Thưởng trà ở "quán ông già"

03/04/2006 21:49 GMT+7

Uống trà vốn được xem là để tu tâm, dưỡng tính, tâm hồn sẽ được rộng mở trong sáng hơn. Uống trà còn là cái thú tao nhã của thi nhân mặc khách, mời nhau thưởng hương trà vừa xem hoa quỳnh nở, vừa chờ trăng lên...

Hà Nội hiện có tới hàng trăm, hàng ngàn quán nước chè cóc vỉa hè. Những quán trà ngon thì dù ở trong các ngóc ngách vẫn có nhiều người tìm đến uống. Có một quán trà vỉa hè bé nhỏ đã mạnh dạn mở hẳn một trang web giới thiệu về quán, đó là "Lư trà quán" - hay được gọi bởi cái tên dân dã: "quán ông già" nằm trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc đông đúc dân cư. Lư trà quán ra đời năm 1990, dưới chân cầu thang khu nhà tập thể chẳng lấy gì làm vuông tròn, vỏn vẹn chỉ có 5m2. Dưới nền đất, nơi pha chế trà cho khách có 2 bếp than, một bếp để luộc chén, một bếp để đun nước sôi. Khách đến uống trà ngồi trên chiếu hoặc ngồi bên những chiếc bàn ghế mộc do chính chủ quán tự đóng lấy. Vậy mà hằng đêm có từ 150 đến 200 thực khách đến uống trà, chủ yếu là sinh viên các trường đại học. Khách đến Lư trà quán dần quen với lịch uống trà: thứ hai trà sen, thứ ba trà nhài, thứ tư trà cúc, thứ năm trà thanh hường, thứ sáu trà anh đào, thứ bảy trà hồng đào. Từ một quán cóc vỉa hè, Lư trà quán mới có thêm một địa điểm với không gian hoàn toàn mới mẻ. Nếu không thích ngồi chiếu, bạn có thể chọn những chiếc lều xinh xinh, có treo những dòng thư pháp.

Theo lời kể của anh Khánh, con trai cả của cụ Lư thì Hà Nội hiện có 3 quán trà cùng một mục tiêu khôi phục và lưu giữ văn hóa trà Việt, đó là Lư trà quán, Danh trà và quán trà của cụ Trường Xuân. Cách pha trà của 3 quán khá giống nhau. Bước khởi đầu được gọi là châm trà, người pha trà dùng một chiếc thìa bằng tre xúc trà vào ấm (chiếc ấm pha trà và


Một góc Lư trà quán

chén uống trà được làm bằng đất nung). Động tác này được người xưa gọi là "Ngọc diệp hồi cung". Tiếp theo là rót nước đun sôi vào ấm, nhưng nước pha trà không phải là nước đun sôi 100% mà được đun nhỏ lửa. Nhiệt độ lý tưởng để pha được trà ngon là nước sôi lăn tăn khoảng 70 đến 80 độ là vừa. Khi rót nước sôi vào ấm phải theo nguyên tắc rót từ thấp lên cao (được gọi là “Cao sơn lưu thủy”), tức là rót từ từ rồi mạnh dần nhằm các cánh chè được giãi đều. Động tác đó còn thể hiện phong cách đàng hoàng, từ tốn của người pha trà, không phải là người thô tục.

Cái riêng của Lư trà quán là khi châm trà bao giờ cũng rót nước sôi lên nắp ấm để làm nóng toàn bộ ấm trà và cánh chè  được chín đều. Khi trà chín, các chén uống trà được để sát vào nhau, và phải rót đều một vòng các chén- các cụ xưa gọi động tác này là "Quan công đi tuần". Việc để các chén gần nhau thể hiện một nét văn hóa của người Việt, đó là lối sống quần cư, nương tựa vào nhau của cộng đồng người Việt. Và khi rót các chén trà đều nhau là để các chén trà có được độ đậm như nhau. Nghệ thuật thưởng trà rất độc đáo. Khi đón trà từ tay người pha trà, thực khách dùng 2 ngón tay để sát miệng chén, ngón tay thứ 3 đỡ dưới đáy chén (động tác này được gọi là "Tam long giá ngọc"). Thưởng trà là phải thưởng từ hương đến vị. Đầu tiên, chén trà được đưa qua trái, qua phải miệng, hít vào mũi hương thơm rất riêng của trà, sau đó hớp một ngụm trà, rồi hớp một lượt nữa, toàn bộ khứu giác và vị giác của người thưởng trà sẽ được kích hoạt.

Khâu lựa chọn và sao chế trà cũng rất quan trọng. Trà ngon là trà 1 búp 2 lá. Khi sao khô, sợi trà cong lên gọi là trà móc câu, sợi trà phải bông lên như có tuyết phủ. Miền Bắc có nhiều vùng trà ngon như Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Lư trà quán đã đầu tư mua hẳn một lô đất ở Đại Từ - Thái Nguyên để quản lý nguyên liệu, từ canh tác, thu hái đến sao chế, bảo đảm trà sạch và ngon. Vì vậy mà một ấm trà ở đây đắt hơn nhiều nơi khác 15.000 đồng/ấm. Đắt nhưng xắt ra miếng đấy! Bạn hãy thử một lần ghé vào “quán ông già”, ngồi xổm trên chiếc ghế gỗ mộc thấp lè tè, chiêu một ngụm trà nóng đựng trong chiếc cốc hạt mít bằng đất nung đỏ, vị chát đến tê lưỡi qua đi, bạn sẽ cảm nhận được dư vị ngòn ngọt của những cánh trà nơi cuối lưỡi. Dư vị ấy sẽ mãi còn đeo đuổi bạn, như một giấc mơ, một nỗi nhớ..., và đó chính là hồn của văn hóa trà Việt.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.