Xứ sở kangaroo tại Việt Nam

28/01/2017 20:22 GMT+7

Ngôi nhà đầu tiên của kangaroo và những “cư dân” đáng yêu khác đến từ nước Úc, ZooDoo Dalat - cũng như bao người Việt Nam khác, đang tất bật chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu.

Đối với những phượt thủ xe máy, trong đó có rất nhiều người nước ngoài, trong hành trình chiêm ngưỡng thiên nhiên từ Đà Lạt xuống Nha Trang hay ngược lại, ZooDoo Dalat là điểm dừng chân và cắm trại thú vị từ gần 1 năm qua.
Ngôi nhà đầu tiên của kangaroo và những “cư dân” đáng yêu khác đến từ nước Úc, ZooDoo Dalat - cũng như bao người Việt Nam khác, đang tất bật chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu.

tin liên quan

Mãn nhãn với vườn thú quý tại Phú Quốc
Sáng nay 24.12, Công viên Chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari chính thức hoạt động tại xã Gành Dầu, Phú Quốc (Kiên Giang) với khoảng 3.000 loài cá thể động vật hoang dã được nhập từ Nam Phi, châu Âu, Úc, Mỹ.
Xứ sở kangaroo rất gần !
3 giờ sáng ngày 10.12.2016, ZooDoo Dalat (xã Đạ Nhim, Lạc Dương, Lâm Đồng) mở cửa đón 6 “nhân vật” đặc biệt sau một chuyến bay từ Sydney (Úc), quá cảnh ở Malaysia, đến sân bay Tân Sơn Nhất rồi tiếp tục lên xe về Đà Lạt. Đó là 6 chú chuột túi kangaroo và bạn đồng hành là 4 chú cầy Meerkat. Rồi một tuần sau đó, một đội quân khác cũng từ nước Úc xa xôi có mặt tại đây gồm: cừu bông, cừu đốm, ngựa lùn Pony, lạc đà không bướu (alpaca), thỏ tai cụp...
Đến với Zoodoo 1
Cầy Meerkat
Mất 10 tiếng đồng hồ vi vu trên trời để kangaroo - “đại sứ nước Úc” đáp xuống Việt Nam nhưng phải mất đến 7 năm để những người đứng sau vườn thú này có thể bảo lãnh cho chúng “nhập tịch” đất nước hình chữ S.
Anh Trịnh Duy Vinh và gia đình cho biết vẫn không quên cảm giác rưng rưng xúc động khi nhìn thấy những chú kangaroo nhảy lưng tưng dưới rừng thông Lạc Dương (Lâm Đồng) bởi các thành viên trong gia đình đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức để được phép đưa chúng ra khỏi nước Úc.
Câu chuyện 7 năm gian nan mà gia đình của chàng trai 34 tuổi miêu tả giống như “phải húc vào đá mới thấy” nhen nhóm trước khi gia đình anh nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo quyết định vào cuối năm 2011, Công ty TNHH Kinh Nông được chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ở xã Đạ Nhim sang đất chuyên dùng để xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư vườn thú Úc - kangaroo.
Sang Úc sống từ lúc 5 tuổi và được đi rất nhiều công viên sinh thái, Vinh - người quản lý dự án này mong muốn mang những con kangaroo đến gần với người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, bởi đâu phải ai cũng có điều kiện sang tận xứ sở của chúng và hơn hết, anh muốn truyền cho trẻ em tình yêu thiên nhiên, động vật qua những trải nghiệm thực tế.
Đến với Zoodoo 2
Cừu đầu đen
Vinh cho biết việc làm hồ sơ dày hàng chục trang giấy rồi đợi rất lâu mới có thông báo từ cơ quan có thẩm quyền của Úc chỉ là một phần nhỏ của hành trình này. Để được phép mang giống kangaroo này về Việt Nam gia đình anh phải cung cấp các thông tin cụ thể về độ cao so với mực nước biển của khu đồi này, về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và về yếu tố an toàn của nguồn nước.
Rồi phải 4 lần gửi kết quả mẫu thử nước của Viện Pasteur sang Úc. Và không chỉ phải thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt theo giấy tờ cũng như theo 2 chuyến khảo sát thực tế của các chuyên gia Úc, anh Vinh và các thành viên trong gia đình còn phải thể hiện được bản thân là những người có tâm. Vinh từng đến Tasmania theo học khóa dài 2 tuần/lần để hiểu hơn về các đặc tính của kangaroo, cách chăm sóc chúng…
Lấy 7 năm chia đều cho 6 con kangaroo (dòng Macropus Rufogriseus) và những con thú đặc trưng khác của Úc mới thấy tiền bạc không thể làm được mọi thứ. Những con thú này gia đình anh không phải mất tiền mua, chúng được huy động từ các vườn thú ở Úc. Không tính tiền mua thú mà tiền đầu tư cũng lên đến hơn 10 tỉ đồng, trong đó có tiền mua vé máy bay cho thú, khoảng 140.000 đô la Úc cho 2 chuyến…
Cái quan trọng hơn cả tiền mà người Úc muốn ở anh là sự am hiểu, tinh thần trách nhiệm với động vật, chẳng hạn họ không muốn những con vật này bị bỏ rơi nếu một ngày nào đó chủ đầu tư bỏ cuộc, không muốn chúng bị chết cháy nếu chủ đầu tư không có phương án cứu hộ khi xảy ra cháy rừng...
Đến với Zoodoo 3
Ngựa lùn
“Mình thương nó, nó thương lại mình”
Trò chuyện với Vinh, chúng tôi hiểu hơn về tình cảm của một người Việt dành cho quê hương và đặc biệt là trẻ em. Bạn bè thường trêu gia đình Vinh là “người ta qua Úc đầu tư, nhà này lại yêu nước... quay về Việt Nam đầu tư”. Đi cùng Vinh cho thú ăn, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của chàng trai tốt nghiệp ngành tài chính ở Úc. Vinh không khác gì một người bạn lâu năm của những con thú mới đến đây chưa đến 1 tháng. Vinh biết đặc tính của từng con một, vui đùa với chúng, ngồi từ xa ngắm nhìn những con kangaroo còn đang dè dặt. Hỏi về công việc đang làm, chàng trai 34 tuổi chỉ nói ngắn gọn: “Mình cho nó ăn. Mình thương nó. Nó thương lại mình. Đơn giản lắm!”.
Đến với Zoodoo 4
Alpaca
Điều khác biệt của ZooDoo, sẽ mở cửa vào ngày mùng 1 tết Đinh Dậu (ngày 28.1.2017), là khách tham quan sẽ được hướng dẫn viên đưa vào tận bên trong khu vực sinh sống của thú, được chỉ cách cho ăn và tìm hiểu về thú một cách trực quan sinh động nhất. Vườn thú “mở” này cũng hạn chế số lượng khách tham quan để đảm bảo môi trường lành mạnh và an toàn cho các “cư dân” mới.
Đến với Zoodoo 5
Thỏ tai cụp
Một người nữa rất quan trọng đứng sau ZooDoo là ông Neil Schultz - chuyên gia trưởng của vườn thú. Đến ZooDoo gần 8 giờ tối, chúng tôi thấy một ông Tây đang lái máy cày để cố làm cho xong một đoạn đường bị sạt lở do trời mưa liên tục. Ông tiến sĩ nông nghiệp vốn chẳng xạ lạ gì với Việt Nam và những nước phát triển.
Nghe ông nói, nhìn ông làm, chúng tôi thấm được phần nào sự quyết liệt của ông trong việc bảo vệ từng cái cây, ngọn cỏ ở ZooDoo. Ở ZooDoo, đừng hỏi tại sao quán cà phê rộng khoảng 450 m2 có vẻ hơi méo, tại sao đặt nhà vệ sinh ở chỗ này, tại sao đặt cổng vườn thú ở chỗ kia và tại sao lại phân chia các khu vực sinh sống của thú không đồng đều. Lý do là bởi ông Schultz và gia đình không muốn mất đi một cây thông nào nên cứ phải “co kéo” cho vừa với những khoảng đất trống có sẵn.
Với 16 ha đất rừng dành riêng cho ZooDoo, vườn thú này không mong gây tiếng vang lớn mà chỉ là nơi gia đình Vinh muốn gầy dựng để làm cầu nối cho trẻ em Việt Nam với thiên nhiên và động vật. Với sứ mệnh “Đáp đền tiếp nối”, ZooDoo sẽ là ngôi nhà không chỉ của những “cư dân” Úc mà còn của những con vật bị bỏ rơi, của những ai muốn quay về với thiên nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.