Xóa hơn 20.000 căn nhà ở các “xóm nước đen” Sài Gòn: Nên làm sớm

Xóa hơn 20.000 căn nhà ở các “xóm nước đen” Sài Gòn: Nên làm sớm

18/11/2016 10:33 GMT+7

Bài viết Xóa hơn 20.000 căn nhà ở các “xóm nước đen” Sài Gòn trên Thanh Niên số phát hành ngày 17.11 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, đa số ý kiến đều ủng hộ kế hoạch này.

Việc nên làm
Lần đầu tôi đặt chân đến Sài Gòn và sống trong khu ổ chuột P.6, Q.4. Đó là thời gian tôi cảm thấy “vỡ mộng” nhất bởi không tin Sài Gòn lại sống khổ sở như thế. Những căn nhà tạm bợ, đông đúc. Đi vệ sinh là một vấn đề kinh khủng, không nhà nào có cầu tự hủy, cả khu đi chung cầu tõm tập thể, hôi thối và mất vệ sinh kinh khủng.
Năm 2000, khu vực này bị giải tỏa để xây dựng khu dân cư. Bây giờ khu vực này đã trở thành khu phố đẹp, nhà đất giá cao ngất, không ai nghĩ nó là khu ổ chuột ngày xưa. Nói thế để thấy cần mạnh tay xóa những khu ổ chuột, xóm nước đen để thành phố trở nên đẹp, văn minh, khang trang hơn.
Nguyễn Quý Bình (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Thế thì tốt quá!
Gia đình tôi cũng ở khu ổ chuột. Kế hoạch di dời, xóa sổ nhà ổ chuột cũng nghe lâu rồi, cũng họp hành nhiều lần. Vấn đề mà chúng tôi lo nhất là bị giải tỏa rồi thì sẽ đi về đâu để mua được nhà, sinh sống ra sao. Nay đọc báo thấy ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Quan điểm của thành phố là đảm bảo bố trí tái định cư cho tất cả các hộ dân, không để gia đình nào phải ra đường ở” nên gia đình tôi yên tâm phần nào.
Gia đình tôi không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội, cho nhà nước, chỉ cần đổi được nhà hiện nay với căn hộ tái định cư. Nếu buộc gia đình phải bù thêm tiền thì chẳng biết khi nào bù được vì thu nhập chỉ đủ sống. Mong nhà nước quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nơi đây khi giải tỏa, đền bù, tái định cư…
Trần Minh Phương (Q.8, TP.HCM)
Hỗ trợ tốt dân sẽ đồng tình
Thiết nghĩ người dân vì hoàn cảnh khó khăn phải sống ở các khu xóm nước đen. Môi trường sống đã xấu, môi trường xã hội càng xấu hơn. Vì vậy, ai cũng muốn được “đổi đời”, được thoát ra khỏi khu vực đó nếu có điều kiện. Nay nhà nước chủ trương di dời người dân đến nơi ở mới, khang trang, sạch đẹp, điều kiện sống tốt hơn thì tôi tin rằng bà con ai cũng đồng tình. Vấn đề chính yếu ở đây là khâu đền bù, giải tỏa làm sao cho hợp lòng dân, phần thiệt thòi không thuộc về dân thì dân sẽ đồng tình di dời thôi.
Tô Thanh Quang (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Lo về việc làm
Thực sự chẳng ai ham sống ở những căn nhà ven kênh rạch, nhà thì ọp ẹp, dơ bẩn, sống chung với mùi hôi, chuột... Nay nghe thông tin thành phố sẽ quy hoạch nhà ở ven kênh, tạo điều kiện nhà ở cho người dân nơi đây thì bản thân tôi rất mừng. Mừng vì thành phố sẽ xóa đi hình ảnh buồn, nhếch nhác ở các khu “xóm nước đen”, mừng hơn khi người dân ở đây sẽ có được nơi ở khang trang, vệ sinh, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, để được tái định cư thì bà con phải chấp nhận ở xa nơi mình đang ở. Như vậy thì việc làm của người dân sẽ ra sao? Ở chỗ cũ coi vậy chứ gần trung tâm thành phố, làm công việc gì cũng tiện. Nếu phải đi xa trung tâm để ở khu tái định cư sợ rằng bà con không thể kiếm được việc làm, lúc đó nghèo lại nghèo thêm, phải bán nhà tái định cư để đến một “xóm nước đen” khác thì khổ vẫn hoàn khổ.
Võ Tá Điền (P.7, Q.8, TP.HCM)
       
20.000 căn nhà ở các “xóm nước đen” bị di dời đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 20.000 con người bị ảnh hưởng đến cuộc sống, nhất là việc làm, học hành... Đây là bài toán khó gấp bội lần so với bài toán kinh phí đền bù, giải tỏa. Thành phố phải làm sao để người dân sau khi di dời đến nơi ở mới có được cuộc sống ổn định, vui vẻ, không tái nghèo mới là điều quan trọng. Người dân thành phố mong mỏi nhất ở điểm này.
Phạm Văn Kiên (Q.8, TP.HCM)
       
Khu vực “xóm nước đen” ở các quận 7, 8, Bình Thạnh là những khu đất đẹp. Nếu cho phép xây dựng khu nhà ở cao tầng, khu dân cư thì chắc chắn sẽ rất đắt khách. Nếu thành phố kêu gọi đầu tư và dành nhiều ưu đãi để giải tỏa, quy hoạch các khu “xóm nước đen” này thì tôi tin sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Trình Thành Thông Thái (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.