Trống cây, trống trải nghiệm

06/09/2019 09:00 GMT+7

Các đô thị đang được mở rộng với tốc độ chóng mặt, cùng với đó là sự sụt giảm ghê gớm của mật độ cây xanh. Sẽ là một thiệt thòi cho thế hệ trẻ khi cơ hội trải nghiệm cùng cây đang dần bị mai một.

Những đô thị “khát” màu xanh

Sài Gòn xưa gắn với hình ảnh những “con đường có lá me bay” (thơ Diệp Minh Tuyền). Phố phường Hà Nội thật đẹp với khoảnh khắc “mùa thu xào xạc lá rơi” (thơ Hoàng Minh Tuấn)... Nhưng những khoảng xanh thơ mộng từng vào thơ ca ấy đang lặng lẽ nhường chỗ cho các công trình hiện đại.
Tốc độ đô thị hóa của các thành phố lớn diễn ra nhanh chóng. Chỉ riêng TP.HCM, mỗi năm đón khoảng hơn 200.000 cư dân mới; đô thị phình to nhưng đất cho công viên, cây xanh tính trên đầu người thì ngày càng teo tóp.
Rất nhiều người Sài Gòn từng cảm thấy hụt hẫng khi hàng cây trăm tuổi đường Tôn Đức Thắng (Q.1) bị bứng hạ, lấy đất phục vụ dự án metro, để lộ ra con phố dài là những mảng bê tông khổng lồ. Hay cách đây vài năm, người Hà Nội thảng thốt khi cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh bị đốn hạ để trồng cây mới.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM tại “Hội thảo quốc tế định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025” do UBND TP.HCM tổ chức (14.8.2019), tính đến cuối năm 2018, thành phố có 491,16 ha đất công viên, diện tích đất công viên cây xanh đạt bình quân 0,49 m2/người.
Con số này quả còn cách rất xa so với tiêu chuẩn VN (công viên cây xanh phải đạt 12 - 15 m2/người). Theo quy hoạch, các khu đô thị mới đều có phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người, tuy vậy, hầu như trong tình trạng... đất chờ cây. Với tốc độ đầu tư công viên cây xanh như hiện nay (1,54 ha/năm), thì TP.HCM phải mất... 6.500 năm nữa mới phủ xanh hết gần 10.000 ha đất công viên còn lại (!).

Cây xanh: cái hồn phố thị

Không chỉ đóng vai trò lá phổi xanh, cây còn là cái hồn của phố phường. Cây, từ bao đời nay, góp phần ghi dấu những ký ức về đời sống đô thị tươi xanh. Những buổi trưa hè đi dưới tán ô xanh, hay những góc công viên mát rượi tràn đầy tiếng chim và tiếng trẻ nô đùa. Khi phố vắng cây, cuộc sống không chỉ ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn, mà còn để lại trong mỗi chúng ta khoảng thiếu hụt lớn.
Những trải nghiệm cùng cây xanh ngày càng hiếm hoi với trẻ thành thị

Những trải nghiệm cùng cây xanh ngày càng hiếm hoi với trẻ thành thị

Nếu trước kia các gia đình có thói quen đưa con đi công viên, thì giờ đây nơi vui chơi của trẻ thành thị phần lớn bị đóng hộp trong các quán cà phê máy lạnh, siêu thị, nhà sách. Nhiều gia đình ao ước có được khoảng xanh ở gần nhà, để trẻ có cơ hội chạy chân trần trên bãi cỏ, người lớn đi dạo, hít thở bầu không khí tươi mát dưới bóng cây. Hay đơn giản để ta có khoảnh khắc ngước nhìn bầu trời xanh qua kẽ lá, hay cúi xuống nhặt chiếc lá vàng.
Cũng không sai khi được ai đó cho rằng thiếu cây xanh là một mất mát lớn cho đời sống cư dân đô thị. Và vấn đề cây xanh càng “nóng” hơn trước thảm họa cháy rừng Amazon vẫn chưa được khắc phục, hay những tác hại biến đổi môi trường diễn ra hằng ngày.
Phải chăng đã đến lúc ta phải hành động để lấy lại màu xanh cho đô thị, trước khi mọi việc trở nên quá trễ?
Đô thị khác nông thôn chính là ở chỗ, mỗi cây xanh trên phố khi trồng khi chặt đều được tính toán cẩn thận, nhất là những hàng cây gần trăm năm tuổi, trở nên quen thuộc gắn bó với bao thế hệ cư dân đô thị Sài Gòn, Hà Nội. Hàng cây trên phố đâu phải như loài cây tạp trong vườn nông thôn mà khi cần trồng rau hay cơi nới nhà cửa có thể đốn chặt vài cây? Quản lý đô thị mà tư duy coi cây xanh “chỉ là cây” nên cho rằng, để có thành phố hiện đại, giao thông hiện đại thì việc chặt cây mở đường cũng là bình thường, cần như vậy!
Điều đó phản ánh tư duy “cơi nới” trong quy hoạch đô thị và xây dựng hạ tầng: mở đường ở đâu chặt cây ở đó. Khi người dân phản ứng thì tạm dừng rồi lại chặt và “di dời”. Người dân cũng không biết người nào, cơ quan nào sẽ giám sát đảm bảo việc di dời, chăm sóc cây là có thật chứ không chỉ có trên kế hoạch?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.