'Từ đáy lòng, tôi luôn coi bệnh nhân là người nhà của mình'

04/10/2017 09:02 GMT+7

“Từ đáy lòng mình, tôi luôn coi bệnh nhân là người nhà của mình. Hàng trăm lần tôi vẫn nói như vậy”, giáo sư Nguyễn Anh Trí , nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, chia sẻ.

Ngày 2.10, hình ảnh cả nghìn bác sĩ, bệnh nhân òa khóc chia tay giáo sư - Viện trưởng Nguyễn Anh Trí khi ông nghỉ hưu gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng và những người được chứng kiến. Trước đó, cũng có cả nghìn lượt chia sẻ bài viết của ông trên trang facebook cá nhân khi ông kêu gọi bà mẹ bỏ con tại Viện hãy quay lại đón con mình.
Trò chuyện với các phóng viên vào tối 3.10, ông chia sẻ: “Chiều tối trước hôm tôi chính thức nghỉ hưu, có 5 - 6 cháu bệnh nhân chạy ùa ra gọi “Ông Trí, ông Trí sắp nghỉ hưu”. Tôi nghe các cháu gọi mà muốn khóc. Kỷ niệm quá nhiều với người bệnh. Tôi đã rất biết ơn những bệnh nhân. Tôi rất yêu quý và trân trọng họ vì họ là người tạo điều kiện để tôi có được những thành quả cho cá nhân và tập thể. Biết ơn, trân trọng bệnh nhân - đó là câu nói chân thật, thực lòng. Hàng trăm lần tôi vẫn nói như vậy”.
Giáo sư Trí cho hay thông điệp tình cảm đó của ông đã được chuyển tải đến tất cả bác sĩ, nhân viên của Viện khi ông còn là viện trưởng. "Tôi vẫn nói với các y bác sĩ, các nhân viên khi trước, rằng mỗi bệnh nhân ở Viện đều là người nhà của tôi. Và khi tôi nói vậy, chắc chắn trách nhiệm công việc nhân viên thực hiện cũng sẽ tốt hơn cho người bệnh", giáo sư Trí bộc bạch.

tin liên quan

Tỏa sáng những 'ngân hàng máu sống'
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại', 'Trái tim nhân ái - hiến máu cứu người' là một trong số những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng nổi bật và đặc trưng của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian qua.
"Tôi rất buồn và trống vắng vì rời xa tập thể tôi yêu mến!"
Thưa giáo sư, rời nhiệm sau hơn 14 năm gắn bó, những ngày đầu “về hưu”, ông có cảm giác như thế nào?
- 14 năm gắn bó với Viện, hơn 30 năm trong ngành Y, những ngày này cảm xúc vô cùng xáo trộn. Tôi rất vinh dự về những tình cảm mà bệnh nhân, các y, bác sĩ, học trò, nhân viên dành cho tôi. Buổi chia tay tiễn tôi nghỉ hưu vô cùng xúc động. Tôi không thể dấu lòng mình mà nói rằng, tôi rất buồn và trống vắng vì rời xa tập thể tôi yêu mến, một tập thể nặng tình người, nơi tất cả đồng lòng đoàn kết để gây dựng như ngày hôm nay.
Tôi thôi làm viện trưởng, thôi làm quản lý cũng có ý kiến tiếc, cũng có người trách sao tôi không ở lại thêm. Tôi rất trân trọng những ý kiến đó, nhưng chính thức tôi tròn 60 tuổi là tôi về hưu. Đó là quy định và tôi thấy rất vui vẻ, thoải mái. Tôi dù là đại biểu Quốc hội, công dân Thủ đô ưu tú, là Anh hùng lao động thì  trước hết vẫn là công dân, do đó mình phải chấp hành thoải mái, vui vẻ chứ không bao giờ nghĩ mình còn làm được thì xin ở lại. Thâm tâm tôi thấy rằng, quản lý tốt nhất là không quá 2 nhiệm kỳ nếu anh làm được việc. Còn nếu muốn cống hiến, đóng góp thì vẫn còn nhiều công việc khác.
Tôi là đại biểu Quốc hội tự ứng cử. Làm đại biểu Quốc hội tròn vai rất khó nên thời gian tới tôi sẽ để tâm sức nhiều hơn, dành thêm thời gian tiếp xúc cử tri - là những người đã bầu tôi. Lâu nay, hạn chế thời gian do làm quản lý thì nay tôi sẽ làm tốt nhất vai trò đại biểu Quốc hội.
Thưa giáo sư, ngoài việc dành thời gian, tâm sức để làm tròn vai trò của một đại biểu Quốc hội, khi về nghỉ hưu, ông sẽ tiếp tục hoạt động chuyên môn của mình tại Medlatec như thế nào để giúp đỡ người bệnh cũng như đóng góp cho ngành Y?
- Medlatec là ý tưởng của tôi đem từ Nhật Bản về, một trong những dịch vụ mà giờ đây mọi người rất ưng đó là lấy máu xét nghiệm tại nhà. Tôi là người thích làm việc, nếu không cho tôi làm việc chắc tôi chết luôn! Nghỉ hưu tôi vẫn có nhiều dự định ôm ấp và sẽ làm.
Về Bệnh viện Medlatec, tôi đã xin ngay 500 triệu đồng để thực hiện tầm soát và quản lý gen bệnh thalassemia tại tỉnh Hòa Bình. Ngay trong ngày 4.10, chúng tôi sẽ bàn bạc về việc làm gì để thực hiện tầm soát quản lý bệnh này, vì người Mường mang gen tan máu bẩm sinh thalasemia cao, chiếm 15 - 20/%. Sang năm, tôi xin 1 tỉ đồng để thực hiện tiếp nữa vì thalassemia gây đau đớn lắm.
Ngoài chuyên môn, tôi cũng yêu thơ, sáng tác nhạc. Đang có 5 - 6 ca khúc chưa công bố. Tôi cũng lên kế hoạch về vài chuyến du lịch nho nhỏ, trước mắt, tết Dương lịch này sẽ đi Tây Tạng. Anh chị nhà báo nào tham gia, chúng ta sẽ lập một đoàn đi cùng nhau. Sang năm 2018, kiểu gì tôi cũng cũng đi Nam Cực.
Công việc tôi làm, tôi mong muốn đều hoàn thành và vì tập thể, người bệnh. Làm gì mà trục lợi, không vì nhân dân, đều đáng lên án. Khi tôi nhận nhiệm vụ, Viện chỉ có 86 người, hiện nay lên tới 940 người. Quan trọng là họ trẻ, giỏi và là khối đoàn kết, đồng lòng và như vậy sẽ làm được nhiều cho bệnh nhân.
Ví dụ như tế bào gốc trong điều trị, Viện chúng tôi vào cuộc sau, nhưng hiện nay dẫn đầu. Máu từ chỗ rất thiếu để điều trị, trông chờ vào người cho máu chuyên nghiệp thì hiện tại, Ngân hàng máu tại Viện đã phục vụ cho 170 bệnh viện. Viện từ chỗ 200 bệnh nhân điều trị nội trú, nay thường xuyên điều trị cho 1.200 bệnh nhân
Giáo sư Nguyễn Anh Trí 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.