Liên tục trong những năm gần đây, sức mua tại các chợ truyền thống luôn trong tình trạng năm sau giảm mạnh so với năm trước, trong khi tại các hệ thống siêu thị doanh thu luôn duy trì ở mức tăng từ 15% - 25%/năm. Ngoài sự tiện lợi, giá cả ổn định và các chương trình khuyến mãi dày đặc đã trở thành thế mạnh thu hút người tiêu dùng ở TPHCM.
200 siêu thị
Tính đến năm 2011, TPHCM đã có hơn 200 siêu thị lớn nhỏ tại các quận, huyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Theo đó, các cửa hàng tiện ích cũng tăng gấp 4 lần, với các hệ thống như Shop & Go có 47 cửa hàng, Co.op Food có hơn 20 cửa hàng…
Vào giữa năm 2011, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng bắt đầu “tấn công” vào loại hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi dưới tên gọi Satramart. Tại nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã hình thành và phát triển mạnh chuỗi các cửa hàng tiện lợi kết hợp với giới thiệu sản phẩm, trong đó thành công nhất là Công ty Vissan đã có đến gần 80 cửa hàng, kinh doanh rất hiệu quả.
Tính trên giá trị, kênh mua sắm hiện đại (gồm trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị) tại TPHCM đã đạt khoảng 35% doanh thu bán lẻ, tăng hơn gấp đôi so với mức 15% vào năm 2002, cao hơn mức bình quân 21% của cả nước. Ngược lại, số lượng chợ truyền thống tại TPHCM từ trên 300 chợ (năm 2005), nay chỉ còn gần 200 chợ. Những con số này cho thấy, thói quen mua sắm của người tiêu dùng TP đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ các kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại.
Đại diện một công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng TP đã tăng mức chi mua hàng trong siêu thị từ 627.000 đồng/năm (năm 2005) lên mức trên 1,419 triệu đồng/năm (năm 2010) và gần 1,5 triệu đồng (năm 2011). Theo đó, có 3 lý do khiến người tiêu dùng vào siêu thị ngày càng nhiều hơn ra chợ chính là sự tiện lợi, an toàn cho sức khỏe và thỏa mãn đam mê mua sắm. Kết quả khảo sát trên 1.000 người tại TPHCM cho thấy, 80% số người có thói quen đi siêu thị mua sắm mỗi tuần so với mức 12% cách đây 10 năm.
Phát triển nhãn hàng riêng
Bằng kinh nghiệm từ thực tế, giám đốc thu mua của một hệ thống siêu thị phân tích, có 3 yếu tố quan trọng có tính chất quyết định đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay. Đó là sự tiện lợi, giá tương đối ổn định do nguồn hàng dự trữ trong thời gian dài, sự chọn lựa và chất lượng hàng hóa. Sự tiện lợi tại các siêu thị không chỉ là không gian mua sắm thoáng mát, hàng hóa phong phú, đa dạng dễ chọn, trưng bày bắt mắt, cùng với đó là hàng loạt các dịch vụ đi kèm như dịch vụ giao hàng tận nơi, bán hàng qua mạng, thanh toán qua thẻ, gửi xe miễn phí... đã tạo sức hút rất lớn đối với khách hàng.
Trong tình hình giá cả leo thang, mỗi siêu thị ngoài việc đa dạng hóa nguồn hàng còn liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá trực tiếp vào các sản phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Lượng hàng bán trong các siêu thị ngày càng đa dạng, phong phú, từ 20.000 - 30.000 mặt hàng đã tăng lên 50.000 - 60.000 mặt hàng. Nhiều siêu thị đã lấn át vai trò chợ truyền thống, người tiêu dùng không chỉ mua những sản phẩm có giá trị, thực phẩm tươi sống mà còn có thể mua được cả cây kim sợi chỉ...
Ưu thế của các siêu thị không chỉ thể hiện qua giá bán cạnh tranh mà còn chủ động phát triển chuỗi các mặt hàng nhãn riêng. Tại Co.opMart, hiện đã có hơn 500 sản phẩm mang nhãn hàng riêng Co.op, giá rẻ hơn bình quân từ 5% - 10% so với sản phẩm cùng loại. Để có được mức giá này, ngoài việc ứng vốn trước cho đối tác, siêu thị không tốn các chi phí để quảng bá sản phẩm mới nên hạ được giá bán.
Tương tự, Công ty Vissan nhờ có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm nên đã mạnh dạn đặt hàng các đối tác sản xuất những sản phẩm tiêu dùng có nhu cầu để đưa vào hệ thống bán lẻ. Tất cả các sản phẩm này đều mang thương hiệu Vissan, từ marketing đến định giá bán đều do công ty này quyết định. BigC cũng đã hợp tác với gần 50 DN khác nhau tham gia vào việc sản xuất nhãn hàng riêng bán với giá rẻ hơn từ 5% - 30% so với hàng cùng loại trên thị trường.
“Việt Nam còn nhiều cơ hội, tiềm năng cho các nhà bán lẻ thế giới tìm đến do dân số đông, sức mua lớn và ổn định. Đến thời điểm này, thị trường bán lẻ tại Việt Nam chưa có cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là ở kênh bán lẻ hiện đại. Hiện có khá nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Rào cản lớn nhất của các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam không phải là những quy định pháp lý, mà là giá mặt bằng ngày càng đắt đỏ”
Pascal Billaud, Tổng Giám đốc BigC Việt Nam |
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)