Trẻ em té lầu tử vong, cha mẹ phải cảnh giác những lan can chung cư

Để tạo thẩm mỹ cho nhà cao tầng, chung cư nhiều người đã hạ thấp chiều cao lan can hoặc lắp thêm thanh ngang cho đẹp mắt. Đây chính là những mối nguy cho tính mạng của trẻ em trong nhà khi cha mẹ một thoáng sơ sẩy.

Thời gian gần đây, nhiều vụ trẻ em bị té từ lan can chung cư và nhà cao tầng xuống đất bị chấn thương nặng hoặc tử vong khiến người dân hoang mang. Mới đây nhất là trường hợp của em H.V.N.M (3 tuổi) bị té từ tầng hai xuống và bị hai thanh sắt hàng rào xuyên từ sau ra trước ngực.
Em M. nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, mạch khó bắt, vật vã, máu chảy nhiều. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một trong những mối nguy hiểm rình rập trẻ em ở nhà cao tầng, chung cư. 
May mắn, cháu bé đã được các bác sĩ cứu sống một cách kỳ diệu và hôm nay có thể khỏe mạnh xuất viện. Tuy nhiên việc trông chừng trẻ nhỏ và cảnh giác trước các lan can chưa bảm đảm an toàn 100% tại các chung cư thì luôn là điều mà các cha mẹ phải luôn ghi nhớ. 
Mất bò mới… cho làm chuồng
Đầu tháng 11, chúng tôi quay lại chung cư Bình Khánh (phường An Phú, quận 2) - nơi xảy ra vụ bé T. (5 tuổi) rơi từ tầng 15 xuống đất tử vong vào tháng 8.2014, nhiều người dân vẫn không khỏi bàng hoàng mỗi khi kể lại sự việc đau lòng đã qua.
Căn hộ của bà Hạnh lắp lưới an toàn sau vụ tai nạn thương tâm Ảnh: Phạm Hữu
Bà Hạnh (cư dân lô F, chung cư Bình Khánh) nhớ lại: “Chiều hôm ấy, anh P. đi đón cháu lớn nhưng đóng cửa để cháu T. ở trong nhà. Đến khi về không thấy con đâu, anh P. đi tìm rồi hốt hoảng khi nhìn thấy con mình nằm bất động ở thảm cỏ dưới đất. Ở ban công có thêm một cái bàn và chuyện đau lòng xảy ra”.
“Sau vụ này, ban quản lý chung cư mới cho các nhà lắp lưới an toàn ban công chứ trước đâu có chịu. Nhà tui cũng có con nít nên lắp ngay sau vụ tai nạn luôn chứ trước hễ lắp là ban quản lý lên tháo rồi nói là làm mất mỹ quan chung cư”, bà Hạnh cho biết. Hiện một số hộ có con nhỏ tại chung cư này đã lắp lưới an toàn ban công.
Nhiều hộ khác tại chung cư Bình Khánh cũng lắp lưới an toàn vì nhà có trẻ nhỏ Ảnh: Vũ Phượng
Chị Lương Thị Băng Tâm, ngụ block B1, chung cư Tecco Green Nest (phường Tân Thới Nhất, quận 12) cho biết ban quản lý chung cư không đồng ý cho lắp lưới an toàn ở các tầng thấp. “Cái gì cũng có quy định nhưng riêng việc này ảnh hưởng đến tính mạng con người nên theo tôi cần phải bàn tính lại sao cho phù hợp”, chị Tâm đề nghị.
Mối nguy hiểm rình rập trẻ em
Theo ghi nhận, nhiều nhà cao tầng và chung cư cũ ở TP.HCM có chiều cao lan can chưa đáp ứng yêu cầu an toàn cho trẻ. Cụ thể như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), chung cư 234 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh),... lan can đều trong tình trạng xây kín bằng bê tông, bằng sắt hoen gỉ và chiều cao chưa tới 1 m.
Chiều cao của lan can các chung cư cũ thường chưa tới 1 m Ảnh: Phạm Hữu
Chị Nguyễn Minh Phương (ngụ chung cư 537 Phạm Văn Đồng) chia sẻ, vì nhà có hai con nhỏ, sợ lúc các con vui đùa không may té ngã nên chị đã lắp lưới an toàn cố định luôn phần lan can. “Lắp lưới an toàn thì an toàn thật nhưng cũng rất lo ngại nếu chẳng may có cháy nổ. Vậy nên chỉ có cách là ban quản lý cho làm lại hết lan can thì mới vừa đẹp lại an toàn”, chị Tâm góp ý.
Nhiều nhà cao tầng cũng lắp đặt lan can bằng những thanh sắt ngang tạo thành bậc thang cho đẹp nhưng không biết rằng trẻ có thể bám tay và trèo lên. Ngoài ra, tại một số chung cư và nhà cao tầng, người dân có thói quen để chậu cây kiểng. Đây cũng được xem là một hiểm họa không riêng gì với trẻ em mà toàn bộ cư dân ở các tầng thấp và sân vui chơi.
Đẹp = nguy hiểm
Kiến trúc sư (KTS) Đặng Cao Quốc Việt (Công ty tư vấn thiết kế xây dựng UTA.A) cho biết, về việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng lan can chung cư cũng như nhà cao tầng đều phải theo quy định chung của pháp luật.
Đối với xây dựng lan can nhà phố phải có chiều cao từ 1 – 1.2 m. Còn ở những nhà cao tầng phải có độ cao trên 1.4 m, phải ngang tầm ngực của người lớn để không gây ra nguy hiểm khi có người đứng ở lan can.
Nhiều nhà cao tầng lắp đặt lan can mà chưa chú ý đến sự an toàn của trẻ nhỏ Ảnh: Vũ Phượng
Về hình dạng lan can có rất nhiều loại. Ví dụ lan can là kính cường lực thì ở phía bên trên phải có thanh xà để chịu lực. Hay ở những nhà cao tầng người xây dựng còn sử dụng lan can sắt, khi sử dụng thanh sọc thì mỗi thanh chỉ được cách nhau không quá 120 mm. Vì nếu vượt qua khoảng cách đó đầu của trẻ em có thể chui lọt qua được và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
“Khi thiết kế, xây dựng không được đặt các thanh sắt lan can nằm ngang vì trẻ em có thể bám vào đó và trèo lên”, KTS Việt nhấn mạnh. Ngoài ra, khi thiết kế sáng tạo lan can hay chủ đầu tư yêu cầu về mặt thẩm mỹ nhất định vượt ra khỏi tiêu chuẩn cho phép thì người thiết kế phải tư vấn với chủ đầu tư về mức độ nguy hiểm.
Theo thạc sĩ, luật sư Võ Công Hạnh (Giám đốc Công ty Luật Công Khánh, Đoàn luật tỉnh Thừa Thiên Huế), nhiều vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng các em nhỏ khi bị rơi từ ban công nhà cao tầng xuống đất khiến chúng ta giật mình, đau xót mà nguyên nhân chủ yếu do chiều cao lan can không được xây dựng đúng theo quy định.
Mặc dù, Bộ xây dựng đã có quy định cụ thể và khá chặt chẽ về quy chuẩn về chiều cao lan can nhưng chủ đầu tư khi xây dựng vì các lý do khác nhau đã vi phạm quy chuẩn này.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành như: Lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở ga-ra ôtô.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Đối với vụ việc trẻ em bị rơi từ lan can xuống gây tử vong cần xác định rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp chủ đầu tư khi xây dựng đã vi phạm quy định về quy chuẩn về chiều cao lan can thì sẽ bị xử lý như theo Khoản 7 Điều 16 Nghị định 121/2013/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu TNHS theo điều 229 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 “Tội vi phạm quy đinh về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đồng thời phải thực hiện việc bồi thường dân thiệt hại cho phía nạn nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.