Liên quan thông tin giả mạo việc một bé gái bị bắt cóc được lan truyền trên mạng xã hội, ngày 9.12, chị P.T.H (trú xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết chị đã làm đơn trình báo Công an TP.Buôn Ma Thuột về việc con gái mình (cháu N., 4 tuổi) bị kẻ xấu lấy hình ảnh đăng tải thông tin bịa đặt trên Facebook.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện văn bản của Công an P.Lái Thiêu (TP.Thuận An, Bình Dương) thông báo truy tìm một cháu bé bị mất tích, nghi do một thanh niên bắt cóc khiến hàng chục ngàn tài khoản Facebook chia sẻ câu chuyện để tìm kiếm bé gái sinh năm 2017 này.
Văn bản giả mạo ngoài hình ảnh của bé gái còn dấu đỏ do thiếu tá Trần Hùng Cường ký, với thông tin đặc điểm nhận dạng của đối tượng nghi vấn bắt cóc và cả số điện thoại liên hệ. Thanh Niên đã tìm hiểu và phản ánh P.Lái Thiêu không có thiếu tá Cường làm trưởng công an bởi ông đã chuyển công tác làm Trưởng công an P.Bình Chuẩn (TP.Thuận An) từ nhiều năm nay. Một cán bộ an ninh cũng khẳng định với PV là công an phường không có chức năng, thẩm quyền ra thông báo truy tìm tung tích.
|
Theo chị H., kẻ xấu đã lấy hình ảnh con gái của chị trên trang Facebook cá nhân rồi điền thêm nhiều thông tin không đúng như tên tuổi, số điện thoại để bịa đặt hoàn toàn về một vụ bắt cóc con nít. Khi biết thông tin về vụ việc, chị H. rất bức xúc và cảm giác “mệt mỏi” mấy ngày qua. Chị H. cũng cho biết đã gửi đơn đến Công an TP.Buôn Ma Thuột đề nghị làm rõ, xử lý vụ việc đã ảnh hưởng đến gia đình chị. Hiện chị H. đã xóa tất cả hình ảnh liên quan con gái trên Facebook cá nhân. Đồng thời, đăng trên Facebook đề nghị những ai đã chia sẻ lại thông tin thất thiệt nói trên xóa bỏ bài để gia đình chị được bình yên.
Cùng ngày, một lãnh đạo Công an TP.Buôn Ma Thuột cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của chị H. và đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ làm rõ vụ việc. “Chúng tôi đang xác minh, làm rõ; quan trọng là tìm ra từ đâu văn bản giả đưa lên mạng xã hội. Nếu xác minh tin giả đưa lên ở địa phương nào thì thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng địa phương đó giải quyết”, vị lãnh đạo này cho biết.
Xử lý thế nào?
Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) phân tích hành động sử dụng hình ảnh của người khác, rồi cố bịa đặt ra thông tin sai sự thật, là hành động vừa không đúng chuẩn mực đạo đức mà trong trường hợp này, nếu gia đình của nạn nhân chứng minh được việc bịa đặt thông tin này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, thì hành động này có dấu hiệu của “tội vu khống” điều 156 bộ luật Hình sự. Nếu cơ quan công an xác định được người bịa đặt và khởi tố vụ án, thì người này sẽ bị khởi tố theo khoản 2 điều 156 với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, đối mặt khung hình phạt từ 1 - 3 năm tù.
Đáng chú ý hơn, trường hợp này không chỉ sử dụng mạng máy tính để phạm tội mà hành vi giả mạo văn bản của cơ quan công an trong việc đăng thông tin. Như vậy, có thể thấy người này tiếp tục có dấu hiệu của “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo điều 341 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Việc làm giả không đơn thuần được hiểu là bằng văn bản được ký đóng dấu trên giấy, mà nó còn được hiểu là các dạng văn bản được phát hành trên dữ liệu điện tử. Theo điều 341 có thể bị phạt tiền từ: 30 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm. Tổng hình phạt của hai tội danh trên mà người phạm tội có thể đối mặt lên đến 6 năm tù.
|
Qua đây, cũng cho các bậc phụ huynh thấy môi trường mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực cũng luôn tiềm ẩn tiêu cực, vì thế trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cần hạn chế đưa các thông tin cá nhân, hình ảnh (đặc biệt là hình ảnh của con trẻ) lên đây bởi dễ bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng sử dụng cho những mục đích khác nhau. Nếu chẳng may chúng ta rơi vào tình huống này, cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an để sớm trình báo sự việc, nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra, đồng thời sớm xử lý người vi phạm.
Bình luận (0)