Xóm nghèo ở TP.HCM: 'Chỉ cần gạo, ăn kho quẹt gồng qua dịch Covid-19'

15/04/2020 18:16 GMT+7

Dịch Covid-19 bùng phát kéo theo những phận đời nghèo trong xóm ngụ cư ở TP.HCM phải gồng mình, ráng chạy ăn từng bữa. Cuộc sống dân ngụ cư trôi dạt nay không thấy tương lai. Công việc giúp chạy ăn từng bữa giờ thì hoặc mất hoặc tạm dừng.

PV tìm đến xóm trọ nghèo ở Sài Gòn ngay cầu Xóm Củi (H.Bình Chánh, TP.HCM). Hẻm nhỏ dẫn vào xóm trọ kéo dài hơn 1km. Nhưng phải rất vất vả, chúng tôi mới tìm được những ngôi nhà dựng bằng tôn, xập xệ của dân lao động nghèo. Xóm ngụ cư nay đã đổi khác. Số gia đình bám trụ lại chưa đến 30.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Những ngôi nhà dựng lên bằng những tấm tốn cũ mèm, rỉ sét

Gồng mình qua mùa dịch

Nơi ở của gia đình bà Nga (57 tuổi) nằm cuối một nhánh đường. Căn nhà trọ chật hẹp, tối mù là nơi trú ngụ tất thảy 14 con người, gồm cả cháu nội cháu ngoại của bà.
“Tôi ăn gian thêm phía đằng trước này để kê cái giường. Tối hai vợ chồng ra đây ngủ, nhường cho mấy đứa nhỏ ngủ bên trong. Có tấm bạt kéo xuống che mưa, che nắng”, bà Nga nói.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Cái giường ngoài hiên là nơi chơi đùa của mấy đứa nhỏ những ngày nghỉ học ở lớp tình thương

Lúc trước, bà Nga đi phụ quán hủ tiếu, ngày kiếm được 150.000 đồng, đủ mua thức ăn một ngày. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, quán xá nghỉ, bà cũng ở nhà trông cháu cho mẹ sắp nhỏ đi kiếm việc làm.
“Đứa lớn nhất 17 tuổi, đi phụ cửa hàng, đóng cửa nó ở lại trông nhà cho chủ. Đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Cha 4 đứa này hút đá (chơi ma túy - PV), mẹ nó bỏ rồi mang tụi nó về đây tôi nuôi. Giờ con dâu và con gái đang đi xin bán sữa cho công ty”, bà chia sẻ.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Bé Sữa, một trong 2 đứa cháu nhỏ nhất của bà

Chồng bà Nga làm nghề phụ hồ, cũng nghỉ ở nhà hơn nửa tháng nay. Trước, một ngày ông kiếm được 450.000 - 500.000 đồng mà giờ phải ngưng, nguồn thu cạn. Lúc chúng tôi đến, ông đang chạy ngoài đường, ai kêu gì làm nấy.
Một ngày, với 14 miệng ăn nhà bà Nga phải cần 3 kg gạo. Bà nói chỉ cần có gạo, làm nồi kho quẹt ăn cũng xong bữa. Nhưng thương là thương mấy đứa nhỏ, chúng đâu thể chịu được như người lớn.
“Mình có nấu cháo ăn cũng phải mua sữa cho nó. Chúng nó có biết gì đâu, tự cha mẹ làm khổ tụi nó. Từng tuổi này cho ăn thì ăn chứ có biết gì đâu”, bà ngậm ngùi vừa nói vừa nhìn đám trẻ đang cười đùa bên cạnh.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Bà Phượng sống một mình trong căn nhà chưa đến 5m2

Cách nhà bà Nga mấy bước chân là nhà bà Huỳnh Thị Ngọc Phượng (58 tuổi) hành nghề ve chai. Bà theo chồng từ Bến Tre lên Sài Gòn làm ăn, thấm thoát đã mấy chục năm. Ngày bà thôi chồng, cũng là lúc bắt đầu với nghề lượm, nhặt.
Không chồng, không con, bà ở một mình trong căn nhà chưa đến 5m2. Ổ bánh mì mới ăn một nửa còn để trên bàn. Đấy cũng là bữa trưa của bà hôm nay.
“Tôi làm ve chai mà giờ cũng không dám đi nữa vì vựa ve nó sợ bệnh không thâu (mua). Bình thường mua giá 5.000 - 6.000, giờ còn 3.000 - 4.000 đồng. Mùa này ve chai ít, kiếm cơm qua ngày thôi”, bà Phượng thỏ thẻ.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Xe ve chai, cần câu cơm của bà những ngày này cũng gác lại bên hông nhà

Vì sống một mình, chuyện ăn uống với bà không quá khó khăn. Nặng nhất vẫn là tiền thuốc thang bệnh hen suyễn và tim. Bệnh càng ngày càng nặng. Lúc nào, bà cũng có thuốc bên cạnh. Bà không dám uống nhiều sợ lờn thuốc vì không có tiền đi bệnh viện để lấy đơn thuốc khác. “Sống một mình phải làm tất cả, vui có, buồn có nhưng chắc chắn là buồn nhiều hơn cô ạ!”, bà cười nói.
Trong nhà bà, ti vi là thứ có giá trị nhất. Những người dọn nhà đi, để lại cho bà giải khuây những lúc ở nhà. Bà Phượng chia sẻ: “Lúc nào buồn, mở ti vi lên coi cho đỡ buồn. Ngày nào đi lượm thì ra ngoài thôi chứ cũng ở trong nhà coi ti vi. Nói thật ra người ta cũng sợ mình vì mình đi lung tung nên ngại tiếp xúc”.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Bà Mai giới thiệu căn nhà cho chúng tôi

TP.HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành cách ly xã hội thêm 1 tuần

Không quê hương

Bà Phượng gầy yếu, đôi mắt lạc đi vì bệnh tật hành hạ suốt 20 năm qua. Anh, chị em ở quê còn đủ cả nhưng bà không dám về. Tôi hỏi tại sao, bà đáp: “Thôi ở liều chứ biết sao. Giờ về quê thì còn ông anh nhưng mà còn gia đình của ổng, chị gái cũng còn chồng, con. Ai ở quê cũng khó khăn, phải lo cho gia đình. Mình làm được ngày nào ăn ngày đó, kẹt quá mới nhờ chị, em”.
Nói chuyện dịch bệnh, bà Phượng bức bối: “Trời ơi, vái cho nó qua lẹ! Chứ cứ tình trạng như vầy không làm ăn được gì cả. Người ta thấy mình cũng không dám bán ve chai. Mình đi cực muốn chết mà không ai bán cả vì người ta đóng cửa ở trong nhà”.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Căn nhà tối mù và xập xệ

Nằm bên nhánh đường khác, một góc nhỏ trong khu xóm nghèo còn đông gia đình thuê nhà tôn. Theo giới thiệu của bà Phượng, tôi tìm đến nhà bà Út, tên thật là Nguyễn Thị Mai (79 tuổi) cũng làm nghề ve chai.
Cái nghèo, cái khó khiến vẻ ngoài người phụ nữ trông khắc khổ, tiều tụy. Bà Út vừa kết thúc công việc của mình, trở về nhà với chiếc xe chất đầy chai nhựa.
“Nay lượm cũng được nhiều á, mà vựa không có thâu. Bà đi qua cầu Xóm Củi, lượm bình nhựa với giấy bìa. Mấy cái đấy rẻ, chắc bán được 4.000 đồng/kg. Nhưng mình cũng phải đi thôi, không đi đến lúc vựa mở lại mình sao có tiền. Dịch nghỉ ở nhà mấy ngày, đói ăn trẹo cổ mà buồn nữa nên nay đi”, bà chia sẻ.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Bà Út rất hay cười, đây là lúc bà nói về 6 con chó bà nuôi chống trộm

Hai vợ chồng bà Út quê ở Trà Vinh nhưng rời quê từ năm 1962. Lang bạt khắp nơi, hai ông bà mới về Xóm Củi này được hơn 2 năm. Con trai bà đã lập gia đình, được 2 đứa con. Vợ chồng anh thuê nhà bên đường Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) cũng chẳng khấm khá.
“Bà hôm nay không có đi chợ. Con trai mới cho 2 hộp cá hộp mà ăn dè từ bữa giờ. Nó chạy xe ôm cũng không có thu nhập, có tiền thì nó cũng mua đồ ăn cho. Nay họ cho cơm chay nhiều nè. Chú hôm nay chắc ăn cơm chay, cô thì chắc nhịn thôi vì ăn không được”, bà Út nói nghẹn.
Xóm trọ nghèo Sài Gòn lay lắt qua mùa dịch

Khu xóm trọ nghèo đã “thay da, đổi thịt”, nhà xây mọc lên cao lớn, khang trang vô tình che đi những phòng trọ tạm bợ

Ảnh: Nguyễn Anh

Chung cảnh khó khăn, bà Hà Thị Cẩm Cúc (65 tuổi, nhà sát bên nhà bà Út) từ ngày vé số ngừng phát hành cứ vờ vật ở nhà. Chồng chết gần 10 năm, một thân một mình ở căn phòng trống hoác không bàn ghế, không xoong nồi. Bà bị bệnh tâm thần nên lúc tỉnh lúc ngơ.
Quê bà Cúc ở Long Xuyên (An Giang). “Giờ ngày đâu làm gì ra tiền đâu. Trước đó đi bán lung tung sống qua ngày mới chuyển qua bán vé số được mấy tháng thì ngưng. Ở quê có anh em mà họ thấy mình bệnh người ta bỏ”, bà Cúc xúc động nói.
Thương bà Cúc, bà Út nấu cơm cho ăn cùng coi như thêm chén, thêm đũa. Dù hoàn cảnh không khấm khá hơn là bao, bà Út nghĩ chị em nghèo thương nhau mà dìu nhau qua cơn khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.