Vay nợ, bán nhà trả viện phí

30/06/2017 07:47 GMT+7

Nhiều bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT) đã phải vay nợ, bán tài sản, thậm chí bán nhà để chi trả viện phí .

Bệnh nhân Nguyễn Thị B. (50 tuổi, ngụ tại H.Hoài Đức, Hà Nội) điều trị hội chứng viêm đa rễ thần kinh gây liệt cơ hô hấp tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai có hoàn cảnh rất éo le. Các bác sĩ chỉ định điều trị hồi sức tích cực, cần sử dụng các kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền nên chi phí lớn trong khi bà B. không có BHYT. “Chi phí chữa bệnh ban đầu đã lên tới 300 triệu đồng. Gia đình phải vay mượn khắp nơi nhưng không thể đủ tiền điều trị. Bây giờ cũng chẳng biết xoay sở sao nữa”, người thân của bà B. cho hay.
Vừa qua, tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai có bệnh nhân nữ mắc bệnh giảm tiểu cầu, chi phí điều trị hết 600 triệu đồng, trong khi không có BHYT nên đã phải bán nhà lấy tiền chạy chữa. Qua cơn bạo bệnh, vợ chồng chị này và hai đứa con phải dọn về ở nhờ nhà bố mẹ. Trong khi đó, anh Nguyễn Minh T. (41 tuổi, ngụ tại H.Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng điều trị tại BV Bạch Mai với chẩn đoán viêm phổi, tổn thương phổi nặng suy hô hấp.
Em trai của bệnh nhân lo lắng cho biết, chi phí điều trị khoảng 10 triệu đồng/ngày. Họ hàng quyên góp mỗi người một ít, được 15 triệu đồng hỗ trợ anh T. chữa bệnh, nhưng chưa đủ chi trả 2 ngày viện phí. Đợt điều trị của bệnh nhân này phải kéo dài 15 - 20 ngày, gia đình không có khả năng chi trả. Vợ anh T. mất sức lao động, thu nhập hàng tháng cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Anh T. không ai có BHYT nên đợt ốm này chỉ biết trông vào các nhà hảo tâm do BV kêu gọi giúp đỡ. “Nếu có BHYT thì chúng tôi đã nhẹ gánh đi rất nhiều. Trước kia cứ nghĩ bớt vài đồng đóng BHYT là tiết kiệm được tiền, giờ mắc bệnh hiểm nghèo mới thấy hết giá trị của BHYT”, chị vợ anh T. nói.

tin liên quan

Tránh 'bẫy nghèo' do tăng viện phí
Từ ngày 1.6, giá các dịch vụ y tế đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng, nên làm tăng gánh nặng tài chính với người tự chi trả khi khám chữa bệnh.
Giảm gánh nặng viện phí
Từ 20.6, 1.916 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết: “Sau khi tăng giá dịch vụ y tế, tổng chi phí cho khám chữa bệnh ước tăng khoảng 10%. Với những người mắc bệnh nặng, chi phí lớn, nguy cơ trở thành hộ nghèo chỉ sau trận ốm hoàn toàn có thể xảy ra”. Theo ông Hiền, tại BV ông đang công tác, gần 20% bệnh nhân vào viện chưa tham gia BHYT. Trong đó, nhiều người làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ, thu nhập thấp, không ổn định, không có khả năng chi trả nếu ốm nặng, chi phí chữa trị lớn.
Ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Mua thẻ BHYT lúc khỏe, nếu không may xảy ra đau ốm thì sẽ có quỹ BHYT chi trả và nếu may mắn không bị ốm đau, bệnh tật thì số tiền đó sẽ đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ cho người không may bị ốm đau bệnh tật. Ví dụ, một người chạy thận nhân tạo, mỗi năm cũng tốn khoảng 100 triệu đồng, nhưng nếu có BHYT thì được chi trả đến 80%. Nếu không có BHYT thì nguy cơ nghèo đói, bệnh tật càng tăng lên”.
Hỗ trợ người có thu nhập thấp mua BHYT vì vậy có ý nghĩa xã hội rất to lớn. Liên ngành Y tế, LĐ-TB và XH - Tài chính - Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt mức hỗ trợ 30% phí đóng bảo BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Toàn TP hiện có khoảng 12.500 người thuộc các hộ trên. Với mức đóng BHYT và mức lương cơ sở hiện hành, mức phải đóng 653.400 đồng/thẻ BHYT/người/năm. Nếu được hỗ trợ, người dân sẽ chỉ phải đóng 70%, tương đương 457.380 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.