Xong thủ tục chắc... di tích không còn

04/08/2016 08:16 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Thủ tục “rùa bò” tu bổ di tích trên Thanh Niên số phát hành ngày 3.8.

Giá trị của di tích
Các di tích lịch sử văn hóa luôn có giá trị vô cùng to lớn, đó là nguồn sử liệu quý giá, phản ánh nét văn hóa từng vùng, miền của quá khứ... Việc gìn giữ, tu bổ di tích là rất cần thiết. Xin đừng vì thủ tục hành chính mà để di tích ngày càng xuống cấp hoặc có nguy cơ bị hủy hoại bởi sự khắc nghiệt của thời tiết hay nhiều yếu tố khác. Nên ưu tiên xem xét, phê duyệt những di tích lớn, có ý nghĩa quan trọng về du lịch, văn hóa. Đợi chờ vì thủ tục quá lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di tích, lỡ xảy ra sự cố gì hối hận cũng muộn rồi.
Hoàng Minh Trường Giang
(P.Long Trường, Q.9, TP.HCM)
Không thể chờ thủ tục
Tình trạng xuống cấp diễn ra ở nhiều di tích, có di tích không đảm bảo về mặt kỹ thuật, nhiều hạng mục, kết cấu bị mối mọt ăn mòn, đe dọa sự bền vững. Quá trình đô thị hóa cũng dẫn đến tình trạng môi trường cảnh quan của một số di tích bị biến dạng, làm mai một giá trị thẩm mỹ. Do đó, nếu không tu bổ kịp thời sẽ dẫn đến nhiều mối nguy cho di tích. Di tích không thể gồng mình đợi, mà thủ tục phải nhanh, gọn để sớm tu bổ di tích.
Hồ Minh Đạt
(P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Tu sửa từ nhỏ đến lớn
Bản thân đơn vị quản lý di tích cũng đừng mãi chờ đợi, phụ thuộc vào sự phê duyệt của cấp trên mà không có động thái gì để giữ gìn, tôn tạo di tích. Hơn ai hết đơn vị quản lý di tích hiểu rõ di tích cần gì, làm thế nào để bảo vệ. Trong khi chờ đợi được phê duyệt thì đơn vị quản lý di tích có thể thực hiện kế hoạch tu sửa nhỏ ở những hạng mục cần thiết trước để kịp thời ngăn ngừa những hậu quả xấu. Sau đó sẽ tiến tới đại tu bổ khi đã được phê duyệt. Thử hỏi nếu vì chờ đợi mà không có phương án tu bổ từ cái nhỏ, lỡ di tích bất ngờ đổ sập xuống thì lúc đó lỗi thuộc ai?
Đào Thị Hồng Tươi
(P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nên huy động vốn
Để kịp thời tu sửa các di tích quốc gia hay di tích cấp tỉnh, nhiều tỉnh, thành đã linh động lấy kinh phí từ nguồn đối ứng của ngân sách địa phương và kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Những di tích luôn được người dân tôn trọng, nhất là các đình, chùa, miếu. Do đó, một khi thiếu kinh phí, chỉ cần vận động người dân thì họ sẵn sàng đóng góp. Nhiều tỉnh, thành đã làm tốt công tác này, không cần phải chờ đợi kinh phí từ nhà nước bởi biết chờ đợi đến bao giờ. Đây là việc làm cần nhân rộng.
Trần Thị Minh Hồng
(TP.Hội An, Quảng Nam)
Nguyễn Đức Anh
Hơn 2 năm mà chưa xong thủ tục phê duyệt kinh phí để tu sửa di tích là quá lâu. Ở VN cái gì cũng nặng về thủ tục. Nếu bớt đi khâu thủ tục rườm rà thì hay biết mấy. Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định, thiết kế trong việc trùng tu tôn tạo sửa chữa di tích cấp quốc gia nghe vừa hợp lý vừa không. Hợp lý bởi di tích là công trình xây dựng nhưng không hợp lý ở chỗ công trình này đã tồn tại từ lâu, nay chỉ tôn tạo chứ không phải cơi nới, xây thêm hoặc đập bỏ xây lại. Vì vậy, quy định này có lẽ cần xem xét lại.
Nguyễn Đức Anh 
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Đỗ Đình Cường
Những dự án sửa chữa di tích nhỏ với kinh phí hơn 20 tỉ đồng cũng phải xếp hàng chờ Thủ tướng phê duyệt. Đây lại là một ví dụ nữa của việc đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng. Đã có Bộ VH-TT-DL và UBND cấp tỉnh, thành xem xét rồi mà còn phải chờ Thủ tướng phê duyệt nữa thì xem ra việc của Thủ tướng quá nhiều. Mà một khi Thủ tướng nhiều việc thì phải xếp hàng đợi nên một dự án phải mất 1 - 2 năm mới được phê duyệt là bình thường thôi.
Đỗ Đình Cường 
(H.Triệu Sơn, Thanh Hóa)
T.T - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.