóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.