Thưởng thức laksa ở Singapore

18/08/2009 18:00 GMT+7

(TNTS) Tới Singapore, nhảy lên taxi mà kêu chở ra Katong là thế nào bác tài cũng sẽ giới thiệu cho một loạt món ăn “chết cũng phải thử” ở khu này.

Laksa là món ăn truyền thống của người Peranakan, thường được xem là món ăn họp mặt gia đình trong những ngày cuối tuần. Có 2 loại laksa chính: curry laksa với nước dùng là nước cốt dừa nấu cà ri, khá giống cà ri Việt Nam và assam laksa với nước dùng từ cá nấu chua. Assam là nguyên liệu chính tạo ra mùi vị chua nhẹ đặc trưng của assam laksa. 

Cả hai loại laksa về cơ bản khác nhau ở nước sốt. Nếu như assam laksa có vị chua nhẹ, khi ăn phải kèm theo dưa leo xắt sợi rắc lên bề mặt, dùng kèm với sa tế tôm cay xè đặc biệt của Malaysia, thì curry laksa lại có vị ngọt và béo của nước cốt dừa. Ngày nay trên đất Singapore có rất nhiều quán laksa, mỗi quán có một phong cách riêng với cách nêm nếm vị cà ri  và nước cốt dừa khác nhau, nhưng nếu laksa mà không có sò huyết và rau răm thái nhỏ phơi khô rắc lên trước khi dội nước cà ri đang sôi sùng sục vào, thì nhất định không còn là laksa nữa.

Quán laksa đầu tiên tại Singapore, là quán 328 Katong Laksa nằm tại số 51-52 East Coast Road. Dù là quán đầu tiên, có từ đầu thế kỷ 20, nhưng tới giờ vẫn còn tồn tại và được xem là quán laksa ngon nhất tại Singapore. Quán có cái tên 328 là tại vì hồi xưa nó nằm ở căn nhà số 328 Joo Chiat Road. Sau Thế chiến II, chủ quán dời đến khu Katong, định cư hẳn và phát triển thương hiệu lớn mạnh cho tới bây giờ, vượt biên giới Singapore có mặt tận New York (Mỹ).

Laksa 328 hay ở chỗ cái gì cũng có đủ, nhưng cái gì cũng vừa phải, ngay cả đến nước cà ri ngán đến vậy, mà ở đây làm cũng rất thanh, ngọt nhẹ, béo nhẹ, nhưng vẫn khá đậm đặc và thơm lạ lùng. Nghe nói nước laksa chính gốc phải nấu từ nước hầm tôm, chả cá, sốt tôm Peranakan, curry gravy và laksa sauce cô đặc. Laksa không có rau, mà chỉ có giá, được trộn chung với bún sợi to, chả cá thái sợi, tôm nõn tươi, sò huyết tươi, được để lên bề mặt sao cho khi dội nước curry đang sôi sùng sục vào, thì tôm và sò cũng vừa chín tai tái, nhai sần sật, và ngọt lừ. Laksa không nêm bằng hành hay ngò, mà chỉ được rắc một ít rau răm thái nhuyễn như bột, đem phơi khô, khi ăn chỉ cho một lượng vừa phải, kèm theo sa tế tôm được xào từ ớt bột và sốt tôm Peranakan.

Laksa ở 328 không sử dụng đũa. Dù có xin kiểu nài nỉ “chú ơi cho con đôi đũa” thì chủ quán cũng miễn cưỡng lắm mới đưa đũa cho bạn, tại vì kiểu ăn laksa chính gốc, người ta không dùng đũa. Hỏi sao kỳ vậy, ăn bún mà không ăn đũa lấy gì gắp bún? Thì ăn bằng thìa thôi. Việc này bắt đầu từ một câu chuyện khẩu truyền từ xưa. Ở cái quán laksa này, hồi mà nó còn là cái quán tồi tàn xập xệ số 328 Joo Chiat road, có một vị quan chức cải trang thường dân đi ăn laksa. Thật ra đi ăn laksa không có gì phải xấu hổ mà phải cải trang làm gì cho khổ, nhưng vị này có một thú thưởng thức laksa rất bình dân, là ăn bún mà cứ quăng đũa sang một bên, lấy thìa húp xì xụp xì soạp, tới khi trong tô chỉ còn nước thì bưng lên húp cho sạch sẽ luôn thể. Một lần đi ăn, ông vừa quệt mồm đứng lên, thì có một tên người hầu ở đâu chạy đến lạy bẩm ông về mau bà đang tìm. Thế là bà con mới nhận ra ông này là quan. Sẵn vừa tức vừa quê, ông ra một mệnh lệnh là sau này ai mà ăn laksa chỉ được ăn với thìa, thế mới thấm hết được cái tinh hoa của nước cà ri! Vậy mà hay, ăn bằng thìa, khi vừa ăn xong thì trong tô nước cà ri cũng cạn sạch, chỉ còn việc quệt miệng đứng lên vươn vai khoan khoái.

Phan Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.