Trung thu trên... giường bệnh

Như Lịch
Như Lịch
23/09/2018 09:33 GMT+7

Do bệnh tật, hoàn cảnh gia đình... khiến nhiều bệnh nhi không chạm tới hoặc không được hưởng trọn vẹn cái tết trung thu .

Liên tục trong các ngày từ 18 - 22.9, Nguyễn Văn Phước Thiện (8 tuổi, quê ở Hậu Giang) phải vô hóa chất điều trị căn bệnh ung thư tuyến thượng thận. Từ sáng sớm, Thiện theo cha vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để truyền thuốc và trở về xóm trọ lúc ban đêm. Đây là năm thứ tư, mùa trung thu lại về bên những cơn đau triền miên của cậu bé Phước Thiện...
Lặng lẽ xóm trọ “ung bướu”
Gần như quanh năm suốt tháng đưa con đi khám và điều trị những bệnh mạn tính, không ít người dân ở xa buộc phải thuê phòng trọ xung quanh một số bệnh viện.
Phòng trọ của cha con bé Nguyễn Văn Phước Thiện nằm trong hẻm số 5 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh, gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Hai năm qua, cha con Thiện sống cùng bốn gia đình bệnh nhi khác trong căn phòng khoảng 20 m2, với giá 500.000 đồng/gia đình.
9 giờ tối 21.9, từ bệnh viện, cha con Thiện về đến phòng trọ. Cậu bé gầy gò, xanh xao kể như mếu: “Hôm nay con đi truyền thuốc, cũng bị ói và chóng mặt như mấy ngày trước”. Trong khi hai cha con Thiện tắm rửa, bà Trần Thị Thùy Trang, mẹ của bé Trương Hữu Thắng (quê An Giang, bị ung thư máu) - ngụ cùng phòng - vội bật bếp gas mini hâm đồ ăn. Bà Trang cho biết: “Hồi chiều ba Phước Thiện nhờ tụi tui ghé chợ mua giùm ít thịt bò về xào cải thìa bồi dưỡng cho thằng bé. Tội nghiệp, mấy ngày nay Thiện vô hóa chất, vật vã lắm!”.
Vừa đút cơm cho con, anh Nguyễn Văn Hữu Phước (27 tuổi), cha của Thiện chảy nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình mình. Bốn năm nay, Thiện (con đầu) mắc bệnh ung thư, đã phải cắt bỏ một quả thận và trải qua hơn chục đợt hóa trị. Gần đây, cậu bé còn phải sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị viêm gan siêu vi B. Đứa con thứ hai (3 tuổi) thì bị động kinh, ngày nào cũng phải uống thuốc. Vợ chồng anh vốn làm công nhân may, nhưng từ khi Thiện bị bệnh, anh Phước bỏ việc chạy theo lo cho con...
Anh Phước cho hay: “Mấy bữa rày, trong bệnh viện người ta chộn rộn tổ chức trung thu cho các cháu. Thằng Thiện cũng được phát lồng đèn và quà bánh. Nó muốn chạy nhảy lắm, nhưng năm nào cũng trúng đợt vô thuốc, phải nằm chèm bẹp một chỗ. Còn nhỏ em nó ở quê, tiền ăn tiền uống thuốc còn không có, nói chi đến chuyện xa vời”.
Ba tuổi, cậu bé Trương Hữu Thắng hầu như chưa nói được gì ngoài mấy chữ “Ui cha! Đau quá!” trong mỗi bận truyền hóa chất. Tính đến nay, Thắng đã trải qua 18 lần hóa trị. Dự kiến ngày 24.9, cậu bé sẽ bước vào đợt điều trị mới. Trong vài món quà trung thu Thắng được tặng, cậu bé tỏ ra thích thú với con thú nhồi bông hình cá heo màu xanh xinh xắn.
“Trung thu năm rồi, nó bị sốt lạnh, ở suốt trong phòng trọ. Dạo này, nó hay ho và ói, tui không dám cho nó ra ngoài thường xuyên. Nhưng thấy nó quá “ham” trung thu, cuối tuần này tui hứa dẫn sang bệnh viện cho nó coi văn nghệ”, mẹ của Thắng bộc bạch.
“Từ trước đến nay, chưa khi nào con có dịp vui chơi trung thu!”, cô bé Huỳnh Ngọc Vân (10 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế), tạm trú tại xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi, TP.HCM tâm sự. Mắc hội chứng thực bào máu, nhiều năm qua, Vân gần như “định cư” tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2... Ông Khánh, ba của Vân nhìn nhận chi phí điều trị cho bé tốn gần 200 triệu đồng/năm. Do vậy, vợ chồng ông đầu tắt mặt tối lo xoay xở, không có điều kiện để ý đến Tết Trung thu hay sinh nhật của con.
San sẻ yêu thương
Vào mùa trung thu, một số đơn vị, cá nhân hảo tâm tìm đến những bệnh viện tổ chức vui chơi, tặng quà cho bệnh nhi.
Chiều 20.9, nhiều bệnh nhi Khoa Ung bướu huyết học (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) háo hức tham gia chương trình Vầng trăng yêu thương, do những tình nguyện viên “Ước mơ của Thúy” thực hiện. Trong đó, một số em đang truyền dịch cũng nằng nặc đòi cha mẹ đưa đến chơi. Nhận được quà, phụ huynh và các em treo những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu lên cây truyền dịch, trông vừa ngộ nghĩnh vừa xót xa.
Trong khi đó, tại khoa cấp cứu, ý niệm về Tết Trung thu là cái gì đó dường như mơ hồ và xa xôi đối với những phụ huynh đang để hết tâm trí và sự lo toan bên đứa con bé bỏng của mình. Thế nhưng, có những nghĩa cử bất ngờ khiến họ chợt xốn xang...
Chị Bùi Thị Thanh Thuận (ngụ ở xã Ea Bung, H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết suốt 5 tháng nay, chị túc trực bên con gái nhỏ Đặng Thị Thanh Mai, 1 tuổi, bị loạn sản phổi, phải thở máy. Chị Thuận bộc bạch: “Ở suốt trong này, nhiều khi mình không phân biệt được thời gian, không biết hôm nay là ngày mấy, tháng nào... Vừa rồi, có một người san sẻ cho cái bánh trung thu. Mình sực nhớ đứa con gái lớn 3 tuổi của mình ở quê chưa từng biết Tết Trung thu là gì, nên mình để dành gửi về cho cháu”.
Suốt 30 năm sống trong các phòng bệnh nhiều hơn ở ngoài đời, chị Ôn Tuyết Hằng (quê Bến Tre, tạm trú tại Q.11, TP.HCM) cho hay tuổi thơ của chị không biết đến Tết Trung thu. Theo chị Hằng, khi ba chị còn sống, ông thường bảo: “Mua bánh trung thu, sinh nhật làm gì cho tốn tiền. Tiền đó để tao nuôi mày trong bệnh viện”. Đến năm 19 tuổi, lần đầu tiên, chị tham gia tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em xóm ghe ở Q.8, trong vai trò một tình nguyện viên.
Mặc dù mang nhiều bệnh như bị ung thư gan di căn sang phổi, u xương cánh tay, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi túi mật..., chị Hằng vẫn dành tâm sức giúp đỡ một số bệnh nhi nghèo. Chị chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi nghĩ mình không có trung thu là thiệt thòi. Nên khi lớn lên, tôi muốn hoán đổi nỗi buồn của mình bằng niềm vui của mấy bé”.
Từng chết đi sống lại bốn lần, với chị Hằng, điều quý giá chị mong muốn có được trong cuộc đời là sức khỏe, được yêu thương và làm những việc hữu ích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.