Trang sức từ động vật hoang dã: Đeo vào đẹp ‘mã’, nhưng tâm có đẹp?

01/12/2020 08:00 GMT+7

Sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã vào các mục đích tâm linh vị kỷ không đem lại sự bình an, may mắn hay thể hiện đẳng cấp cho người sử dụng như họ vẫn tưởng.

“Tôi từng là nạn nhân của những lời quảng cáo, bịa đặt về tác dụng siêu nhiên của động vật hoang dã, bỏ ra hàng triệu đồng chỉ để nhận về con số 0”, chị Hoàng Thị M (TP.HCM) chia sẻ trong một buổi trò chuyện.
Hai năm trước, một lần người bà con lên thăm, chị tâm sự chuyện kinh doanh bấp bênh, người này đã mách chị mua vòng ngà voi để mang lại may mắn.
“Ban đầu còn do dự, nhưng nghe chị này kể nhiều về tác dụng thần sầu, nào đường làm ăn hanh thông, hàn gắn tình cảm vợ chồng. Tôi bị thuyết phục”, chị M. kể. Sau cái gật đầu đồng ý, chị M. nhận được món đồ gửi về từ Krông Na, Buôn Đôn chỉ sau vài tuần. Mãi sau này đọc nhiều tin tức về các vụ buôn bán trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, thực trạng động vật bị giết chóc dã man, bất giác chị giật mình. Rõ ràng chiếc vòng kia chẳng giúp ích gì như lời đồn, mọi vấn đề đều phải do bản thân giải quyết.
“Động vật hoang dã cũng chỉ là động vật hoang dã, chiếc vòng ngà thì cũng chỉ là một chiếc vòng thôi. Tôi không đụng vào nó lần nào nữa”, chị M. cho biết.
Nạn nhân như chị M. ngày nay không ít, nhất là giới kinh doanh thường có khuynh hướng tin vào các vật phẩm phong thủy, trang sức hay thực phẩm làm từ bộ phận của động vật hoang dã. Họ chẳng tiếc công săn lùng, sẵn sàng chi tiền mạnh tay để được sở hữu chúng. Có lẽ các hành vi gây hại cho động vật hoang dã tiếp tục diễn ra cũng do vẫn còn người tin vào những lời truyền miệng vô căn cứ như chị M. Nhu cầu cao khiến giá bán của các sản phẩm cũng theo đó bị đẩy lên trời.
Anh L., từng là chủ một cửa hàng đồ lưu niệm, trang sức từ động vật hoang dã, hiện đã chuyển sang kinh doanh thức uống chia sẻ: “Chỉ cần nâng giá trị ảo của con vật lên, càng nhiều người tin thì loài vật này càng cao giá. Khéo nói một chút là bán được hàng, chứ làm gì có ai chứng minh ngà voi mang lại hôn nhân viên mãn, hay vảy tê tê được sử dụng trong y học để chữa ung thư thành công đâu?”.
Không có vẻ đẹp nào được làm nên từ sự chết chóc của giống loài khác

Không có vẻ đẹp nào được làm nên từ sự chết chóc của giống loài khác

Từng làm nghề vì cái lợi trước mắt, nhưng từ khi biết mỗi sản phẩm đều thành hình từ cái chết tàn nhẫn của động vật, anh L. nhiều đêm trằn trọc vì ám ảnh lương tâm. Anh quyết định bỏ nghề vì sợ quả báo, “Đâu cần trực tiếp giết hại, nhập về bán, mua về xài cũng là cổ xúy chuyện săn bắn, cũng tiếp tay giết hại chúng rồi. Đều ác cả”, anh L. nói.
Nhằm thay đổi những tư tưởng và hành vi sai lệch hình thành bởi niềm tin vô căn cứ này, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện hai video ngắn như lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đến toàn xã hội. Video là hoạt động truyền thông thuộc khuôn khổ dự án “Ngưng tạo nghiệp” vừa được triển khai, lên án mạnh mẽ những kẻ vì quan niệm mê tín, thiếu văn minh đã tiếp tay gây ra cái chết tàn nhẫn cho nhiều động vật hoang dã.

Người phụ nữ đeo chiếc vòng ngà tưởng đẹp đẽ nhưng phải trả giá bằng đôi tay lở loét

“Video được thực hiện dựa trên quan niệm nhân - quả, mục đích cảnh tỉnh những đối tượng đang có xu hướng mê tín mù quáng mà không biết mình đang tiếp tay cho tội ác. Dù khá mới mẻ, chúng tôi tin đây là bước tiếp cận hiệu quả bởi tính gần gũi của nó với văn hoá tâm linh của người Việt”, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chia sẻ, “Tất cả những nỗ lực để bảo tồn động vật hoang dã sẽ là vô ích nếu không có sự cam kết và hành động quyết liệt từ phía các đối tượng sử dụng”.
Bộ ảnh truyền thông của chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã từ USAID và CITES Việt Nam

Bộ ảnh truyền thông của chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã từ USAID và CITES Việt Nam

Sử dụng màu sắc và âm thanh đầy ám ảnh, video khắc họa rõ nét quả báo đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của những-kẻ-tạo-nghiệp như người phụ nữ đeo vòng ngà voi, người đàn ông thưởng thức món ăn từ thịt tê tê phải hứng chịu. “Mua một ngà voi, nhận một quả báo - Mua thịt tê tê, nhận một quả báo” xuất hiện cuối video chính là thông điệp từ chiến dịch: Hậu quả có thể không đến ngay nhưng sẽ đeo bám, ám ảnh cả đời, đến lúc nhận ra hành vi sai trái của mình thì cũng đã quá muộn.
Chiến dịch khẳng định việc sử dụng động vật hoang dã vào các mục đích tâm linh không đem lại may mắn và đẳng cấp như người ta tưởng. Từ đó kêu gọi mọi người chấm dứt hành vi độc ác, các doanh nghiệp, cơ quan cùng hành động để tình trạng tiêu thụ trái phép động vật hoang dã được chấm dứt triệt để, trả lại sự sống cho chúng và sự cân bằng vốn có của hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng hành cùng tổ chức USAID và CITES Việt Nam ký tên cam kết không tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã: https://bit.ly/baoveDVHD
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.