Thành phố sau 0 giờ: Đêm ở chợ Long Biên

26/06/2010 08:59 GMT+7

Đã vào vụ gặt, nhưng rất nhiều người vẫn còn nấn ná chưa muốn về quê, những đồng tiền kiếm được hàng đêm ở chợ Long Biên chính là lý do để họ nán lại dù cuộc mưu sinh nơi đây là hết sức nhọc nhằn.

>>  Hà Nội sau 0 giờ / Thành phố sau 0 giờ

Trong ánh sáng của hàng trăm bóng điện treo khắp các gian hàng, việc buôn bán ở chợ Long Biên đêm nào cũng diễn ra hối hả.

Rau củ, hoa quả, hải sản chất thành từng đống giữa đường, thùng hộp, thúng mủng lăn lóc khắp lối đi, người qua kẻ lại như nêm, ít người nghĩ rằng không gian nóng bức, chật chội ấy chính là cơ hội kiếm sống của rất nhiều người.

Đó là bà cụ hàng nước vừa bán hàng vừa gà gật, là bác xe ôm đang chợp mắt trên yên, là người bán cam nằm co ngay trong thùng giấy... Họ là dân ngoại tỉnh, ngày thuê trọ tập thể với giá 6.000 đồng/người, đêm ra chợ kiếm sống.

Khoác chiếc tải dứa trên vai, chị Nguyễn Thị Lời, ở Đào Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên đi nhặt dây buộc, vỏ thùng, mỗi đêm nhặt được 5-6 cân dây buộc, bán mỗi cân 2.500 đồng, ngoài ra là vỏ hộp, túi nilon.

Mỗi đêm, chị được vài chục ngàn đồng. Số tiền không lớn, nhưng “tích tiểu thì thành đại, một ngày ở quê chẳng biết kiếm đâu ra từng ấy”. Thôn chị, có 6 người lên đây làm ăn như thế.

Cùng quê Hưng Yên là chị Phạm Thị Biển, 40 tuổi, làm nghề gánh thuê. Một thùng hàng 30kg, gánh đi vài trăm mét, chị được 2.000 đồng. Cả đêm, chị kiếm được 40.000 - 50.000 đồng, đó là nguồn thu đáng kể trong lúc nông nhàn.

Vừa gánh hàng, chị vừa dừng lại nghỉ lấy sức, vừa đấm đôi vai mỏi nhừ, chị nói: “Ngày nào về người cũng đau như dần. Nhưng còn sức lực để bán như thế này là may rồi”.

Khá hơn người gánh thuê là những người kéo thuê. Mỗi thùng hàng cũng chỉ được chủ trả với giá từ 1.000 - 2.500 đồng, nếu gặp may, mỗi chuyến cũng có thể kéo được một hai chục thùng nên kiếm được, lại đỡ vất vả hơn. 

Nhẹ nhàng nhất ở chợ có lẽ là nghề... bán hàng thuê mà cô bé Lê Thị Hợi là một điển hình. Từ Vĩnh Phúc xuống được 3 năm, Hợi mới 16 tuổi mà đã rất lành nghề buôn bán.

Vừa nhặt dứa cho khách, cô vừa liến thoắng: “Trong chợ này thì bán hàng thuê như bọn em là sướng nhất, có chỗ làm ổn định, không phải tối nào cũng lo đi kiếm việc. Nhưng người ta lại chỉ thuê bọn trẻ con đi bán hàng thôi”.

Thuê trọ trong khu lao động tồi tàn, cuộc sống của Hợi cũng “trái qui luật” như mọi người khi ngày ngủ, tối làm.

Hợi kể, ở quê nhà nghèo, bố mẹ làm nông, nghe người làng kháo nhau ra chợ Long Biên kiếm được tiền, nên hai chị em Hợi lên đường. Cô em mới 13 tuổi chưa may mắn như chị, nay vẫn phải đi nhặt túi nilon và phế liệu. “Để nó ở nhà cũng chỉ đi chăn bò, cho lên đây kiếm được đồng nào tốt đồng ấy”, Hợi bảo.

3 năm bươn bải đất thị thành, Hợi ấp ủ mơ ước có ít vốn con con rồi tự kiếm lấy cái gì mà bán, không đi làm thuê nữa. Thu nhập và hoàn cảnh thế này, cái “vốn con con” của chị em cô chắc còn lâu mới đủ.

Khá hơn những người phụ nữ khác, chị Vũ Thị Hòa ở Thái Bình có công việc dễ chịu hơn. 11 giờ đêm, chị đẩy xe hàng đầy chai lọ, cốc chén ra chợ bán chè đỗ đen, thạch, nước chè đường, nước sấu... cho người lao động với giá bình dân: 2.000 đồng đến 3.000 đồng/cốc.

Những người kéo xe, gánh thuê nhễ nhại mồ hôi, gương mặt phờ phạc vì thức đêm tạt vào mua vội cốc chè, họ vừa đứng vừa uống cốc chè lõng bõng toàn đá là đá, vừa hỉ hả: “Mát ruột quá, tỉnh cả người”.

Trời tảng sáng, chợ đã vắng, nồi chè đỗ đen đã cạn, chị Hòa xếp đồ ra về. Mắt ríu lại, chị vừa đẩy chiếc xe long sòng sọc trên con đường gồ ghề về xóm trọ vừa ngáp dài thườn thượt.

Trang Đào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.