Thời tiết tuần tới: Bắc - Nam chuyển mùa, miền Trung gia tăng khô hạn

21/04/2018 10:06 GMT+7

Những ngày gần cuối tháng 4, hai miền Bắc - Nam bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa , trong khi miền Trung mùa khô hạn ngày càng gay gắt và còn kéo dài đến tháng 8.

*Đề phòng đạo ôn, bạc lá, ốc bươu vàng hại lúa.
 Trong 3 - 4 ngày tới, áp thấp nóng phía tây lấn sang làm cho nhiệt độ tăng, ảnh hưởng trực tiếp gây ra đợt nắng nóng ở vùng Tây Bắc, riêng ở phía tây từ Thanh Hóa đến Quảng Bình nhiệt độ cao nhất 35 - 37oC, có nơi 38oC.
Còn các tỉnh phía đông nhiệt độ không quá cao nên trời mát, dễ chịu hơn, se lạnh về đêm và sáng sớm, có sương mù. Từ thừ ba đến thứ năm (24 - 26.4), sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về nén rãnh áp thấp xuống gây thời tiết xấu trên diện rộng, đặc biệt có thể lại xuất hiện những cơn giông mạnh kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố, lốc, mưa đá, có nơi mưa khá lớn và gió giật mạnh, nhất là ở vùng núi phía bắc. Đến cuối tuần mưa giảm và nhiệt độ tăng, nắng nóng trở lại.
Do trong thời kỳ chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường, mưa giông, nắng nóng và còn vài đợt lạnh yếu vào cuối mùa, nên tình hình sâu bệnh cả trên cây lúa và hoa màu có thể gây bất lợi ở miền Bắc. Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, đạo ôn lá đang phát sinh và gây hại mạnh, cần tăng cường theo dõi, phát hiện sớm để phun phòng trừ bệnh kịp thời nhằm chống lây lan sang vùng khác.

Miền Trung từ Thừa Thiên- Huế đến Ninh Thuận thời tiết tương đối thuận lợi hơn nửa phía bắc, nhưng tình hình khô hạn đang có xu hướng gia tăng, nguy cơ cháy rất cao. Do dòng chảy trên các sông giảm nhanh, hầu hết thiếu hụt so với bình thường từ 30 - 70%, khô hạn tiếp tục diễn ra tại một số địa phương, nhất là vùng nam Trung bộ.
Hình thái thời tiết ban ngày có lúc nắng nóng, sáng sớm và chiều tối se lạnh, có sương mù là điều kiện thích hợp cho sâu bệnh phát triển và gây hại, chú ý các đối tượng gây hại chính như đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, khô vằn, bạc lá.
Nam Tây nguyên và Nam bộ sẽ có mưa chuyển mùa vào chiều tối. Ban ngày tiếp tục nắng nóng và oi bức, miền Đông và các tỉnh ven biên giới ở miền Tây có nhiệt độ cao nhất 35 - 37oC, vài nơi có thể lên tới 38oC, thời gian nắng gay gắt nhất là từ 10 - 15 giờ, nhiệt độ ban đêm cũng có xu hướng tăng nên cảm giác nóng bức cho đến cuối ngày.
Độ ẩm đang tăng dần, lượng mây che phủ tăng làm cho cảm giác thêm oi bức, đây là đặc trưng của giai đoạn chuyển mùa. Đặc biệt lưu ý, chiều tối thường xuất hiện giông đầu mùa kèm theo sấm sét, lốc xoáy và gió giật có thể làm gãy đổ cây cối, tốc mái nhà, đứt dây diện… rất nguy hiểm.
Ngoài ra, có nơi xuất hiện mưa to, mưa đá hoặc vòi rồng trên diện hẹp. Do vậy, ngay khi thấy có mây giông kéo đến, trời sầm tối, gió rít và có tiếng sấm rền từ xa… thì phải lập tức tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong nước mưa giai đoạn này có chứa rất nhiều chất ô nhiễm (còn gọi là mưa a xít) nên tuyệt đối không sử dụng cho sinh hoạt.
Các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL đang tập trung cho việc gieo trồng, xuống giống vụ hè thu, cần lưu ý một số đối tượng sinh vật gây hại như ốc bươu vàng trong giai đoạn đầu vụ, giai đoạn lúa mới gieo sạ đến giai đoạn mạ nhất trên những chân ruộng trũng; bọ trĩ trên các trà lúa giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh...
Trong khi đó, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa giông tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở hầu hết các giống lúa và phát sinh mạnh vào giai đoạn lúa đòng - trổ, nhất là ở ruộng sạ dày và thừa đạm. Đây là điều bà con hết sức chú ý đề phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.