Tiền chồng, tiền vợ quản thế nào - Kỳ 2: Khổ như... chồng Hồi giáo

02/06/2016 20:32 GMT+7

Thỉnh thoảng, vợ buồn thì có thể mua chiếc túi xách trị giá vài ngàn đô, trong khi tiền nhà, tiền ăn, tiền mặc của cả gia đình, tiền học hành của ba đứa con thì chồng phải lo.

Nếu các ông chồng Việt còn than thở về trọng trách trụ cột tài chính trong gia đình, thì khi nhìn sang những người đàn ông ở các quốc gia Hồi giáo sẽ thấy mình vẫn còn may mắn.
Hai anh bạn thân của tôi tại Anh gồm một đến từ Ả Rập Saudi, một từ Niger đều lần lượt chia sẻ về chuyện tài chính của mình. Câu nói “Tiền anh là của em còn tiền em cũng là của em” hoàn toàn đúng trong các gia đình Ả Rập Saudi hay Niger.
Khi kết hôn, người đàn ông trong các quốc gia này phải đảm bảo một khoản tiền sính lễ đáng kể theo yêu cầu nhà gái, có nhà cửa sẵn sàng để đón nàng về, nàng được ăn uống đầy đủ và quần áo tươm tất. Tóm lại, ba thứ mà người đàn ông Ả Rập phải chu cấp cho vợ gồm nhà, thức ăn và quần áo.
Đương nhiên, nếu có con thì chi phí nuôi con cũng thuộc về người chồng. Shutterstock
Đương nhiên, nếu có con thì chi phí nuôi con cũng thuộc về người chồng. Hiện nay, nhiều người vợ ở các quốc gia này đều có trình độ tốt (ba nữ nghiên cứu sinh trong khoa của tôi tại Anh đều là người Ả Rập Saudi trong khi nam nghiên cứu sinh chỉ có một), họ có thể kiếm được tiền.
Tuy nhiên, nguyên tắc chồng phải lo toàn bộ tài chính gia đình vẫn không có gì thay đổi. Anh bạn tôi nói rằng, 10 năm kết hôn, anh chưa bao giờ biết vợ có bao nhiêu tiền và cũng không có quyền hỏi hay thắc mắc.
Thỉnh thoảng, chị ấy buồn thì có thể mua chiếc túi xách trị giá vài ngàn đô, trong khi tiền nhà, tiền ăn, tiền mặc của cả gia đình, tiền học hành của ba đứa con thì anh phải lo.
Khi sang Anh du học, mang theo cả gia đình, chị vợ của anh là giáo viên tại Ả rập Saudi phải nghỉ việc. Mặc dù chỉ mình anh được nhận học bổng nhưng nhà nước vẫn trả lương cho chị bằng mức lương của anh được nhận khi du học để bù đắp cho việc chị ‘hy sinh’ theo chồng.
Đương nhiên, phần tiền này cũng như khi chị ở trong nước, nó thuộc về chị và chị không có nghĩa vụ chia sẻ với chồng. Gần đây, chị muốn đi học tiếng Anh vì ở nhà chăm con thấy buồn. Tiền học sẽ được chính phủ Ả Rập Saudi trả, nhưng tiền thuê người trông con lúc chị đi học thì chồng phải trả.
Anh bạn phải nhờ chúng tôi tìm giúp ai đó trông trẻ với giá thấp nhất vì dù học bổng của anh gấp 4 lần tôi thì anh vẫn chật vật. Chị vợ vẫn thản nhiên giữ tiền của mình để chi xài cá nhân và anh ấy cũng không có phàn nàn gì. Đây gần như là “chân lý” đối với dân tộc này nên không có ai phải băn khoăn.
Gần đây, chị muốn đi học tiếng Anh vì ở nhà chăm con thấy buồn. Tiền học sẽ được chính phủ Ả Rập Saudi trả, nhưng tiền thuê người trông con lúc chị đi học thì chồng phải trả. Shutterstock
Anh bạn người Niger cũng tương tự. Anh tâm sự, rất sợ phải đi mua sắm cùng vợ vì khi cô ấy thích món gì, trước mặt người bán hàng, anh không thể từ chối được. Nếu vợ cần mua sắm quần áo và giá tiền không vượt quá số tiền anh đang có trong túi thì anh sẽ phải đồng ý mua.
Nguyên tắc “nhà, thức ăn và quần áo” được thực thi nghiêm túc. Vợ anh cũng là nhân viên một công ty và kiếm được khá nhiều tiền nhưng anh “cấm được hỏi” về thu nhập của cô ấy và “cấm thắc mắc” khi cô ấy khuân về nhà lủ khủ quần áo, giày dép, túi xách đắt tiền.
Đàn ông các quốc gia này đều có quyền lấy đến 4 người vợ nhưng cả hai anh đều không màng tới “đặc ân” khi nghĩ đến thực tế trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.