“Thằng nài Vũ chạy cừ ghê, bị bỏ khá xa vậy mà vẫn bứt tốp để về nhất!”. giọng ai đó vang lên cùng với những tràng pháo tay tán thưởng trên khán đài Trường đua Phú Thọ (TPHCM). Ở một góc sân quần ngựa, hễ nghe nài “ruột” về nhất được xuớng tên, có một người đàn ông lặng lẽ mỉm cười. Đó là ông Nhan Văn Trâm, 70 tuổi - người được giới đua ngựa Sài Gòn xem là chuyên gia huấn luyện nài ngựa số 1.
Tuổi thơ lừng lẫy
Nhan Văn Trâm gốc ở Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An – một địa phương nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua. Cũng như những đứa trẻ khác ở làng quê này, sau giờ học, cậu bé Trâm lại phụ giúp cha mẹ cắt cỏ cho ngựa ăn; quần thảo với ngựa đến mệt nhoài với mong ước được một lần cưỡi trên lưng con ngựa đua chạy băng băng về đích. Tư chất thông minh, niềm đam mê cùng chút liều lĩnh đã giúp cậu bé Trâm nắm vững những nguyên tắc cơ bản để ngồi trên lưng ngựa. Nhờ vậy, dù vào nghề trễ hơn những trẻ đồng trang lứa, song nài Trâm vẫn được đánh giá là có kỹ thuật điều khiển ngựa khá nhất thời ấy. “Những lần bị ngựa hất ngã xuống đất, người đau ê ẩm nhưng tôi quyết chí không bỏ cuộc. Đã đam mê thì phải chấp nhận”- ông Trâm nhớ lại.
Sự khởi sắc của trường đua trong những năm trở lại đây có công đóng góp không nhỏ của những người làm công tác huấn luyện nài, trong đó có chú Chín Trâm. Vượt qua sự trở ngại về giáo án, khả năng sư phạm, lòng nhiệt huyết với nghề của những người như ông đã giúp trường đua có một lớp nài giỏi, có đạo đức nghề nghiệp. Ông Huỳnh Thanh Hùng (Phó Chủ nhiệm CLB TDTT Phú Thọ) |
Thấy con trai say mê như vậy, ông Nhan Văn Xướng, cha ông Trâm, cũng là người huấn luyện ngựa đua có tiếng ở Đức Hòa, đã bỏ công chỉ bảo thêm. Chỉ sau vài cuộc đua, tên tuổi nài Trâm đã nổi tiếng ở Trường đua Phú Thọ. Năm 1954, được cưỡi con ngựa Huỳnh Hoa lực lưỡng, nài Trâm đã ẵm liên tục 11 giải nhất. Lãnh giải, cậu bé gom hết tiền thưởng đưa cha mẹ mua thêm mấy mẫu đất. Sau vinh quang ấy, với kỹ thuật điều khiển ngựa khéo léo, điệu nghệ, nài Trâm liên tục đoạt thêm 40 giải thưởng khác trước khi bỏ nghề ở tuổi 20.
Thầy giáo không giáo án
Năm 1989, khi trường đua ngựa được phép tái hoạt động, quý mến tài năng và nhân cách của ông Trâm, lãnh đạo CLB TDTT Phú Thọ đã tìm đến tận nhà, mời ông về phụ trách công tác huấn luyện nài. Khi ấy, dù tuổi đã ngót nghét 50, song trước thịnh tình này, ông Trâm đã nhận lời.
Nhiều cán bộ CLB TDTT Phú Thọ thường gọi ông là thầy giáo không giáo án, bởi việc huấn luyện cho nài của ông chủ yếu bằng kinh nghiệm và niềm đam mê. Kinh nghiệm của những năm làm nài giúp ông nắm bắt được tâm lý của trẻ. Ông nghĩ ra phương pháp giảng dạy phù hợp, dễ hiểu nhất để các em có thể tiếp thu nhanh. Phụ huynh có con theo ông học nghề rất an tâm, bởi từ những động tác cơ bản (khớp mõm, bắt chân để đánh móng, vuốt ve làm quen) đến những động tác khó (khom lưng, nhấc mông, ra roi, phi nước kiệu)... đều được ông hướng dẫn tận tình. “Từng động tác kỹ thuật nhỏ nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều khiển của nài. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến tính mạng các cháu”- ông giải thích.
Nài Phạm Thế Vũ (18 tuổi), một học trò của ông Trâm, kể lại: “Có lần, khi vào đến khúc cua, em định thúc ngựa vượt qua, song bất ngờ có một đồng môn cúp đầu giành đường, khiến cả hai đứa suýt té. May mà được huấn luyện kỹ nên tụi em ghìm cương, tránh được tai nạn đáng tiếc”. Qua bàn tay huấn luyện của ông, hàng chục nài ngựa đã thành danh, trong đó nổi tiếng nhất là nài Trọng.
Dạy nghề, dạy làm người
Phụ huynh của nài ngựa quý ông không chỉ bởi cái tâm, khả năng truyền đạt kinh nghiệm mà còn coi ông như người thân. “Các cháu tôi theo nghề đã lâu và rất ngoan là nhờ ông dạy bảo”- anh Phan Văn Thơi, ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, có cháu làm nghề nài ngựa, cảm kích. Nhiều lần tiếp xúc với các em ở trường đua, tôi tuyệt nhiên không nghe một tiếng chửi thề, văng tục.
Mỗi học trò là một cá tính, bởi lẽ ấy mà hàng chục năm nay, ông Trâm còn kiêm luôn trách nhiệm của một người cha, người ông. Nài nào chểnh mảng việc học là ông phát hiện ngay để kịp thời uốn nắn, động viên. Nài nào có biểu hiện bất tuân, thay vì la mắng trước lớp, ông kêu ra riêng một chỗ để hỏi chuyện. Cách giáo dục hết sức tâm lý ấy khiến ông luôn được học trò nể phục. Biết một số nài thất học dễ bị kẻ xấu mua chuộc, từ đó chơi xấu đồng nghiệp trên đường đua, ông luôn gần gũi các em để dạy bảo. Nài Phạm Văn Vũ ở Đức Hòa, tỉnh Long An bộc bạch: “Ông dạy tụi em rằng, nài giỏi phải thắng người khác bằng cái tài, cái tâm, chứ không phải do gian lận”. Với ông, sự trưởng thành của các nài về mặt nghề nghiệp lẫn đạo đức chính là hạnh phúc lớn nhất.
Theo Vĩnh Tùng / NLĐ
Bình luận (0)