Việt kiều Mỹ kể chuyện đời xứ ‘thiên đường’: Thuê băng video, nhớ nhà chảy nước mắt

10/12/2018 12:09 GMT+7

Trong một lần lang thang chờ nha sĩ, tôi mừng như bắt được vàng khi thấy một tiệm bán, cho thuê băng đĩa vẫn còn hoạt động. Đúng là hàng hiếm ở xứ “thiên đường” này bởi giờ đây mấy link chiếu phim miễn phí tràn ngập.

Hôm rồi tôi ghé lại văn phòng nha sĩ trong khu chợ Maxim, một thời rất nổi tiếng của cộng động người Việt ở Maryland để nhổ răng. Tới nơi thấy siêu thị Việt lẫn mấy chỗ gửi tiền, bán thẻ cào đóng cửa hết trơn. Nhà thờ Tin Lành hình như đã thay mục sư Việt Nam bằng một người khác. Văn phòng nha sĩ nằm trên lầu, vắng tanh, là nơi đến của phần lớn người Việt không có bảo hiểm sức khỏe (đụng tới răng ở Mỹ mà không có bảo hiểm là một việc cực kì hao tổn túi tiền).
Sát bên, một tiệm bán và cho thuê đĩa băng vẫn còn hoạt động. Trời ơi!
Không biết những thành phố đông người Việt như Garden Grove, San Jose, Houston hay Boston những tiệm băng đĩa còn không, chứ mấy tiệm trong khu Eden, Virginia hầu như đều đã sang nhượng, cho thuê hay chuyển đổi mục đích hết rồi. Giờ chẳng còn ai mua DVD hay CD, huống hồ gì có chuyện thuê về xem, kể cả mấy ông bà già lụm khụm.
Eden, trung tâm mua sắm của người Mỹ gốc Việt ở Virginia NVCC
Nhớ cái tivi của hàng xóm ở Việt Nam
Trong khi chờ đợi tới lượt mình, tôi ghé vô tiệm dạo một vòng xem thử. Anh chủ tiệm ngồi ngáp ngắn ngáp dài bên cạnh những poster quảng cáo, những hộp đựng đĩa phim TVB, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam vô cùng bắt mắt được sắp xếp một cách cẩn thận. Xúc động ghê, khi mà ở chỗ này, thời gian như ngưng đọng lại.
Nhớ lại cái thời mới tới Mỹ gần hai mươi năm trước, khi mà ngày ra đi không hẹn được lúc về. Tân Sơn Nhất ngày ấy có chỗ gọi là “phòng cách ly”. Vô làm thủ tục check in xong là không được đi ra, dẫu nhìn nhau qua lớp kính dày, nhưng thế là xong đó. Không phải như bây giờ, làm thủ tục xong tôi còn ra nói trên trời dưới đất với bạn bè, chừng nào loa kêu mới lật đật chạy vô. Khi đó, cả nhà chưa kịp ngủ đã để chống lại với việc lệch mười hai múi giờ, việc đầu tiên mấy chị trong nhà trọ rủ nhau, là hùn tiền lại tới tiệm của chị Thảo nằm trong khu người Mễ, thuê video về coi giải sầu. 25 đô la thuê được 100 tập phim. Coi nát nước một bộ phim dài ba mươi tập chưa tới 10 đô la. Đó là cái giá rẻ nhất để giải trí.
Từ một cậu thanh niên mười tám tuổi ở Ninh Hòa, quanh năm suốt tháng lo học và xem tivi, nghe cải lương, ca nhạc qua những bằng cassette nhàu nát, hay đọc những tờ báo Sân khấu, Điện ảnh, Thể thao Văn hóa từ trong Sài Gòn gửi ra. Đời tư, phim ảnh, tình cảm của những Lương Triều Vĩ, Trương Mạn Ngọc, Châu Tinh Trì, Quách Phú Thành, Lâm Thanh Vân, Thiệu Mỹ Kỳ… hay nhiều ngôi sao khác đều rành dẫu chưa một lần coi phim họ đóng.
Tôi đi qua cái thời bao cấp khổ nghèo, năm tháng ăn uống kham khổ, cơm độn bo bo với khoai lang. Không có xà bông giặt áo quần phải lấy tro củi đem pha với nước, để nó lắng xuống, lấy lớp nước bên trên lọc. Cả huyện có cái rạp chiếu phim to lắm, chiếu mấy phim như Chí Phèo, Thằng Bờm, Tắt đèn, Dòng sông hoa trắng, Ván bài lật ngửa... Tới thời phim mì ăn liền thì trời ơi, cả huyện ai cũng mê Lý Hùng với Diễm Hương, ghét Mộng Vân với Y Phụng. Phim nào của họ cũng coi, từ Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, tới Nước mắt học trò, Vĩnh biệt Cali... Mà chỉ khi nào Lý Hùng với Diễm Hương đóng chung mới đầy rạp nhen, chứ Lý Hùng đóng với Việt Trinh, Thu Hà, hay Diễm Hương đóng với Thái San, Công Hậu... ế òm, chưa tới nửa rạp.
Hầu như cả xóm cả trăm hộ chỉ có một hai cái tivi là cùng. Mà tivi trắng đen, nhỏ bằng màn hình vi tính 15 inch, hột mưa nhiều như trái rạ. Nhà anh Hưng thì tivi để tít trên lầu, hình ảnh thì lưng dài hơn chân, như mấy chú lùn trong Bạch Tuyết. Muốn coi phải đi qua mấy con chó chằn ăn trăn quấn nên ít người dám ghé. Nhà bà bốn Xóm nằm trong hẻm tối hù, nhưng là chỗ cho tụi con nít tụ tập, xếp hàng như cá mòi, coi đài Khánh Hoà với Bình Định, sau này mới có VTV. Đêm thứ Bảy có cải lương, trời ơi, xóm đông như hội. Tuần nào có kịch nói hay chèo. Ế ẩm hổng ai thèm đi.
Trung tâm Eden về đêm Shutterstock
Sau này nhà mợ Sáu Lựu có cái tivi màu JVC đầu tiên nhất của xóm cũng là thời điểm chiếu Tề Thiên. Phải nói đó là giai đoạn mê ly nhất của bọn trẻ tụi tôi, đêm nào cũng nôn nao chờ tới giờ để coi cho đã mắt, rồi chửi bới nhau từa lưa, đầu mày cao quá, tóc rối nùi thấy ghê, nóng nực, rồi hehehe có mấy đứa đánh bom, thúi rầm trời. Nhiều khi buồn ngủ muốn chết mà cũng ráng ngồi coi. Gật gà gật gù tới lúc mợ đánh cái rầm, hết tivi rồi con, mới lật đật chạy về nhà ngủ. Rồi tới Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria, phim Tiệp Khắc, Liên Xô toàn mấy ông Tây bà Đầm, to như voi, suốt ngày ăn với uống...
Mãi tới năm 1995 nhà tôi mới mua cái tivi màu nội địa của Hitachi. Trời ơi, khổ thân với nó vì bị nhiễm hơi nước, cứ vài tháng là bị mờ, phải lấy máy sấy cho khô, thay bóng đèn mới được coi tiếp. Có tivi rồi nhưng hổng có tiền mua đầu máy, nên phải đi mướn mớ băng video giập nát coi phim tình cảm Đài Loan sướt mướt, chuyển qua TVB Hồng Kông lê thê không kém.
Gia đình Việt ở Mỹ quây quần nhờ... băng đĩa thuê
Và khi sang Mỹ, mỗi lần mở cửa bước vào cái tiệm nhỏ xíu, chật ních băng từ, có cảm giác mình đang đi lạc vào một thế giới khác. Trời ơi, tôi thỏa thích hốt mớ phim lẻ (điện ảnh) về chất đống trong nhà, mặc sức xem các ngôi sao TVB yêu thích mỗi bữa đi học về hay những đêm dài không ngủ. Phim bộ thì luôn thuê hai.
Bên trên chủ nhà coi một, dưới chúng tôi coi một, rồi đổi nhau xoay vòng. Bộ nào hay giữ lại coi tới ba lần, nát cả băng mới đi trả. Hết phim lẻ, phim bộ, tôi chuyển qua cải lương. Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Liên, Mỹ Châu rồi Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Hằng… bao nhiêu cũng thuê hết về để coi, nhiều khi sang chép ra lưu giữ lại.
Chiều tối anh chị đi làm về, tắm rửa, ăn cơm xong, cả nhà ngồi quây quần trên bộ bàn ghế cũ mèm ngay phòng, say mê dán mắt vào màn hình tivi để hào hứng, khóc cười với nhân vật mà quên đi nỗi buồn xa xứ.
Tôi nghĩ, đó là khoảng khắc gần gũi, thân tình nhất của gia đình. Để rồi gần hai mươi năm sau, vĩnh viễn chúng tôi không bao giờ tìm lại được.
Cuộc sống ngày một bận rộn. Tôi đi học hầu như cả ngày. Anh chị phải làm thêm giờ. Rồi công ty đóng cửa, mạnh ai tìm việc nấy để kiếm tiền. Má tôi mất. Ba tôi về Việt Nam để anh chị bên nhà chăm sóc. Sợi dây liên kết giữa mỗi chúng tôi cứ thế mỏng manh dần.
Chúng tôi ngày một lớn, mỗi người có một cuộc đời riêng. Tôi trẻ nhất nhà mà cũng gần bốn chục. Dẫu giờ chúng tôi vẫn ở chung nhưng mỗi người một phòng. Đi làm về bới tô cơm, đóng cửa cái rầm. Thế giới của ai người nấy biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.