Quán của hai thế hệ
Dừng xe ở chợ Phùng Hưng (Quận 5, TP HCM) hỏi quán khổ qua cà ớt Chế Trang thì không ai là không biết. Đa số khách lần đầu đến đều không khỏi bất ngờ trước không gian quán nhỏ, gọn gàng nhưng rất gần gũi của khổ qua cà ớt Chế Trang. Một vị khách ngồi cạnh tôi còn nói đùa rằng ăn khổ qua cà ớt phải ăn lề đường mới khoái.
Chị Vương Thùy Trang (42 tuổi) chủ quán tất bật không ngơi tay bởi cứ hết lượt khách này đi lại có lượt khách khác vào quán.
Tranh thủ lúc vắng khách, chị Trang ngồi xuống tâm sự: “Quán này là của mẹ chị, từ nhỏ chị đã phụ bán với mẹ, sau này thì thành chủ quán. Quán này mở từ năm 1996, hồi đó chủ yếu sinh viên đến ăn. Nhiều anh chị sinh viên ra trường đi làm và lập gia đình rồi nhưng lâu lâu cũng ghé ăn lại khổ qua cà ớt”.
|
Chị Thanh (34 tuổi, nhà ở quận 6, TP.HCM) đang ăn cùng bạn nghe chị Trang tâm sự cũng bồi hồi: “Chị ăn ở đây từ hồi còn đi học. Hồi đó, sinh viên tự phục vụ rồi tự tính tiền, ăn bao nhiêu trả bấy nhiêu, vậy mà lại rất vui. Giờ lớn rồi chị vẫn hay ghé qua ăn với bạn. Nói về món khổ qua cà ớt ở đây thì có thể nói là hợp khẩu vị, nước hầm ngọt, sa tế cũng không cay lắm mà rất vừa”.
Sẵn tiện đang vãn khách, chủ quán bưng ra một phần khổ qua cà ớt cho tôi dùng thử. Một tô đầy đủ gồm có ớt nhồi chả thịt, đậu bắp nhồi chả chiên, chả bộc trứng cút chiên, cà, đậu đũa cuốn, đậu đũa cuốn chả chiên, da heo, đậu hũ chiên, chả trắng, huyết heo... và được cho thêm dầu mè và tiêu lên trên nên rất bắt mắt. Ngoài ra, mì gói sẽ được trụng và bưng ra sau nếu như khách gọi.
Nhiều khách quen ăn khổ qua cà ớt ở quán từ thời còn là sinh viên giờ đã lập gia đình rồi nhưng lâu lâu vẫn ghé lại quán
|
Chị Trang đã phải tốn không ít tâm sức trong khâu chuẩn bị và chế biến món ăn. Mỗi thứ một ít nên một phần khổ qua cà ớt vẫn có mức giá rất bình dân là 22.000 đồng, nếu có thêm mì gói là 27.000 đồng.
Nước hầm trong, vừa miệng và ngọt rất thanh, còn có một ít cay nồng của ớt, đậu đũa ăn giòn rồm rộp trong miệng rất thú vị. Ăn khổ qua cà ớt với mì gói là một sự kết hợp làm cho món ăn trở nên đặc biệt và no bụng hơn. Nhưng một số người lại thích thưởng thức khổ qua cà ớt một cách truyền thống để cảm nhận độ ngon và hương vị đậm đà mà món ăn mang lại.
Bán hơn 100 phần trong 6 tiếng
Dù ăn khổ qua cà ớt theo kiểu nào thì cũng rất đáng để thử tùy theo khẩu vị của từng người. Gia vị không thể thiếu cho món ăn là tương ớt, tương cà và sa tế. Đặc biệt, sa tế chị Trang tự tay làm nên rất ngon, không mặn quá và cũng không có màu nồng như một số loại sa tế trên thị trường.
Quán mở cửa từ 13 giờ đến 18 giờ 30, buổi trưa chị Trang đến quán sắp đồ ra tủ kính và nấu lại nước hầm. Trời bắt đầu dịu mát thì cũng là lúc thực khách đến quán đông hơn. Mỗi ngày chị Trang bán được hơn 100 phần khổ qua cà ớt dù chỉ mở chưa đến 6 tiếng đồng hồ.
Trong các công đoạn thì việc cuốn đậu đũa là tốn thời gian hơn cả. Chị Trang giải thích rõ hơn: “Đậu đũa cũng phải bỏ mối tốt, người ta sẽ bỏ đi những đậu bị hư bị lép cho mình. Nếu không khéo thì khi luộc đậu sẽ bị mềm và không ngon”.
Sự nhiệt tình với khách hàng và hương vị món ăn không đổi theo năm tháng chính là lý do khiến không ít người nhung nhớ món ăn dân dã này.
Bình luận (0)