Vị ngọt thanh bình của vọp sông quê

11/07/2018 20:33 GMT+7

Giữa cuộc sống bộn bề nơi phố thị, đôi lúc thèm những ngày thong thả chăn bò, cắt cỏ, bắt ốc như thời thơ ấu bên con sông quê.

Nơi đó có rất nhiều loại ốc như ốc đá, ốc bươu, ốc quắn... rồi cả những con vọp to gấp hai, ba lần nghêu, vỏ cứng dày sần màu rêu, thịt dai và đầy đặn.
Bắt vọp quê tôi diễn ra quanh năm, người lớn thường chọn lúc nông nhàn, đám trẻ tranh thủ buổi chiều khi đàn bò thong dong gặm cỏ rồi chạy ào xuống sông bắt đầu cuộc săn tìm.
Có hôm nước cạn, nhìn chỗ nước phun bọt hoặc một phần đầu vỏ vọp đưa lên là chỉ việc moi chúng ra từ đám đất bùn, có hôm nước tràn lên bãi bồi ven sông thì phải lội bì bõm trong nước mới mò bắt được vọp. Vài ba ngày chưa xuống sông để được hưởng cảm giác thích thú khi đếm những con vọp bắt được, nghe tiếng vỏ vọp va vào nhau lọp bọp đã thấy thương nhớ.
Con vọp khi vừa được đánh bắt

Thời điểm khúc sông quê rộn ràng tiếng nói cười vào vụ mùa bắt vọp phải nói đến những ngày tháng sáu, tháng bảy âm lịch, khi những cơn gió tây nam khô khan làm dòng sông thu mình nhỏ lại, có đoạn trơ ra đám đất bùn chạy dài. Chưa đủ một tiếng đồng hồ đã có một giỏ vọp đầy.
Nhiều gia đình, cứ đến mùa bắt vọp không chỉ mang bỏ chợ thêm thu nhập mà bếp nhà còn chộn rộn với nhiều món ngon từ vọp. Đám con nít ưa cách các bà các chị băm nhỏ thịt vọp đúc với trứng. Cánh đàn ông thích nhâm nhi ly rượu gạo với vọp xào sả ớt vào buổi chiều tối gọi là "giải mỏi" sau một ngày lao động... Nhưng với tôi, thích nhất vẫn là được húp sột soạt tô cháo vọp thơm lừng vào những ngày nắng nóng.
Trẻ con miền quê bọn chúng tôi chơi đùa thỏa thích với nắng, gió, đầu phơi nắng đi chân trần trên đất nên thường hay bị cảm và không hiểu sao, mỗi lần như vậy chỉ cần được ăn món cháo vọp nấu gừng của mẹ là tan hết mọi mệt mỏi. Không chỉ giải cảm, theo kinh nghiệm dân gian, cháo vọp còn có giá trị dinh dưỡng cao, là vị thực phẩm quý của người dân quê, có thể chữa các bệnh phong khớp, nhức xương.
Bát cháo vọp
Muốn có tô cháo ngon trước tiên phải chọn loại vọp còn sống, đồng thời chọn loại vỏ nhẵn, hơi phồng lên, đó là dấu hiệu của những con vọp nhiều ruột, chắc thịt. Vọp ngâm nước vo gạo, con nọ bò chồng lên con kia, nhả dần chất nhớt. Sau khi ngâm, tiếp tục dội sạch bằng nước lã, cứ làm như thế, chừng khoảng ba đến bốn lần.
Cho vọp vào luộc qua nước khoảng năm phút rồi đổ ra đĩa, tách bỏ phần vỏ, lấy phần thịt ướp với bột ngọt, tiêu, nước mắm, hành tím băm nhỏ cùng vài lát ớt xắt nhỏ, sả, nghệ đã giã nhuyễn trong mươi phút.
Tiếp đến, phi dầu thơm, cho thịt vọp vào xào thấm gia vị rồi tắt bếp. Riêng gạo sau khi đã được nấu chín thành cháo riu riu trên bếp, cho tất cả vọp đã xào vào nồi cháo đang sôi. Xong thêm tiêu giã dập, gừng giã nhỏ. Không quá mươi phút sau đã có nồi cháo nghi ngút khói, điểm xuyết chút màu xanh của rau hành, chút đỏ hồng của ớt.
Dòng sông quê tôi ngày đêm vẫn đong đầy con nước, mang phù sa bồi đắp cho những bãi sông quê nhà. Trong bao lớp phù sa ấy con vọp vẫn từng ngày sinh sôi nảy nở. Thi thoảng về quê tôi lại được thưởng thức hương vị ngọt ngào của con vọp trong từng bát cháo quen thuộc. Chính vị ngon thanh đạm ấy như một sự thanh bình, xóa đi bao nhiêu ồn ào, bộn bề của cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.