Không chỉ được biết đến là vùng đất ẩn chứa bao điều thiêng liêng, hào hùng của lịch sử dân tộc, nơi đây còn có nhiều danh thắng cảnh đẹp ngỡ ngàng để đón chào du khách thập phương.
Uống nước giếng nhà Tây Sơn
Với nhiều người, việc về vùng đất Tây Sơn không khác nào một cuộc hành hương đầy thành kính về với lịch sử và tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc. Bảo tàng Quang Trung mở cửa mỗi ngày chào đón khách thập phương với đầy đủ những cung bậc cảm xúc của bốn mùa thay lá.
Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc TT.Phú Phong, H.Tây Sơn. Đây cũng là một trong những bảo tàng danh nhân, lịch sử lớn nhất cả nước. Hằng năm vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết âm lịch, người dân Bình Định và du khách gần xa lại náo nức du xuân tại Bảo tàng Quang Trung, tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Theo thông lệ, du khách đến bảo tàng sẽ tham quan khắp lượt, thắp hương cho các vị anh hùng rồi dừng chân ở giếng nước có tuổi đời hơn 200 năm bên cạnh điện thờ. Giếng nước cổ được xây bằng đá ong, có hình tròn quen thuộc. Đây là giếng của gia đình 3 anh em nhà Tây Sơn, được gìn giữ và sử dụng cho đến nay. Khách xa thích thú với việc tự tay xách nước rồi dùng gáo dừa múc từng ngụm uống. Tương truyền, ai đến đây uống ngụm nước từ giếng đá cổ này sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Nước giếng qua bao đời vẫn mát trong, vẫn đầy nước dù có đang giữa mùa hạn nặng.
Đến Hầm Hô nghe tình ca suối đá
Cách Bảo tàng Tây Sơn chừng 5 km, Hầm Hô được ví như bản tình ca tuyệt đẹp nằm giữa bốn bề là núi non hiểm trở. Theo truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, ở vùng hạ lưu sông Kôn - sông Kút không năm nào lại không bị hạn hán đe dọa. Vào một hôm hạn hán khốc liệt nhất, chứng kiến thảm họa đói khát của các buôn làng, thần mưa đã tạo sông, hồ cứu vớt bao sinh linh. Từ đó tên gọi Hầm Hô được hình thành, bắt nguồn từ lễ tế thần linh "hô phong - hoán vũ" để cầu mưa.
Hầm Hô có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trong đó nổi bật là khúc sông dài khoảng 3 km. Trong lòng sông có nhiều tảng đá hoa cương khổng lồ mang hình thù kỳ thú như: hòn Bóng, hòn Đá Đôi, hòn Chuông, hòn Đá Thành, hòn Gõ, hòn Đá Bàn Cờ... Đặc biệt, phía tả ngạn của khúc sông có thác Hầm Hô - kết quả của việc địa hình khúc sông bị gấp khúc đột ngột khiến dòng nước chảy mạnh xuống phía dưới tạo thành thác.
Mùa mưa, cá ngược dòng lên thượng nguồn để sinh đẻ và phải vượt qua thác Hầm Hô. Tương truyền rằng xưa kia, hằng năm cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn.
Đến Hầm Hô, du khách sẽ được thưởng thức các dịch vụ du lịch hấp dẫn như bơi thuyền kayak, câu cá, xem biểu diễn trống trận Quang Trung và nhạc võ, tham dự chương trình “Đêm giữa đại ngàn Hầm Hô” với các hoạt động đốt lửa trại, xem biểu diễn và giao lưu võ thuật, nghe hát bài chòi, hò giao duyên... và thưởng thức các món ẩm thực địa phương tại nhà hàng Hoa Lộc Vừng như: cá mương chiên kèm rau rừng cuốn bánh tráng, chim mía, nộm măng, cá trủ kho tộ, trà lá vối, bánh ít lá gai...
Đến Tây Sơn, không thể nào không ghé qua công trình khu du lịch tâm linh Ấn Sơn gồm các hạng mục: Đàn thiêng để tế trời đất, Đền Ấn và các công trình phụ trợ (tháp Báo Thiên, sân luyện võ, khu ban quản lý, chòi nghỉ, hồ bán nguyệt, miếu thờ thổ công, cổng sân...) được bố trí theo trục thần đạo hướng nam - bắc trên khu đất rộng 46 ha. “Công trình khu du lịch tâm linh Ấn Sơn là tấm lòng của hậu nhân đối với tiền nhân lưu danh muôn thuở. Có thêm công trình này, Bình Định có thêm một địa chỉ để nhân dân cả nước, du khách gần xa đến thăm viếng, bày tỏ, chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn trường tồn...”, ông Lê Hữu Lộc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết.
|
Bình luận (0)