Thi công quốc lộ làm mất đất sản xuất của dân

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
28/06/2018 10:35 GMT+7

Nhiều gia đình nông dân ở xã Phước Thuận (H.Tuy Phước, Bình Định) đang gặp rất nhiều khó khăn vì đất ruộng bị sa bồi, thủy phá không thể sản xuất suốt 2 năm qua.

Theo người dân thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận), trước kia, cánh đồng gần khu vực Cầu Đen ruộng đất rất phì nhiêu. Tuy nhiên, từ sau mùa lũ năm 2016 đến nay bị sa bồi, thủy phá gần hết, không thể sản xuất được. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc đắp đất để xây dựng tuyến QL19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến ngã ba cầu Bà Di trên QL1) làm thay đổi dòng chảy của lũ. Nông dân tại thôn Quảng Vân chỉ có nghề trồng lúa, nhưng ruộng đất không còn dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
“Trước kia, lũ chảy ra cả cánh đồng nhưng khi đắp QL19 mới thì dòng nước chỉ còn thoát ra khỏi mấy cái ống cống. Vậy là lũ chảy mạnh, các đám ruộng bên dưới dòng chảy bị thủy phá thành sông, thành ao sâu, còn các đám ruộng ở xa hơn thì bị bồi lấp không sản xuất được. Nhà tôi 3 người, được chia 2 sào ruộng nhưng bị lấp gần hết. Lớn tuổi rồi, chỉ có nghề nông nhưng ruộng không sản xuất đã 2 năm nay, nên bị đói”, bà Nguyễn Thị Phước (55 tuổi, ở thôn Quảng Vân) lo lắng.
Ông Lê Đức Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết do mưa lũ cuối năm 2016 và do ảnh hưởng từ tuyến QL19 mới đã làm thay đổi dòng thoát lũ gây ra tình trạng sa bồi, thủy phá ở khu vực Cầu Đen của người dân các thôn Quảng Vân, Phổ Trạch.
UBND H.Tuy Phước và UBND xã Phước Thuận đầu tư khoảng 300 triệu đồng để khắc phục nhưng ruộng đất chỉ còn sản xuất được 1 vụ trong năm, lại không hiệu quả. Mùa mưa lũ cuối năm 2017, khu vực Cầu Đen tiếp tục bị sa bồi, thủy phá.
UBND H.Tuy Phước hỗ trợ 160 triệu đồng và UBND xã Phước Thuận đầu tư 80 triệu đồng để khắc phục tạm thời sa bồi, thủy phá cho người dân sản xuất.
“Chúng tôi kiến nghị với cấp trên xem xét, xây bờ tràn để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, các chuyên gia của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đến khảo sát, đưa ra nhận định là có xây bờ tràn thì cũng bị xói lở, hư hỏng vì nằm ngay họng thoát lũ, phải tính toán lại phương án khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất cấp trên thu hồi lại khu vực đất ruộng bị thủy phá đã trở thành dòng chảy rồi bồi thường tiền cho người dân tự kiếm việc làm hoặc bố trí ruộng dự phòng của xã cho dân sản xuất”, ông Quang nói.
Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phước Trần Kỳ Quang cũng cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT tỉnh về tình trạng ruộng đất của người dân xã Phước Thuận không sản xuất được do sa bồi, thủy phá. Trong đó, UBND H.Tuy Phước đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định xem xét, hỗ trợ hơn 5,1 tấn gạo cho 56 hộ dân (115 khẩu) các thôn Quảng Vân, Phổ Trạch có ruộng đất không sản xuất được để ổn định đời sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.