TP.HCM quyết liệt thu hồi hơn 3.254 tỉ đồng nợ BHXH

19/06/2019 09:00 GMT+7

Tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp ở TP.HCM còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện hơn 3.254 tỉ đồng, trong đó có hơn 345 tỉ đồng nợ khó thu.

Tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp truyền thông giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM và cơ quan báo chí 6 tháng đầu năm 2019, ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.HCM) cho biết cơ quan này đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong 6 tháng đầu năm 2019, số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt hơn 30.334 tỉ đồng, tăng 4,41% so với cùng kỳ 2018.

Doanh nghiệp còn nợ hơn 3.254 tỉ đồng BHXH

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, số nợ BHXH, BHYT, BHTN còn hơn 3.254 tỉ đồng. Trong đó, số tiền nợ dưới 1 tháng là 1.407 tỉ đồng và có hơn 345 tỉ đồng nợ khó thu.
Để thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN đạt hiệu quả, BHXH TP đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH TP; ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, thậm chí cả cơ quan công an để tiến hành kiểm tra, thanh tra về BHXH, BHYT, đồng thời thư mời các đơn vị nợ từ 3 tháng có số tiền lớn lên đôn đốc nhắc nhở.
“Chúng tôi cũng thông báo danh sách đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng và nợ từ 300 triệu đồng trở lên đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời gửi thư mời 385 đơn vị với tổng số tiền nợ là 207,5 tỉ đồng (nợ từ 3 tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng) lên đôn đốc nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Tính đến hết tháng 6.2019 có 126 đơn vị khắc phục với tổng số tiền 105,2 tỉ đồng”, ông Mến thông tin.
Ngoài ra, BHXH TP đã chuyển hồ sơ đến công an TP đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với 10 đơn vị đã được thanh tra chuyên ngành năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục theo các quyết định xử phạt, kết luận thanh tra và vẫn tiếp tục nợ quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện, trong số các đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên và nợ từ 300 triệu đồng (tính đến ngày 31.5.2019) ở TP.HCM, Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) “đội sổ” khi số tiền nợ lên đến hơn 29,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (H.Củ Chi) còn nợ hơn 28,9 tỉ đồng.
Người dân làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM
Người dân làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM
Ngoài ra các doanh nghiệp nợ BHXH từ 8 tỉ đồng trở lên còn có: Công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam (Q.3, nợ hơn 15,5 tỉ đồng); Công ty TNHH Vinh Thùy (Q.3, nợ hơn 13 tỉ đồng); Công ty CP xây dựng công nghiệp (Descon) (Q.1, nợ hơn 13 tỉ đồng); Công ty TNHH J-TEX VINA (Q.9, nợ hơn 10 tỉ đồng); Công ty TNHH Chợ Lớn Taxi (Q.1, nợ hơn 10 tỉ đồng); Công ty TNHH dệt kim Fenix (Việt Nam) (Q.Thủ Đức, nợ hơn 9,9 tỉ đồng); Công ty CP dược phẩm Pha No (Q.Phú Nhuận, nợ hơn 9,8 tỉ đồng); Công ty CP TV TM DV địa ốc Hoàng Quân (Q.Phú Nhuận, nợ hơn 9,8 tỉ đồng); Công ty CP Rossano (Q.Bình Tân, nợ hơn 9,5 tỉ đồng); Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (Q.2, nợ hơn 8,8 tỉ đồng); Công ty TNHH keo Hwa Vina (H.Hóc Môn, nợ hơn 8,3 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV đóng tàu 76 (Q.4, nợ hơn 8,2 tỉ đồng); Công ty TNHH kỹ thuật Hòa Hiệp (Q.Tân Bình, nợ hơn 8 tỉ đồng)…

Tập trung thu hồi nợ, phát triển đối tượng BHXH

Ông Phan Văn Mến khẳng định, từ đây đến cuối năm, BHXH TP xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, từ đây đến cuối năm 2019, BHXH TP sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó tập trung khai thác số lao động tại các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ theo dữ liệu ngành thuế cung cấp; phối hợp với bưu điện phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Phấn đấu đến cuối năm đạt chỉ tiêu số người tham gia theo kế hoạch được BHXH Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ giao.
“Thứ hai, chúng tôi sẽ tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ; tiếp tục thông báo số phải đóng BHXH, BHYT, BHTN vào ngày 25 hằng tháng đến các đơn vị sử dụng lao động biết để nộp kịp thời vào ngày cuối cùng của tháng. Thực hiện gửi thư nhắc nợ hằng tháng, chuyển danh sách các đơn vị nợ sang Sở Công thương và ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp để phối hợp đôn đốc nhắc nợ; phấn đấu số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến cuối năm dưới 2% số kế hoạch thu”, ông Mến cho hay.
Người dân làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời các vướng mắc có liên quan đến quyền lợi của nhân dân và người lao động.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó tập trung vào việc thực hiện quy trình thanh tra toàn diện theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, thanh tra tự động đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN; đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức thanh tra đột xuất, ngoài giờ hành chính tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường hoặc có biểu hiện lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Thứ năm, đổi mới và đẩy mạnh công tác truyền thông vào các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, hộ gia đình và người dân trên địa bàn dân cư, nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT 6 tháng cuối năm; tăng cường thực hiện giám định điện tử, giám định chuyên đề; kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Phối hợp với Sở Y tế họp giao ban định kỳ để thông báo kịp thời tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh được giao, những vấn đề còn tồn tại cần chấn chỉnh.
Thứ bảy, giải quyết kịp thời, đúng chính sách cho người thụ hưởng các chế độ BHXH, thực hiện kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có số chi trợ cấp ốm đau, thai sản lớn; phối hợp với bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng thường xuyên, một lần; Tăng cường quản lý chi trả theo quy định của BHXH Việt Nam.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian giao dịch của doanh nghiệp xuống còn 45 giờ theo chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam.
 
Tăng cường phối hợp với báo chí tuyên truyền chính sách BHXH
Tại hội nghị, Giám đốc BHXH TP.HCM khẳng định: “Sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH và các cơ quan báo chí đã giúp việc tuyên tuyền, phổ biến chính sách, chế độ BHXH đem lại hiệu quả cao. Báo chí đã góp phần giúp cho chính sách BHXH ngày càng hoàn thiện, đi vào thực tiễn và có những ảnh hưởng tích cực đến người lao động trên địa bàn TP.
“Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN đến nhân dân là một nội dung quan trọng trong kế hoạch của cơ quan BHXH”, ông Mến nói.
 
Hàng chục ngàn học sinh, sinh viên không tham gia BHYT
Tính đến ngày 31.12.2018, TP.HCM có 1.724.019 học sinh, sinh viên (HS, SV) tham gia BHYT. Tuy nhiên, ông Mến cho biết, tính đến tháng 6.2019, số HS, SV tham gia BHYT đã giảm gần 85.000 HS, SV so với tháng 12.2018. “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến số lượng HS, SV tham gia BHYT giảm mạnh. Thứ nhất, vào cuối năm 2018 là kết thúc năm tài chính, HS, SV không tham gia BHYT lại. Thứ hai, HS cuối cấp hoặc cuối khóa cũng không tham gia BHYT khiến số lượng sụt giảm”, ông Mến thông tin.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động để đối tượng này hiểu về lợi ích của BHYT. Đồng thời cũng đã ký các văn bản liên tịch với ngành giáo dục để phát triển đối tượng HS, SV tham gia BHYT. Chúng tôi có mục tiêu rõ ràng từ đây đến cuối năm, BHXH TP phát triển thêm 110.000 HS, SV tham gia BHYT. Nếu trường nào số HS, SV có BHYT thấp thì hiệu trưởng trường đó coi như không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Mến khẳng định.
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tăng cường thực hiện công tác BHYT HS, SV đến hết năm 2019 phải đảm bảo đạt 100% HS, SV tham gia BHYT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.