Đội tàu 180 tỉ đồng không đủ thế chấp để vay ngân hàng 10 tỉ đồng

23/12/2020 16:43 GMT+7

Đó là câu chuyện được chia sẻ tại tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng" do báo Người Lao Động tổ chức sáng nay 23.12.

Theo các doanh nghiệp du lịch, sau thời gian dài vật lộn với dịch bệnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Không cách nào tiếp cận vốn vay

Dẫn chứng câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Trương Quang Cường - Chủ tịch HĐTV Công ty Du thuyền Viet Princess kể: Công ty ông sử dụng vốn tự có để đóng 4 chiếc tàu giá trị 200 tỉ đồng, sau khi trừ khấu hao 5 năm hoạt động, giá trị 4 chiếc tàu hiện còn khoảng 180 tỉ. 4 tàu du ngoạn sông Mekong này là nguồn thu nhập chính của doanh nghiệp, đem về doanh thu hằng năm khoảng 150 tỉ đồng, lợi nhuận 25 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ông Cường còn đầu tư thêm vào lĩnh vực bất động sản, sở hữu những căn hộ bất động sản du lịch có giá trị khoảng 7 tỉ đồng. Thế nhưng, tất cả số tài sản trên không đủ điều kiện trở thành tài sản thế chấp để Du thuyền Viet Princess được vay vốn ngân hàng nhằm cầm cự, duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ngành du lịch đóng băng từ đầu năm đến nay.
"Hằng năm, chúng tôi chuyển vào các ngân hàng thương mại hơn 100 tỉ đồng. Lúc làm ăn được thì ngân hàng luôn muốn cho vay, mời gọi vay. Đến khi khó khăn, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn thì ngân hàng từ chối với lý do là ngành du lịch, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực du thuyền, rủi ro cao nên không được thế chấp du thuyền để vay. Chưa kể ngân hàng định giá rất thấp, chưa bằng nửa giá trị thực tế của con tàu. Hiện giờ mỗi tháng chúng tôi phải bù lỗ khoảng 1,5 tỉ đồng, dự kiến kéo dài trong 40 tháng. Nếu thủ tục của ngân hàng tiếp tục khó khăn thế này thì các doanh nghiệp du lịch sẽ rất khó để cầm cự cho đến khi đại dịch qua đi", ông Trương Quang Cường lo ngại.
Tương tự, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour cho biết đa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nếu áp dụng tất cả điều kiện vay thông thường thì không có công ty lữ hành nào có tài sản để thế chấp. Vốn tích lũy, vốn tự có thì không đủ cầm cự vì không thể đoán định bao giờ thì dịch bệnh có thể được khống chế. Trong khi đó, khi dịch bệnh qua đi, thị trường phục hồi, tour tuyến được khởi động thì chắc chắn các doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn để vực dậy.
Do đó, ông Dũng đề xuất cần có cơ chế đánh giá để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, được vay tín chấp. Theo đó, ngân hàng có thể dựa trên mức tiền thuế nộp ngân sách nhà nước trong những năm trước đây để đánh giá quy mô doanh nghiệp; dựa trên uy tín, độ lớn của thương hiệu thông qua số lượng người lao động tại doanh nghiệp; doanh nghiệp nào có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, cụ thể trong thời gian tới thì có thể trở thành tiêu chí xem xét cho vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể kết hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa ra các sản phẩm ưu đãi như mua tour trả góp lãi suất 0%, vừa là phương án hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kích cầu khách hàng.

Ngân hàng e dè vì rủi ro cao

Bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, tuy nhiên, ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho rằng ngân hàng cũng là 1 doanh nghiệp, không đứng ngoài những khó khăn của thị trường trong đại dịch. Ngân hàng cũng phải ưu tiên tính ổn định và đảm bảo an toàn cho người lao động của doanh nghiệp mình. Chưa kể vốn của ngân hàng không phải của cá nhân mà của nhiều cổ đông, huy động từ nhiều nguồn nên tính an toàn càng phải đặt lên cao.
Phần lớn các ngân hàng cho khách hàng vay cần có tài sản đảm bảo. Có 1 bộ phận doanh nghiệp được vay tín chấp nhưng phải đảm bảo ngân hàng có thể quản lý nguồn thu. Mà với điều kiện này thì ngành du lịch rất khó, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành vì đặc thù ngành này là dòng tiền không ổn định, khó quản lý. Do đó, muốn giải quyết việc vay tín chấp, các doanh nghiệp du lịch phải thật sự có uy tín, phải có quá trình đồng hành với ngân hàng.
Vị này cũng thông tin từ đầu năm đến giờ, Sacombank đã "tung" ra những gói hỗ trợ khoảng 20.000 tỉ đồng, ưu đãi giảm lãi suất tới 2% lãi suất cho vay. Đã có hơn 1.000 doanh nghiệp tiếp cận được các hỗ trợ về cơ cấu dư nợ khoảng 10.000 tỉ đồng nhưng trong đó chỉ có 2 - 3% là doanh nghiệp du lịch. Trong thời gian tới, Sacombank sẽ nghiên cứu thêm các sản phẩm hợp lý để cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp lữ hành. Đơn cử, hợp tác bán tour với các công ty lữ hành, phát hành thẻ đồng thương hiệu để cùng phục vụ khách hàng, có sự thấu hiểu, hợp tác lâu dài hơn.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Nam Á thông tin thời gian qua, ngân hàng này cũng hỗ trợ cho một số doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch và vướng vào nợ xấu. Vốn của ngân hàng là vốn của các cổ đông, vốn huy động từ nhiều nguồn và có sự quản lý rất chặt của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu tăng cao thì rất khó, du lịch là ngành nguy hiểm rủi ro rất cao nên các ngân hàng không tránh khỏi e ngại.
Vì thế, nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh nợ, coi đó là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua ngân hàng, có giải pháp giãn nợ, tách bạch khỏi nợ xấu ngân hàng thì ngân hàng mới mạnh dạn cho vay tín chấp hoặc lãi suất thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.