Xem đi trễ là ‘quyền’, khách hàng vô tâm với cảm xúc của tài xế công nghệ?

01/10/2019 11:20 GMT+7

Chưa xuống khỏi máy bay nhưng khách hàng đã vội vàng đặt Grab hay việc để tài xế gọi “cháy máy” mới xuất hiện là những tình huống tưởng “khó đỡ” nhưng không hề hiếm gặp mà các bác tài công nghệ từng “miễn cưỡng” trải nghiệm.

Cùng là hành động đi trễ nhưng những hậu quả từ sự vô tâm của khách hàng để lại cho tài xế công nghệ thật khó lòng bỏ qua.

Tài xế đến điểm đón, khách báo… chưa rời máy bay

Tài xế GrabCar Trần Quang Bình (TP.HCM) cho biết bản thân không nề hà việc khách hàng bận công việc đột xuất, có thể hẹn ra trễ vài phút. “Thông thường khi chờ quá 5 phút, tôi thường gọi điện lại cho khách hàng chứ không vội hủy chuyến ngay. Nếu khách bắt máy thì tôi còn biết đường tính xem mình có đợi tiếp được không, đằng này, có nhiều khách im lặng không nói một lời nào luôn, trong khi trước đó còn nghe máy”.
Trong 2 năm làm tài xế GrabCar, dù các trường hợp đợi khách hàng xảy ra không thường xuyên tới mức “cơm bữa" nhưng vẫn có những chuyến xe khiến anh Bình kể lại với giọng đầy bức xúc: “Nhớ hôm có khách đặt xe ở sân bay vào giữa trưa, dù đang ăn dở hộp cơm nhưng tôi vẫn vội vàng cất lại để chạy đi đón cho kịp giờ. Khi đến điểm đón tôi gọi điện hỏi khách đang ở đâu thì nhận được câu trả lời rất… vô tư: “Em đang chờ xuống cửa máy bay anh ơi!”.
Thời gian từ máy bay vào ga, lấy hành lý ít nhất cũng mất 15 - 20 phút, trong khi đó sân bay quy định tài xế chỉ được dừng xe tối đa 3 phút. Biết không thể đợi, anh Bình bắt buộc phải hủy chuyến và rời khỏi sân bay khi chưa đón được khách, đó là chưa kể còn mất thêm 10.000 đồng lệ phí sân bay.
Một lần khác, anh Bình nhận cuốc xe từ đường Lê Đức Thọ đến siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào lúc 6 giờ chiều. Anh cố luồn lách qua đoạn đường kẹt xe thật nhanh vì sợ khách hàng đợi lâu, ai ngờ tới nơi, bản thân phải chờ ngược gần 20 phút.
“Khách hàng lên xe còn yêu cầu tôi đi đón thêm một người nữa dù chỉ đặt xe một điểm đến thôi. Tôi có giải thích đang giờ xe đông tôi khó có thể hỗ trợ được thì hai vợ chồng khách hàng bắt đầu giận dữ, người chồng còn chửi tục bằng những từ ngữ rất khó nghe. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và vẫn cương quyết chỉ chở đến siêu thị. Sau đó tôi có báo lại thái độ hành khách với bên Grab chứ để người ta đánh giá sao thấp cho mình thì oan uổng lắm”, anh Bình thở dài.

Cuốc xe 12 ngàn… đợi 15 phút

Anh Phạm Hoàng Anh Tuấn chia sẻ do công ty cũ quá áp lực nên chuyển sang làm tài xế GrabBike vừa chủ động thời gian vừa thoải mái chạy xe ngoài đường. Đưa đón con đi học xong, anh tranh thủ những giờ cao điểm để chạy được nhiều chuyến hơn, kiếm thêm thu nhập. Dù nhận là người vui tính, hòa nhã với mọi người nhưng đôi lúc anh Tuấn cũng không tránh khỏi bực mình vì gặp phải những khách hàng nghĩ mình đã thuê trọn xe nên mặc nhiên đến trễ còn tài xế phải có nghĩa vụ chờ.
“Khi khách để mình chờ lâu, tôi vẫn cố gắng phục vụ nhiệt tình, chỉ có điều là lâu quá thì mình mất thời gian, việc nhận cuốc xe cũng ít lại kéo theo thu nhập không được như ý. Một ngày lỡ gặp 3 cuốc vậy thôi là mất thời gian dữ lắm luôn, nhất là mấy khung giờ cao điểm, cuốc xe “nổ” liên tục còn mình thì phải gác chống xe chờ khách hàng, không nhận thêm được chuyến nào”, anh Tuấn chia sẻ.
Tài xế Phạm Hoàng Anh Tuấn không tránh khỏi những khách hàng “giờ dây thun"

Tài xế Phạm Hoàng Anh Tuấn không tránh khỏi những khách hàng “giờ dây thun"

Nhớ lại lần gần nhất khách hàng trễ giờ, anh Tuấn kể: “Hôm đó khách đặt cuốc xe giá 12 ngàn đồng, quãng đường đâu đó chưa tới 2 km. Dù vậy tôi vẫn gọi điện thoại xác nhận, đến nơi gọi thì khách nói xuống liền nhưng 5 phút, 10 phút trôi qua vẫn không thấy ai. Sốt ruột nên cứ chốc chốc tôi lại gọi, khoảng hơn 15 phút sau khách hàng mới xuống, đã vậy còn hối tôi chạy nhanh vì… đang gấp”.
“Lúc tôi gọi qua ứng dụng thì khách không nghe máy nên buộc lòng phải sử dụng cuộc gọi thường. Nhẩm tính cuốc xe chỉ có 12 ngàn mà trừ mất mấy ngàn tiền điện thoại, đâu còn lời lãi gì được nữa”, anh Tuấn chia sẻ.
Mỗi khi gặp những khách hàng “giờ dây thun” như trên, anh Tuấn vẫn thường tự nhủ “Khách hàng là Thượng đế" để đủ kiên nhẫn chờ đợi. Dù vậy, anh vẫn luôn mong khách hàng có thể tôn trọng thời gian của bản thân và của cả tài xế. “Anh em tài xế chúng tôi cứ nhận được cuốc xe là vội vã đến điểm đón ngay, đâu chần chừ giây phút nào. Tôi luôn mong khách hàng có thể hiểu điều này và đến điểm đón đúng giờ, đừng đặt xe khi đang dở tay làm việc gì đó. Nếu không đi nữa, khách hàng có thể hủy chuyến hẳn để tôi biết đường tiếp tục công việc của mình chứ đừng cứ thế im lặng, không một cuộc gọi hay tin báo”.
Tài xế công nghệ là một nghề làm dịch vụ, nhưng đằng sau đó, họ là những người chồng, người cha đang cần mẫn kiếm tiền từ những cuốc xe. Khái niệm thời gian “là vàng là bạc” vì thế cũng không ngoại lệ với những bác tài 4.0 này. Liệu có bao nhiêu khách hàng hiểu được tài xế công nghệ cũng có thời gian cần được tôn trọng và mỗi phút giây chờ đợi trôi qua, công việc của bác tài sẽ bị chững lại?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.