“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư

03/05/2008 23:09 GMT+7

Có thể nói sau “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy lừng lẫy, ông Nguyễn Văn Cư là một trong những đại diện của lớp “thần đèn” tiếp theo.

“Dân chơi” tay ngang

So với những bậc đàn anh đã thành danh như “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy hay Đỗ Quốc Khánh, Nguyễn Văn Cư là một “dân chơi” tay ngang thứ thiệt. Đã có một thời gian ông làm việc dưới trướng cụ B.T (hiện đã mất), cũng là một trong những nhân vật nổi danh ở TP.HCM trong lĩnh vực xây dựng, di dời, chống nghiêng, chống lún, nhưng lúc đó ông chỉ phụ trách về nhân sự chứ không phải làm về chuyên môn. Trong thời gian này, ông Cư cũng có nhiều lần đi thị sát tại công trường, dần dần quen với cách thức và kỹ thuật di dời, chống lún, chống nghiêng của chủ. Thế nhưng theo quan sát của ông, cách làm này chưa thật sự hoàn hảo và có quá nhiều sai sót nhưng không có cơ hội để góp ý. Từ những nhận xét ban đầu, ông bắt đầu hình dung ra những kỹ thuật để áp dụng vào công trình một cách khoa học hơn.

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Cư chính thức “ra riêng” để áp dụng những kỹ thuật tự phát minh của mình vào việc chống nghiêng, chống ngập. Những ngày đầu khởi nghiệp thật gian nan. Nhớ lại, ông Nguyễn Văn Cư kể: “Năm 2005, khu vực Q.6, TP.HCM là những điểm nóng về ngập lún. Rất nhiều căn nhà xây dựng kiên cố, sau đó bị nghiêng, bị lún, khổ nỗi là người ta không biết mình, thành ra phải tìm mọi cách để tạo dựng lòng tin”. Người tin ông Cư đầu tiên là một chủ hộ ở đường số 2, P.11, Q.6. Căn nhà xây lên 3 tấm nhưng được một thời gian thì bị nghiêng trầm trọng. Ông Cư đến hiện trường, giật mình khi thấy khoảng cách nghiêng giữa 2 căn nhà lên đến 40 cm. Chủ nhà yêu cầu ông chỉnh ngay, và nâng lên 20 cm nữa. Ông Cư nhận lời. Vài tháng sau hợp đồng đã hoàn tất. Căn nhà nhìn vào nghiêm chỉnh như mới. Chủ nhà vui mừng, bắt đầu giới thiệu nhiều công trình khác. Thấy công việc nhiều áp lực, ông bỏ tiền đầu tư hệ thống con đội bằng thủy lực trị giá hàng trăm triệu. So với những đồng nghiệp, “vũ khí” của ông Cư hiện đại hơn nhiều, bởi hệ thống đội được xử lý bằng các trạm điều khiển, một người có thể quản lý tiến độ nâng của nhiều con đội cùng một lúc.

Thời điểm đó, ở Q.6 có 3 căn nhà liên kế trên đường số 11, P.11 được xem là nghiêng nhất ở khu vực Bình Phú, báo chí lúc đó cũng đã phải lên tiếng vì độ nghiêng kinh khủng của 3 căn nhà này. Chủ nhà vốn là người trong ngành xây dựng mà lại xây nhà bị nghiêng nên rất ấm ức. Ông Cư đến gặp trực tiếp chủ nhà, đề nghị cho ông xử lý. Hợp đồng được ký kết. Bắt tay vào việc, ông Cư mới đâm lo vì căn nhà nghiêng quá cỡ, căn này đè hẳn lên căn kia. Ông Cư cho công nhân đào phá nền nhà, đục móng ép cọc, đổ bê tông gia cố móng. Đến lúc cắt cột để chỉnh ngay và nâng nhà lên thì phát hiện 3 căn này đã dính chặt với nhau. Thường thì thợ chỉ cần đục vài lần là các căn nhà tự động tách ra, nhưng 3 căn này dính nhau như sam. Thức trắng vài đêm suy nghĩ, ông chỉ huy công nhân vừa tách vừa nâng, cuối cùng 3 căn nhà cũng chịu rời ra, ông cắt móng, ép cọc, đổ bê tông, cân chỉnh 3 căn nhà đứng thẳng. Một lần khác, căn nhà mà ông Cư  nhận “điều trị” chỉ mới xây được vài năm nhưng do thi công ẩu, thiết kế không phù hợp nên toàn bộ hệ thống đà ngang, đà dọc đều nứt gãy, 10 cột nhà tầng trệt bị nứt, khi đào xuống thì hệ thống cột dầm bị xoay bung thép. Công trình đó ông phải mất 3 tháng để đào xuống ép lại cọc, gia cường lại hệ thống đà ngang, đổ lại cột, tân trang căn nhà như mới. Sau những công trình này, uy tín của ông Cư bắt đầu lan xa. Có khi một năm ông đảm nhận cùng lúc gần chục trường hợp nâng nhà, chống nghiêng, chống lún...

“Thần đèn” so tài

Tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Cư khi công trình nâng khối nhà liên kế 4 tấm, nặng đúng 3.000 tấn lên cao 1 mét của ông đã đi vào những công đoạn sau cùng, chuẩn bị hoàn tất. Hôm ông phát lệnh nâng nhà, dân chúng nghe tin kéo đến xem đông nghẹt ở ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Dân thì tò mò, còn người vui mừng nhất chính là 6 chủ hộ ở 6 căn nhà trên. Mua nhà xong, những người này phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi triều cường lên cao, nước dâng vào nhà có khi nửa ống chân, vất vả khôn tả. Chủ nhà than phiền, chủ đầu tư xây dựng cũng buồn lòng không ít bởi ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh. Rốt cuộc phương án nâng cao khối nhà lên cao đã được đưa ra, 6 chủ hộ đã chuẩn bị dọn dẹp đồ đạc di tản... Đúng lúc này thì ông Nguyễn Văn Cư xuất hiện. Ông Cư khoát tay, bảo nếu để ông làm thì 6 hộ này cứ yên tâm sinh hoạt trong nhà bình thường, chỉ cần giao cho ông tầng trệt. Sau cái lần uống cà phê đầu tiên, chủ đầu tư gật đầu cái “rụp” với phương án của ông Cư. Thế nhưng sau đó lại vấp phải sự ngăn cản của một số chủ hộ, bởi tiếng tăm của ông Cư vẫn chưa thể sánh bằng cái bóng quá lớn của những bậc đàn anh trong lĩnh vực này. Khối nhà này lại được xây hết sức kiên cố, liền đà, liền cột, nâng cả khối nhà là một điều rất khó. Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng cơ hội được trao cho ông Cư. Ông Cư giữ đúng lời hứa, các hộ ở đây không cần phải dọn khỏi nhà. Ông Cư chỉ sử dụng tầng trệt vào ban ngày, đến chiều tối ông lại lót ván phẳng phiu cho chủ hộ dắt xe vào. Ông Cư kể: “Khối nhà này quá nặng, để nâng lên, móng của nó phải được đào sâu xuống gần 2 mét. Có những đêm tôi và anh em công nhân phải xài đến thuốc, kem chống muỗi để thị sát công trình, bởi toàn bộ hầm đều ngập nước sình, nước bùn hết sức hôi thối”. Công trình vì vậy cũng trễ hạn vì phân nửa thời gian thi công đã bị ngập trong triều cường. Nếu tính chính xác, ông Cư chỉ mất khoảng 3 tháng để nâng khối nhà lên. Ngày hoàn tất việc nâng nền, ông chủ đầu tư chạy ngay đến xem xét, rồi tấm tắc khen. Khác với những “thần đèn” khác, hệ thống nâng bằng con đội thủy lực của ông Cư khiến khối nhà nâng lên êm ái, trong quá trình thi công không có bất cứ sự cố nào xảy ra. Nhờ hệ thống nâng hiện đại, ông Cư chỉ cần sử dụng 25 công nhân để nâng lên, thay vì làm thủ công phải mất đến 100 công nhân. Hiện khối nhà chỉ còn nốt công đoạn đổ móng, ép cọc là hoàn tất.

Khối nhà nặng 3.000 tấn ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh được “thần đèn” nâng nhẹ nhàng lên 1 mét - Ảnh: Q.Thuần

Ngay sau đó, ông Cư nhận ngay một công trình lớn khác. Dạo gần đây, khu vườn nghệ thuật với tác phẩm “Đồi tiên nữ” của ông Bùi Văn Ngọ trở nên nổi tiếng bởi diện tích khổng lồ và vẻ đẹp độc đáo của nó. Kỷ lục Việt Nam cũng đã ghi nhận những cái “độc nhất” của khu vườn này tại địa chỉ 231 An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân. Do con đường chính dẫn vào vườn ở đây được nâng lên nên ông chủ vườn cũng tính đến phương án nâng cao một số hạng mục trong vườn. Lần này ông Cư nhận nhiệm vụ nâng cao cổng chính của khu vườn lên cao nửa mét. Ngoài ra căn nhà thủy tạ gần đó cũng được yêu cầu nâng cao 40 cm và cân chỉnh ngay ngắn. Cái cổng khổng lồ nặng gần 100 tấn, cao đến 7 mét, ông Cư phải nâng lên cao mà vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Gặp tôi giữa buổi trưa nắng gắt, trán ông Cư lấm tấm mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ. Ông tâm sự: “Cứ mỗi lần nhận thêm hợp đồng là mỗi lần ăn ngủ không yên. Vì cứ mỗi công trình là một thách thức mới, ví như căn nhà thủy tạ được xây dưới nước, nâng lên cao cũng là một khó khăn. Làm việc trong ngành xây dựng vốn chứa đựng nhiều rủi ro, thế nhưng đã đam mê là không thể nào bỏ được”.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.