Thức cùng người 27 năm không ngủ

26/03/2007 23:34 GMT+7

Ở đội Xung Kích, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có người đàn ông độc thân không hề chợp mắt ngủ 27 năm qua. Anh là Nguyễn Văn Kha. Một đêm thức cùng anh, chúng tôi hiểu thêm phần nào tình cảm và tâm tư của người đàn ông đặc biệt này...

Đêm cũng như ngày

Vượt 30 cây số, đến nhà anh khi trời đã nhá nhem tối. Một người đàn ông bước ra từ trong căn nhà nhỏ lạnh lẽo, tôi hỏi sao anh không bật đèn lên, anh cười bí ẩn. Ngôi nhà do anh và em trai dựng bằng gỗ rất chắc chắn, các khớp kèo được nối tỉ mỉ, chạm trổ hoa văn. Anh bảo: "Từ khi bố mẹ chuyển sang ở với em trai, mình thu bớt một gian, còn hai gian ở cho đỡ trống trải". Quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bố của anh đi bộ đội rồi ở lại làm kinh tế tại Nông trường Việt Trung sau đó đưa mẹ con anh vào luôn. Lúc đó anh mới hơn 2 tuổi. Vào Quảng Bình, mẹ anh sinh thêm 5 người con nữa.

Biết tôi ở lại, anh hồ hởi, nhưng: "Gạo hết rồi, chiều định đưa lúa đi xay mà muộn quá nên thôi. Đành mì tôm vậy!". Đêm ấy, chúng tôi tâm sự với nhau như hai người bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại, anh kể hết chuyện này sang chuyện khác, như người anh truyền đạt chuyện thế sự nhân gian cho người em.

Anh là lính pháo binh sư đoàn 304 từ năm 1977-1981, đóng quân ở nhiều nơi khác nhau. "Nếu đôi mắt không thâm quầng và lõm sâu thì nhiều người sẽ không tin tôi bị chứng không ngủ đâu. Nó bị thâm 10 năm trở lại đây. Cuối năm 1979, bắt đầu có triệu chứng khó ngủ. Đêm nằm mắt cứ cay xè, trằn trọc không ngủ được. Nhưng không báo cáo với đơn vị, mình nghĩ báo cáo sẽ phải đi khám này nọ phiền phức cho mọi người, mà nếu bệnh thật e ra quân sớm. Vài năm sau thì mất ngủ hẳn cho đến nay. Bây giờ chăm 2 sào lúa, 5 sào sắn, ngô và nuôi mấy con gà, đến mùa thì đi làm thợ mộc. Nói chung cũng đủ sống qua ngày " - anh tâm sự.

Ngồi nói chuyện, thỉnh thoảng anh lấy tay quẹt vào mắt. Anh nói làm như thế cho đỡ cay mắt, có khi cũng thành thói quen. Anh không hề ngáp do ngái ngủ, lúc nào làm việc mệt quá thì thấy cay mắt thôi. Buổi tối, xem ti vi đến khoảng 21 giờ là anh tắt đèn nằm nghỉ. Nếu cố nhắm mắt thì cũng chỉ được một thời gian rất ngắn lại thấy cấn khó chịu, phải mở mắt ra. Đến 4 giờ dậy nấu cơm nước, chuẩn bị cho một ngày mới. Anh đã đi chữa bệnh nhiều nơi, uống thuốc của nhiều người bán. Ai chỉ bày gì anh làm theo đó nhưng bệnh thì chẳng lành. Chỉ có điều anh hoàn toàn khỏe mạnh, không đau ốm gì.

22 giờ, xóm làng im ắng, anh nhất định đi tìm bóng đèn đã cất đâu đó để thay cho cái bóng đèn xe của tôi bị hỏng lúc đi lên. Tìm mãi không ra, anh tháo bóng ở chiếc xe của anh ra thay với lý do: "Thì cứ thử xem phải bị cháy bóng không, thay mai còn về Đồng Hới nữa chứ". Oái oăm thay, để lắp được bóng bình thường vào xe tôi thì phải "chế". Thế là hai anh em lạy cạy lục cục mở lắp.

Kim đồng hồ tích tắc từng giây. Thức đêm mới biết đêm dài, câu này quá quen thuộc với những ai hy hữu được thức đêm. Với anh, đêm cũng như ban ngày. Anh không có thói quen đếm thời gian trong ngày.

Chuyện kể kẻ si tình

Anh khá trẻ so với độ tuổi 49, gương mặt sáng với vầng trán cao, mái tóc dài giống như nghệ sĩ. Tôi khen, thời trẻ anh đẹp trai và phong độ lắm nhỉ. Anh chống chế "đẹp trai không bằng chai mặt". Vậy mà ít nhất có 5 cô gái các miền thích anh. Không chỉ vì anh đẹp trai mà còn đa tài, việc gì anh cũng biết và siêng năng. Nào là cô Hồng ở Đà Nẵng, 2 chị em làm nghề thợ may ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), cô Vinh ở tỉnh Hà Bắc cũ. "Quyết liệt" nhất là cô L. ở Hà Bắc.

Tôi hồi hộp nghe anh kể: “Làng đó tên Việt Hương, gồm những người từ Thái Lan trở về và một số người Hoa sinh sống. Đơn vị đóng quân ở đấy, ngày nghỉ mình thường ra giúp người dân làm việc, biết gì làm đó. Được một thời gian, cô L. tỏ ý thích mình, mình làm gì cô ấy cứ đứng một bên hay kiếm việc khác cùng làm để nói chuyện. Cô ấy hỏi quê mình có nhiều việc để làm không, con gái có xinh không... Mẹ cô bảo đi chỗ này chỗ kia thì cô nói chờ con tí, cuối cùng có đi đâu. Mà cô ấy đẹp, dáng người cao, đầy đặn. Mình làm bảo vệ nhà kho, mẹ của cô thường sai đứa em út mang đồ ăn cho, khi vài quả ngô, lúc nải chuối. Đứa em đứng bên kia tường rào gọi "anh ơi, mẹ bảo mang cái này cho anh" là mình biết có bồi dưỡng. Bà ấy có nói "cậu thích, nhà sẽ gả con gái cho cậu". Mình nghĩ, làm người lính, trước hết phải hoàn thành nghĩa vụ đã rồi mới tính chuyện bản thân nên thôi. Bây giờ, chắc cô ấy có cháu rồi ấy chứ”.

Tôi thắc mắc vì sao khi về quê anh không lập gia đình? Thoáng chút buồn, anh nói: "Mình mắc bệnh thế này nên không muốn làm khổ người khác, sinh con đẻ cái lại khổ chúng nó. Nhiều người khuyên có người vui buồn sớm hôm tốt hơn chứ, mấy lúc gia đình vui vầy, bố cũng bảo thế. Nhưng...". Anh bỏ lửng câu.

Một ngày không ngủ nữa trôi qua. Ra về, lại gặp ông Nghĩa -người hôm qua tôi hỏi đường vào. Ông kể thêm: "Anh ấy bị bệnh không ngủ được, tội lắm, trong làng có việc gì, anh là người kiêm nhiều vai trò nhất. Nào là giữ cái này, bảo vệ cái kia. Ai xây nhà, anh nhiệt tình giúp không lấy tiền công". Cầu mong cho anh mạnh khỏe, ngôi nhà và bếp lửa của anh ấm cúng hơn khi có bàn tay người đàn bà...

Kiến Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.