Tiến sĩ đi làm thợ mộc

27/11/2016 09:01 GMT+7

Có bằng tiến sĩ Hán Nôm, nhưng rồi anh trở về làm mộc với kế hoạch phổ biến những mẫu đồ gỗ thờ tự thuần Việt.

Đó là tiến sĩ Đoàn Trung Hữu, hiện là chủ doanh nghiệp mộc mỹ nghệ Phước Huệ tại Huế. Nghe chúng tôi quan tâm đến việc một tiến sĩ đi làm thợ mộc, anh Hữu cười: “Mình chỉ đưa ra mẫu mã, sản phẩm cho thợ, thuyền làm thôi. Cầm cái đục chưa nổi nói chi đến làm thợ”.
Vốn xuất thân từ cái nôi học thuật của Phật giáo xứ Huế, anh Hữu có một vốn kiến thức phong phú về Phật giáo, chữ Hán.
Trong thời gian từ năm 2000 đến 2010, anh đã tham gia cộng tác với nhóm dịch thuật Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (TP.HCM) chủ trương. Cùng thời gian này, anh cũng tìm tòi nghiên cứu về phong thủy, dịch học và theo học lớp cao học Hán Nôm tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Năm 2015, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hán Nôm ở Viện Hàn lâm KHXH VN.
Ban đầu, anh chỉ đơn thuần là người mê chơi, thích sưu tập những tác phẩm gỗ lũa, tranh gỗ và sáng tác mỹ thuật trên gỗ. Từ đam mê, kiến thức đã học kết hợp với lý thuyết phong thủy anh đã ứng dụng để đưa vào nghề mộc mỹ nghệ truyền thống.
Mới lạ từ sen
Tâm sự về duyên phận với nghề mộc, anh Hữu chia sẻ: “Nghề thợ mộc mỹ nghệ, từ xưa tới nay đối với các kiến trúc gỗ, đồ thờ tự và đồ gia dụng các nghệ nhân vẫn đời này qua đời khác tuân thủ những khuôn mẫu có sẵn và chịu ảnh hưởng lớn của dấu ấn văn hóa Trung Hoa. Cụ thể là các hoa văn họa tiết, dù đã được Việt hóa nhưng vẫn không thể rời xa các khuôn mẫu của bộ ô hộc tứ linh: long, lân, quy, phụng (rồng, lân, rùa, chim phụng); tứ quý: mai, lan, cúc, trúc…
Với xứ Huế, các nghệ nhân tinh thông các nghề mộc, chạm, khảm vẫn nối tiếp nhau giữ nghề. Nhưng họ chỉ quanh quẩn với những mẫu thông thường, phổ biến. Ít ai có cơ hội bay bổng, thỏa sức sáng tạo với nghề…”. Anh trăn trở: “Bàn thờ của người Việt nhưng đi đâu cũng nhìn thấy bóng dáng Trung Quốc, nên mình quyết "thoát Trung" từ đồ gỗ thờ tự”.
Từ suy nghĩ đó, anh đã sáng tạo ra những mẫu tủ, bàn thờ… với trang trí ô hộc theo mô típ văn hóa Phật giáo và văn hóa VN từ các thời Lý, Trần... đến Nguyễn để tạo ra những mẫu tủ thờ, tượng, bàn thờ, án, ngai, bát nhang, đèn theo văn hóa Việt và tín ngưỡng của từng gia đình.
“Người Việt từ lâu đã gắn bó với hoa sen. Văn hóa Việt cũng thấm đẫm hương vị hoa sen, nhưng trong các mẫu tủ, bàn thờ người Việt rất ít ai đưa hoa sen vào. Nhận thấy được điều này, mình đã dùng những mẫu cách điệu sen đưa vào các ô hộc mà trước đó người ta vẫn thường dùng bộ tranh tứ thời, tứ quý như: mai, lan, cúc, trúc, ngư tiều canh mục... Và mẫu tủ thờ sử dụng hoa sen cách điệu đã trở nên nhẹ nhàng thanh thoát một cách kỳ lạ”, anh Hữu cho biết.
Cùng với việc sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới lấy mô típ của văn hóa phong phú của VN, cơ sở mộc của anh đã tận dụng tối đa các tinh hoa nghề truyền thống như các nghề chạm, khảm mộc của Huế, kết hợp với sơn mài, sơn son thếp vàng, bạc của làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) để làm nên các sản phẩm độc đáo, được khách hàng ưa chuộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.