Học trò phải bò ra giữa nhà mà ê a, nắn nót. Nhưng như có phép lạ, chỉ sau vài tháng, những cô cậu học trò đã có thể đọc, viết, cộng trừ và có thêm cả lễ phép... Sau 7 năm, lớp học tình thương này được xem như trung tâm trị bệnh "mất căn bản" của học sinh cấp 1 toàn ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang).
Vào rừng trồng... người
Từ TP.Rạch Giá vào ấp Xẻo Nhàu A thật khó khăn, phải qua mấy chuyến đò, vượt hàng chục cung đường lầy lội, có lúc lại xuyên qua những rặng tràm ngút ngàn lau sậy... Nhưng lại rất dễ dàng tìm ra nhà thầy Nhâm, cô Lệ ngay lần hỏi đầu tiên: Đến ngã tư Xẻo Nhàu, thấy bến nào tấp nập xuồng ghe, bên trên râm ran tiếng trẻ học bài thì ghé vào.
Tiếng lũ trẻ đồng loạt đọc bài như xoá tan cái không khí tịch mịch đặc trưng của nơi rừng gặp biển. Tôi không khỏi nao lòng khi tận mắt chứng kiến cái đơn sơ đến cũ nát của lớp học tình thương. Căn nhà nhỏ được ngăn thành 3 lớp học với khoảng 40 trẻ đang miệt mài ê a, nắn nót trên những bàn ghế cũ kỹ được làm bằng cây lá địa phương.
Giữa nhà có một nhóm học trò nhí đang miệt mài đọc, viết, làm toán bên hai cái bàn nhựa và cái giường vốn là nơi ngủ nghỉ của vợ chồng thầy. Phía trước hiên nhà, nơi có cái bàn gỗ dừa nham nhở, chôn chân dưới đất, trẻ mẫu giáo hí hoáy tô màu.
"Dạ thưa thầy, có khách" - vừa thấy tôi bước vào, cháu Trần Thị Kim Chi - học trò lớp 1, nhanh nhẩu bật dậy khoanh tay "báo cáo" với thầy Nhâm. Đó là người đàn ông đậm dáng, nổi bật cặp kính viễn thị đến 11 độ che ngang đôi mắt cương nghị. Thầy Nhâm tiếp chuyện với chúng tôi một cách rất truyền cảm.
Hè năm 2001, sau khi hai người con đã bước vào cửa đại học, câu chuyện thương tâm con, cháu của học trò mình ngày xưa học lớp 3, lớp 4 mà vẫn không đọc được chữ lại hiện về, vợ chồng thầy phát tâm rời cuộc sống phồn hoa ở TP. Rạch Giá trở lại xóm Xẻo Nhàu mở lớp học tình thương. Gom góp tài sản cả đời chắt chiu cũng chỉ đủ dựng được căn nhà đơn sơ trên nền đất mượn tạm.
Lúc đầu chỉ có vài người quen cũ mang con cháu đến gửi. Thấy trẻ theo học thầy Nhâm, cô Lệ một thời gian mà biết đọc, biết viết, lại có thêm lễ phép nên nhiều người trong xóm ùn ùn mang con đến gửi. Ngày 25.8.2001, 34 hộ dân ấp Xẻo Nhàu A đồng loạt ký đơn xin Phòng Giáo dục huyện An Minh cho phép mở lớp dân lập.
Trước yêu cầu chính đáng của bà con, Phòng Giáo dục huyện chấp thuận cho hai giáo viên già được tiếp tục sự nghiệp trồng người (từ mẫu giáo đến lớp 3) dưới sự quản lý của Trường Tiểu học Tân Thạnh 2.
Đeo nghề vì lương tâm
Lúc mới về rừng, gia cảnh thầy Nhâm, cô Lệ rất khó khăn vì phải mua từng lon gạo, đổi từng thùng nước ngọt... nên được phụ huynh đề ra mức học phí 500 đồng/ngày. Việc này hoàn toàn tự nguyện. Học sinh nào nghèo, không có tiền thì thôi. Từ năm 2002 đến nay, cuộc sống khá hơn, vợ chồng ông quyết định không thu tiền học, đổi tên lớp dân lập thành lớp tình thương.
Mỗi tháng học sinh nào có điều kiện thì đóng góp 1.000 đồng để mua phấn, viết, trả tiền điện thắp sáng và đổi nước ngọt để uống, rửa chân vào mùa mưa. Vì là tự nguyện nên nguồn thu trồi sụt thất thường chỉ mang tính tượng trưng.
Thế nhưng, tấm lòng của thầy Nhâm, cô Lệ đối với việc học của trẻ con nơi xóm nghèo này thì không uy vũ nào khuất phục. Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng bà con ở ấp Xẻo Nhàu A này vẫn không kìm được bức xúc khi nhắc đến chuyện ông Nguyễn Thanh Nhanh - Chủ tịch xã Tân Thạnh, trong cơn say rượu đã "xộc" vào lớp tình thương vô cớ hạ nhục thầy Nhâm, cô Lệ, rồi hạ lệnh đình chỉ việc dạy học và "rút" luôn cả giấy phép mở lớp của Phòng Giáo dục huyện An Minh.
Hôm đó là ngày 28.9.2007. Khoảng 16h00, khi thầy - trò đang dạy học thì ông Nhanh chạy thẳng xe Honda vào nhà rồi cất giọng bắt nạt: "Ai là chủ nhà? Ai cho ông mở lớp này?". Sau một hồi hăm he, đe doạ, ông chủ tịch xã đã thu hồi giấy phép của Phòng Giáo dục huyện bỏ vào túi. Trước khi ra về, ông còn tuyên bố sẽ "xoá trắng" lớp học.
Lớp học tình thương ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh.
Thầy Nhâm tâm sự: "Thú thật, già cả chân yếu, mắt mờ, thấy ông chủ tịch hung quá, vợ chồng tôi cũng sợ. Với lại mấy đứa con sau thời gian ra trường cũng đã thành đạt, muốn trả hiếu cha mẹ nên liên tục giục chúng tôi về Cần Thơ. Cho nên có lúc chúng tôi định... Nhưng nghĩ đến cái tình, cái nghĩa của bà con, nghĩ đến cái cảnh học trò lớp 3, lớp 4 mà vẫn không đọc được chữ... thì cái lương tâm người thầy trong chúng tôi lại không cho phép bỏ cuộc".
Bà Huỳnh Thị Tám (tự bà Bảy Xẻo Nhàu), 76 tuổi, tin chắc như đinh đóng cột: "Thấy ông chủ tịch xã "quậy", tôi cũng sợ điếng hồn. Nhưng tôi tin thầy Nhâm, cô Lệ không bao giờ bỏ lớp". Bởi theo bà Tám, ngay khi mới mở lớp, chính quyền địa phương đã từng o ép, gây áp lực mà thầy Nhâm, cô Lệ vẫn... vượt qua.
Chuyện xảy ra vào năm 2004, cám cảnh học trò phải bò ra giữa nhà để học, một cán bộ Đoàn ấp Xẻo Nhàu đã lượm 2 cái bàn sau hè văn phòng ấp về cho thầy Nhâm sửa lại cho mấy cháu ngồi. Vậy mà mấy tháng sau, chính người cán bộ Đoàn tốt bụng này lại được lệnh đến nhà thầy Nhâm lấy lại 2 cái bàn.
Lúc đó, cô Lệ nài nỉ: "Hai cái bàn cũ nát rồi, tụi nhỏ cần lắm, mấy chú cho tôi đi!". Dù rất cảm thông, nhưng anh cán bộ này không dám cãi lệnh trên. Nhìn cảnh người ta thu hồi 2 cái bàn rệu rạo khiến học sinh nháo nhào như chim mất tổ, hai vợ chồng thầy Nhâm, cô Lệ đã không kìm được nước mắt... Hôm sau, thầy Nhâm phải rảo một vòng trong xóm mượn từng cái bàn, cái ghế về để học sinh không bị hụt hẫng.
Lò luyện chữ uy tín
Tuổi già, bệnh tật đeo đẳng và chỉ được đào tạo khoá sư phạm ngắn hạn vào năm 1977, thế nhưng các lớp học do vợ chồng thầy Nhâm, cô Lệ phụ trách lại được bà con tín nhiệm như "địa chỉ đỏ" vì khả năng chữa được bệnh "dốt" cho học sinh.
Chị Lý Thị Nguyệt kể: Lúc đầu cho con là Võ Yến Linh học trường công, nhưng học gần hết năm mà vẫn không đọc được chữ, bị thầy cô cho là trò tối dạ. Chị đưa con đến học thầy Nhâm. "Chỉ vài tháng học ở chỗ thầy, thằng nhỏ đã đọc chữ trôi chảy" - chị Nguyệt không giấu được vui mừng.
Nhiều phụ huynh nhà sát vách trường công, vẫn chấp nhận đi xa hơn 3 cây số để cho con theo học thầy Nhâm, cô Lệ. Như trường hợp em Trần Thanh Phong, 10 tuổi, nhà sát Trường Tiểu học Tân Thạnh 1, nhưng sau 2 năm học vẫn không đọc được chữ nên cha mẹ đưa em vào đây, chỉ sau mấy tháng tựu trường, em đã có thể đọc được, viết được.
Không chỉ có người dân, mà ngay cả giáo viên chính quy đang dạy cấp 1 trường công cũng tự nguyện gửi con vào đây, như thầy Khương, thầy Đệ, thầy Huỳnh... Ngoài tài "hô biến" học sinh dốt đặc cán mai trở nên biết đọc, biết viết, thầy Nhâm, cô Lệ còn dạy các em biết thêm lễ nghĩa.
Bà Lê Thị Lựu, 73 tuổi, kể: Trước đây, cháu nội của bà là Trần Văn Khiêm, học tới lớp 3 mà không đọc được chữ nên đòi bỏ học hoài. Sau mấy tháng vào đây, mọi chuyện đã thay đổi: Khiêm chẳng những đọc được chữ, mà còn tỏ ra ham học.
Trên địa bàn ấp có đến 2 trường tiểu học chính quy, nhưng lớp học tình thương lúc nào cũng có 40-50 em "bám trụ". Đặc biệt vào những tháng hè, có đến hàng trăm học sinh từ các trường công lập tìm đến đây "học lại" để biết đọc, biết viết, trong đó có cả học sinh trường cấp 2. "Thậm chí nhiều cô mới mang bầu đã đến xin đăng ký sẵn chỗ cho con sau này" - thầy Nhâm vui vẻ kể. "Chẳng phải mình tài cán gì hết, mà mình hết lòng dạy thì học trò sẽ hết lòng học. Thế là biết đọc, biết viết".
Thạc sĩ Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang - cho biết: "Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạnh 2, nơi trực tiếp quản lý chuyên môn lớp học tình thương, xác nhận với chúng tôi là tay nghề của ông Nhâm, bà Lệ vượt trội hơn nhiều giáo viên của nhà trường.
Chất lượng đào tạo của lớp cũng tốt hơn nhiều nơi. Vì vậy, dù không có tên trong danh sách thầy - cô giáo hưởng lương, nhưng chúng tôi vẫn luôn xem đó là những người thầy với tất cả ý nghĩa của mỹ từ này".
Vào rừng mở lớp học tình thương
15/12/2008 11:29 GMT+7
Già cả, nghèo khó, bệnh tật, nhưng hai vợ chồng giáo viên già Trần Văn Nhâm, Lê Ngọc Lệ vẫn tự nguyện rời cuộc sống đô hội ở TP.Rạch Giá để vào rừng U Minh mở lớp học tình thương trong ngôi nhà ọp ẹp cất nhờ trên đất người quen. Lớp học tuềnh toàng.
Theo Lục Tùng / Lao Động
Bình luận (0)