Thượng tọa Thích Thiện Chiếu: 'Đốt vàng mã Rằm tháng Bảy là mê tín!'

08/08/2016 09:02 GMT+7

Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) khẳng định đốt vàng mã trong Rằm tháng 7 là việc làm lãng phí và mê tín.

Để báo hiếu các bậc sinh thành thì tốt nhất hãy làm nhiều việc thiện.
Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm tháng Bảy là ngày “Xá tội vong nhân” và “Vu Lan báo hiếu”. Trong những ngày này, đa phần người dân quan niệm phải đốt vàng mã các loại từ nhà lầu, xe hơi đến thật nhiều tiền âm phủ. Tuy nhiên, thầy Thích Thiện Chiếu cho biết đốt vàng mã là mê tín và lãng phí.
Tháng Vu lan để làm việc thiện
Theo thầy Thích Thiện Chiếu, nhiều người Việt quan niệm "dương sao âm vậy" nên trong dịp Rằm tháng Bảy thường đốt vàng mã các loại từ nhà lầu, xe hơi đến giấy tiền âm phủ cho các bậc sinh thành đã mất để thể hiện lòng thành kính.
Thế nhưng, Phật giáo không khuyên rằng mọi người phải đốt vàng mã để báo hiếu vì khi đốt những thứ này hóa thành tro, người âm sẽ không nhận được. Đốt vàng mã vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí và là việc làm rất mê tín.

Theo tinh thần Phật giáo, đạo hiếu Vu lan tức là biết lo lắng cho tất cả mọi người xung quanh, giàu lòng vị tha và chăm sóc cho nhau. Cuộc sống cần phải có tâm hướng thiện. Trong tháng này, ai có tín ngưỡng có thể đi chùa nhiều hơn hoặc bằng các việc làm cụ thể, giúp đỡ cộng đồng

Thầy Thích Thiện Chiếu

Từ sự tích bồ tát Mục Kiều Liên cứu mẹ đã dạy chúng ta rằng, nếu muốn ông bà, cha mẹ được siêu thoát thì phải thật tâm làm việc thiện để thay cha mẹ giải những nghiệp xấu khi còn sống. Vì vậy, trong những ngày này, mọi người thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã để đốt hãy làm những việc thực tế hơn, đó là mang số tiền đó giúp đỡ cho những người ăn xin, khó khăn. Đó mới là báo hiếu ông bà, cha mẹ.
“Theo tinh thần Phật giáo, đạo hiếu Vu lan tức là biết lo lắng cho tất cả mọi người xung quanh, giàu lòng vị tha và chăm sóc cho nhau. Cuộc sống cần phải có tâm hướng thiện. Trong tháng này, ai có tín ngưỡng có thể đi chùa nhiều hơn hoặc bằng các việc làm cụ thể, giúp đỡ cộng đồng”, thầy Thích Thiện Chiếu giải thích.
Thầy Thích Thiện Chiếu cũng cho rằng, việc cài hoa hồng trên ngực áo trong ngày Vu lan như một cách để mọi người tôn vinh và ghi nhớ công ơn trời biển của cha mẹ. Cánh hoa hồng tượng trưng cho sự yêu thương bao la của mẹ, những gai trên thân cây hoa hồng tượng trưng sự gai góc, hy sinh thầm lặng của cha. Người còn mẹ sẽ đeo hoa hồng đỏ vì màu đỏ là màu của máu, của sự hy sinh, tôn vinh; người mất mẹ sẽ đeo hoa hồng trắng như một sự tưởng nhớ.
Ngoài ra, Thạc sĩ (Th.S) Dương Hoàng Lộc (Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - một người nghiên cứu Phật giáo) cũng cho biết phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp Vu lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này, nhất là để con cái nhớ về cha mẹ mình, dù còn hay mất.
Không có gì phải kiêng kỵ trong tháng “cô hồn”
Trong tháng cô hồn, mọi người hay nói với nhau về 18 điều kiêng kỵ và 13 điều nên làm, thế nhưng thầy Thích Thiện Chiếu Khẳng định trong Phật giáo, những điều kiêng kỵ là không đúng.
Thầy Thích Thiện Chiếu nói: “Không có sự kiêng kỵ gì trong tháng Bảy âm lịch, thậm chí còn phải biết những ngày này để cúng hay đọc kinh để họ được siêu thoát”.
Th.S Dương Hoàng Lộc nói thêm, phong tục cúng cô hồn ở mỗi vùng mỗi khác, đó là sự khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên, mâm cúng cô hồn thì bắt buộc phải có cháo trắng nấu loãng vì Phật giáo cho rằng cô hồn ngạ quỷ có yết hầu nhỏ như lỗ kim nên chỉ ăn được cháo loãng mà thôi. Ngoài ra, người ta còn cúng thêm muối, gạo, hạt nổ, bánh kẹo,…
Nhiều người đi lễ chùa trong tháng 7 âm lịch
Nhiều người đi lễ chùa trong tháng Bảy âm lịch Ảnh minh họa: V.P
Dịp này ở các chùa thường tổ chức nghi thức Trai đàn chẩn tế để bố thí thực phẩm, vật dụng cho cô hồn ngạ quỷ, đồng thời cho họ thính pháp văn kinh để nhờ đó hiểu lẽ vô thường của cuộc đời mà nhanh chóng siêu thoát: “Hễ ai lấy Phật làm lòng, Bỗng dưng siêu thoát ở trong luân hồi” như trong Văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đã nói.
"Trong Phật giáo, mục đích cúng cô hồn là để cho những vong linh được "thọ tài hưởng thực, thính pháp văn kinh, tốc xả u đồ, siêu sanh lạc quốc"  tức cho họ trước được ăn uống để khỏi đói khát và sau thì nghe kinh được siêu thoát", Th.S Lộc cho biết.
Mâm cúng Rằm tháng Bảy của đồng bào Việt kiều tại Thái Lan
Mâm cúng Rằm tháng Bảy của đồng bào Việt kiều tại Thái Lan Ảnh: Minh Quang
Điều này thể hiện tinh thần từ bi nhà Phật là thương xót những vong linh không nơi nương tựa nên rằm tháng bảy là dịp để giúp đỡ, cứu vớt họ. Tuy nhiên, dân gian cúng cô hồn để mong cho cô hồn sau khi ăn uống xong sẽ không còn quấy phá dương gian.
Đặc biệt, tháng Bảy âm lịch là tháng mưa nhiều làm cho trời đất âm u, buồn bã nên người ta dễ liên tưởng rằng có sự ảnh hưởng của các thế lực cõi âm đến cõi dương gian, trong đó có cô hồn ngạ quỷ. Cho nên, trong tháng Bảy âm lịch, nhiều người kiêng cưới gả, kiêng mua bán nhà đất, kiêng xây cất nhà cửa,…vì sợ không tốt.
Cũng theo Th.S Lộc, phong tục cúng cô hồn ngày nay có khác hơn trước do đời sống kinh tế của con người ngày càng khấm khá hơn, làm ăn buôn bán càng lớn thì càng sợ rủi ro sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc.
Vì vậy, trong tháng này, nhất là thời điểm sau rằm, người ta bày mâm cúng cô hồn trước nhà phổ biến hơn trước. Nhiều gia đình, công ty, xí nghiệp kinh doanh thì cúng rất lớn có cả heo quay, gà vịt quay và rất nhiều vàng mã. Mâm cúng ngày trước thì đơn giản hơn, chỉ có trái cây, cháo loãng, một ít muối gạo, nước, vàng mã.

Vì sao tháng 7 mưa nhiều?

Ngày xưa, trong khu rừng sâu có một cái giếng không bao giờ cạn, các nàng tiên trên trời thường xuống đây bơi lội. Một ngày, có chàng trai đốn củi đi lạc vào đây, mê mẩn trước vẻ đẹp của các nàng, chàng trai giấu đi một bộ cánh ở trên bờ để giữ một nàng ở lại làm vợ mình.

Không lâu sau, vợ chàng sinh được một đứa con trai. Đến khi con trai lên ba, chàng có việc đi xa trong một thời gian. Ở nhà, nàng tìm được bộ cánh và bay về trời.

Người chồng trở về biết chuyện, đau buồn, con trai vắng mẹ khóc ngày đêm. Hai cha con đi xuyên qua rừng sâu đến giếng tiên rồi được một bà tiên giúp đỡ gia đình đoàn tụ. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đến khi chia xa, người vợ cột hai cha con vào sợi dây và cái trống rồi dặn xuống tới nơi thì đánh trống để nàng cắt dây.

Đang xuống nửa đường thì đứa bé đòi ăn, cơm vương vãi trên mặt trống. Đàn quạ bay ngang thấy vậy bèn mổ lấy mổ để từng hạt cơm trên mặt trống. người vợ nghe tiếng trống tưởng hai cha con đã xuống tới nơi nên cắt dây, hai cha con rơi xuống biển cả. Biết lỗi do mình, đàn quạ bay lên trời kêu vang thảm thiết nên Ngọc Hoàng biết chuyện.

Hiểu tình cảnh của gia đình, Ngọc Hoàng hạ lệnh cho cha con lên trời giao cho việc chăn trâu bên kia bờ sông Ngân, người ta gọi là chàng Ngưu còn bên này bờ, ả Chức ngày ngày dệt vải. Mỗi năm Ngọc Hoàng chỉ cho hai vợ chồng gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng Bảy. Từ đó, cứ đến ngày mùng bảy tháng Bảy, trời thường rỉ rả mưa phùn, người ta gọi là mưa Ngâu và cho rằng đó là những giọt nước mắt của vợ chồng trong ngày gặp.

(Lược theo Ả Chức, chàng Ngưu trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi, NXB Giáo dục, 2000, tr.1412)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.