Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN Vũ Tiến Chiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Rolf Bergman đồng chủ trì cuộc đối thoại này.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm
Trong phiên thảo luận thứ nhất tại hội nghị, đề cập đến tình hình PCTN trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đã có những biểu hiện “chùng” xuống ở cả cơ quan chức năng cũng như báo chí. Đại diện Đại sứ quán Hà Lan bày tỏ: "Có vẻ như tinh thần chống tham nhũng của báo chí Việt Nam đang lắng xuống sau vụ PMU vừa qua". Nhiều đại biểu cũng nhận xét Việt Nam đang nỗ lực và đã đạt được một số kết quả bước đầu trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng đâu đó vẫn còn những “lực cản” cả khách quan lẫn chủ quan, ảnh hưởng đến hiệu quả việc PCTN.
Một số câu hỏi được các đại biểu đưa ra như, việc kê khai tài sản chậm, chưa rõ ràng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng chỉ tập trung ở nhóm quan chức cấp thấp; vai trò PCTN của các tổ chức xã hội dân sự khá mờ nhạt... “Liệu có sự mâu thuẫn về lợi ích khi chủ tịch UBND tỉnh lại là Trưởng ban PCTN ở địa phương?”, đại diện Đại sứ quán Phần Lan đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Thái Dương, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng Chính phủ Việt Nam luôn coi việc PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Do đó, hàng loạt chủ trương, biện pháp cụ thể đã được triển khai và đang có chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đầu năm đến nay, đã khởi tố điều tra 220 vụ án liên quan đến tham nhũng với trên 500 bị can, trong đó có cả từ cấp xã đến cấp Trung ương.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Chiến nhận định công cuộc PCTN vẫn đang được các cơ quan chức năng duy trì và đang từng bước phát huy hiệu quả. Hiện tượng “chùng” xuống được ông Chiến lý giải là “Việc phòng và chống đang đi vào chiều sâu”. Về cơ cấu bộ máy PCTN ở địa phương, ông Chiến nói sẽ ghi nhận những ý kiến của các nhà tài trợ, nhưng cũng cho rằng khi thực hiện bộ máy này đã có sự cân nhắc rất kỹ từ Trung ương đến địa phương. “Sau một thời gian thực hiện sẽ có sự đánh giá và điều chỉnh nếu thấy không phù hợp”, ông Chiến nói.
Quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin
Trong phiên thảo luận thứ hai, hầu hết các ý kiến tại hội nghị cho rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu công cuộc PCTN là tuyên truyền. Trong đó, báo chí vừa có vai trò đặc biệt quan trọng để tuyên truyền các chủ trương, đường lối Nhà nước, đồng thời là kênh thông tin phát giác tội phạm tham nhũng có hiệu quả. Các tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Báo chí đang làm tốt vai trò của mình trong PCTN”.
Tuy nhiên, khi đi sâu về hoạt động nghề nghiệp báo chí, các đại biểu đã nêu ra nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết. Trong một nghiên cứu khá công phu do Đại sứ quán Thụy Điển thực hiện về các vụ việc tham nhũng trên báo in Việt Nam qua 2 năm (2006-2007), một số ý kiến cho rằng, báo chí đang gặp những thách thức như, bị áp lực thời gian và tài chính, hạn chế về kỹ năng và tiếp cận thông tin, khung pháp lý còn có những chỗ hổng…
Trao đổi với các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Đỗ Quý Doãn khẳng định các nhà báo luôn được pháp luật bảo vệ khi tác nghiệp và trong các quy định, chế tài Việt Nam không có văn bản nào cản trở, hạn chế các nhà báo hành nghề cũng như hoạt động của các cơ quan báo chí. Thậm chí, Luật PCTN còn trao quyền lớn hơn cho báo chí. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ những thách thức của nhà báo hiện nay và cho rằng việc nhà báo bị hạn chế thông tin có thể là do nghiệp vụ, khả năng nhưng mặt khác do tâm lý e ngại báo chí của một bộ phận cán bộ.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng khẳng định Luật báo chí sửa đổi cuối năm 2009 tới đây sẽ bổ sung các quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí, trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính. Ông cũng khuyến nghị, về lâu dài cần xây dựng luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có quy định về quyền tiếp cận của phóng viên. Ngoài ra, ông bày tỏ hoan nghênh việc đóng góp ý kiến của các đại biểu trong việc sửa đổi luật báo chí cũng như các hợp tác nâng cao nghiệp vụ báo chí nói chung và báo chí PCTN nói riêng.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã công khai các thông tin về một số vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp, trong đó có nghi án đưa hối lộ trong dự án Đại lộ Đông - Tây (TP.HCM). Theo ông Vũ Tiến Chiến, hiện Bộ Công an đã thành lập Ban chuyên án và đang tiến hành điều tra vụ việc theo quy định pháp luật. Cùng với động thái này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao cùng phía Nhật Bản thành lập Ủy ban Phối hợp đấu tranh chống tiêu cực trong sử dụng nguồn vốn ODA. |
Thái Sơn
Bình luận (0)