Uy lực phá hoại của tiểu hành tinh

01/05/2017 21:39 GMT+7

Báo cáo mới của các chuyên gia Anh lần đầu tiên đã tiết lộ hậu quả thảm khốc trong trường hợp trái đất không may trúng đòn tấn công từ một tiểu hành tinh.

Sau khi địa cầu may mắn thoát được vụ đối đầu trực tiếp với tiểu hành tinh 2014-JO25, biệt danh The Rock, với bề ngang 1,3 km, vào tuần thứ ba của tháng 4, chuyên san Geophysical Research Letters cùng thời điểm đó đã đăng tải báo cáo phân tích hậu quả tức thời trong trường hợp đụng độ thật sự nổ ra.
Gió lốc kinh hoàng, sóng xung kích lan tỏa
Khi hai thiên thể va chạm, các hiệu ứng như sức nóng thiêu đốt, bão bụi và sóng thần đều có thể đồng thời xuất hiện, nhưng giới chuyên gia cảnh báo hiệu ứng khủng khiếp nhất chính là các đợt gió lốc kinh hoàng và sóng xung kích lan tỏa từ tâm chấn. Dù lâu nay nguy cơ các “sát thủ” tấn công địa cầu đã được giới khoa học và truyền thông đăng tải với tần suất khá dày, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể xếp hạng mức độ hủy diệt của 7 hiệu ứng khác nhau, đều có thể xảy ra khi một tiểu hành tinh lớn đâm vào trái đất. Trong số này bao gồm sức nóng, sóng xung kích, mảnh vụn từ điểm va chạm, sóng thần, gió giật, địa chấn và hõm chảo, và họ cũng ước tính mức độ gây chết người của những hiệu ứng này.
Về mặt tổng quát, gió giật và sóng xung kích được xem là có khả năng giết chết nhiều người nhất, chiếm đến 60% số nạn nhân tử vong trong một vụ va chạm. Cụ thể, sóng xung kích xuất hiện khi áp suất trong không khí gia tăng và có thể nghiền nát các cơ quan nội tạng trong cơ thể người, trong khi gió giật đủ sức quẳng con người lên không và san bằng mọi cánh rừng mà chúng đi qua.
Hậu quả khó tưởng tượng
Trưởng nhóm Clemens Rumpf của Đại học Southampton (Anh) cho biết sẽ trình bày nội dung báo cáo này tại Hội nghị phòng thủ hành tinh của Học viện Thế giới về du hành vũ trụ, diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, vào giữa tháng 5.
Để rút ra kết luận trên, ông và đồng sự sử dụng mô hình máy tính nhằm tạo ra những vụ va chạm ảo giữa bề mặt địa cầu với 50.000 tiểu hành tinh giả định, kích thước dao động từ 15 - 400 m, tức thuộc nhóm nhiều khả năng tấn công trái đất nhất. Theo thống kê, xác suất một tiểu hành tinh bề ngang 60 m tông vào trái đất là vào khoảng 1.500 năm/lần, và 100.000 năm/lần nếu “sát thủ” cỡ 400 m. Dù xác suất có thể thấp, hậu quả một khi xảy ra sẽ không thể tưởng tượng nổi.
Dựa trên các thông số tính toán, các vụ va chạm trên mặt đất gây ra tác động nguy hiểm hơn trường hợp thiên thể lao xuống đại dương. Đồng ý rằng một tiểu hành tinh khi rơi xuống biển có thể kích hoạt sóng thần, nhưng năng lượng của sóng phân tán trong lúc di chuyển và thường bị vô hiệu hóa khi lao vào thềm lục địa.
Thậm chí trong trường hợp sóng thần càn quét tới các cộng đồng dân cư ở bờ biển, số người chết do nguyên nhân này chỉ ở mức 20%, so với mức gần 30% đến từ hiệu ứng luồng nhiệt cực nóng được sản sinh trong lúc va chạm. Tuy nhiên, nếu tiểu hành tinh với kích thước 200 m rơi trên đất liền, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. “Nếu chỉ có 10 người bị ảnh hưởng, cách tốt nhất là tiến hành sơ tán khu vực”, theo ông Rumpf, nhưng nếu con số này tăng lên đến 1 triệu người, thế giới phải tìm cách làm chệch hướng của “hung thần” đang lao đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.