Thời tiết tuần tới: Miền Trung dần vào mùa mưa, Nam bộ có sương mù diện rộng

02/09/2017 18:08 GMT+7

* Đề phòng sâu bệnh ở vườn cây ăn trái Trong tuần từ ngày 2 - 8.9, thời tiết giảm mưa khá rõ trong hai ngày cuối tuần ở miền Bắc do áp thấp phía tây lấn sang, mưa tập trung ở khu vực tây bắc và vùng núi do hội tụ gió trên cao.

Cơn bão số 8 (Mawar) sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong khoảng trưa chiều ngày 3.9, sau đó sẽ suy yếu nhanh, nhưng không ảnh hưởng đến thời tiết trên đất liền nước ta. Qua tuần sau, rãnh áp thấp đi qua miền Bắc sẽ hoạt động mạnh dần nên thời tiết chuyển xấu hơn, mưa trên hơn nửa diện tích, có nơi mưa vừa mưa to và giông.
Miền Trung thời tiết khá tốt trong 3 - 4 ngày tới, nhiệt độ tăng nhẹ, vài nơi ở vùng núi nắng nóng cục bộ trên 35 độ C, mưa tăng dần vào cuối tuần sau. Như vậy miền Trung đang chuyển dần vào mùa mưa, hầu như chấm dứt hoàn toàn tình trạng nắng nóng khô hạn. Trong thời kỳ này thường có giông sét và lốc xoáy, chú ý phòng tránh.
Tây nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi gió tây nam có cường độ trung bình nên sáng nắng đến trưa, mưa tập trung về chiều tối, có lúc mưa vừa mưa to, trong cơn giông có khả năng xảy ra sấm sét và gió giật mạnh. Từ giữa đến cuối tuần sau gió tây nam sẽ suy yếu dần, mưa hơi giảm về diện, riêng các vùng ven biển ĐBSCL, miền Đông và TP.HCM vẫn có nơi mưa to. Trong 7 ngày tới, nhiệt độ Nam bộ dao động từ 24 - 34 độ C, độ ẩm cao 80 - 90% nên sáng sớm có sương mù trên diện khá rộng, ảnh hưởng đến tầm nhìn xa trên các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy.
Qua tuần sau, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên lại theo đợt triều cường giữa tháng 7 âm lịch. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, đến ngày 5.9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,04 m; tại Châu Đốc ở mức 2,62 m, các trạm vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đều dưới báo động 1. Lũ chính vụ ở vùng đầu nguồn ĐBSCL sẽ bắt đầu lên dần trong tháng 9 và đỉnh lũ được dự báo sẽ xuất hiện trong nửa đầu tháng 10, ở mức giữa báo động 2 và báo động 3. Do vậy, những vùng có diện tích lúa mùa có khả năng bị ngập khi lũ về, ngay từ bây giờ cần gia cố bờ, đê bao để giảm thiệt hại.
Ngoài ra, trong hai tháng tới là cao điểm mùa mưa ở Tây nguyên và Nam bộ, triều cường tăng cao dần nên tình hình ngập úng và sâu bệnh tăng. Đối với các vườn cây cam, quýt, đề phòng bệnh loét trên trái, lá, cành non do vi khuẩn gây ra nhất là ở các vườn trồng mật độ dày, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, hệ thống tiêu nước kém, vườn ẩm thấp…
Đối với các tỉnh vùng đầu nguồn, thời tiết mưa bão thường xuyên liên tục nên làm giảm khả năng chống chịu của cây lúa, cần bổ sung phân kali, silic để giúp cây lúa cứng cáp phòng tránh đổ ngã và sinh vật gây hại trong mưa ẩm tăng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.